'Cơn lũ' thép giá rẻ của Trung Quốc tiếp tục càn quét khắp thế giới, các nước đang phát triển gồng mình chống đỡ

Khánh Vy |

Giá thép cuộn cán nóng tại thị trường Đông Nam Á giảm mạnh hơn 40%.

'Cơn lũ' thép giá rẻ của Trung Quốc tiếp tục càn quét khắp thế giới, các nước đang phát triển gồng mình chống đỡ- Ảnh 1.

Hàng tồn kho chất đống, giá giảm mạnh

Theo Nikkei Asia , Trung Quốc đã xuất khẩu 53 triệu tấn thép trong nửa đầu năm 2024, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng xuất khẩu trong cả năm có thể đạt mức cao kỷ lục 110 triệu tấn được thiết lập vào năm 2015.

Hàng tồn kho tại các nhà máy sản xuất thép tăng đáng kể so với các nhà phân phối. Theo đó, hàng tồn kho tại các công ty sản xuất thép tăng khoảng 4 triệu tấn so với năm 2020. Điều này khiến họ chuyển sang xuất khẩu khi hàng tồn kho chất đống trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu.

Giá thép cuộn cán nóng tại thị trường Đông Nam Á đã giảm mạnh từ khoảng 700 - 900 USD/tấn, bao gồm cả cước vận chuyển, trong giai đoạn từ năm 2021 đến giữa năm 2022, xuống còn khoảng 510 - 520 USD do lượng xuất khẩu từ Trung Quốc tăng, tức giảm cao nhất 42%.

Giá thép cuộn cán nóng đối với các hợp đồng tương lai ngắn hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago cũng đã giảm mạnh 34% từ cuối năm 2023 xuống còn khoảng 660 USD.

'Cơn lũ' thép giá rẻ của Trung Quốc tiếp tục càn quét khắp thế giới, các nước đang phát triển gồng mình chống đỡ- Ảnh 3.

Chỉ số sản xuất sắt thép của Trung Quốc (S&P Global)

Xuất khẩu của các nhà sản xuất thép lớn của Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm giá này. Nippon Steel cho biết rằng giá giảm ở các thị trường nước ngoài, chủ yếu là do dòng sản phẩm Trung Quốc đổ vào, sẽ kéo lợi nhuận kinh doanh trong năm tài chính 2024 giảm 90 tỷ yên (tương đương 573 triệu USD) so với năm tài chính 2023.

Khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc nhỏ hơn so với tổng sản lượng thép thô của nước này năm ngoái là hơn 1 tỷ tấn. Nhưng với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất thế giới - chiếm hơn một nửa trong tổng số 1,89 tỷ tấn của thế giới vào năm 2023 - nếu nhu cầu trong nước giảm, công suất dư thừa của nước này có thể làm gián đoạn thị trường toàn cầu.

Gia tăng phòng vệ

Lần gần nhất xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng đột biến là vào năm 2016, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc loại bỏ công suất dư thừa tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dẫn đến việc thành lập Diễn đàn toàn cầu về công suất thép dư thừa (GFSEC).

Trung Quốc đã rút khỏi GFSEC vào năm 2019 với tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ. Năng lực sản xuất của nước này đã giảm từ năm 2016 đến năm 2018. Tuy nhiên, công suất bắt đầu tăng trở lại từ năm 2019.

Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Trung Quốc cũng đang giảm sút. Theo Sumitomo Corp. Global Research, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành khảo sát các nhà sản xuất thép trong nước và các công ty thương mại vào tháng 4, đồng thời công bố chiến dịch toàn quốc nhằm hạn chế sản xuất thép thô.

Nhưng với mức tăng trưởng 2,7% trong tháng 5, "trên thực tế, việc cắt giảm sản lượng không tiến triển", một nguồn tin tại một nhà sản xuất thép lớn của Nhật Bản cho biết. Một số người tin rằng chính quyền địa phương, những người muốn tránh làm xấu đi tình hình việc làm và tài chính, đang khuyến khích duy trì nguyên trạng công suất.

Điều đáng lo ngại đặc biệt đối với các công ty thép ở các nước phát triển là sự gia tăng của thép tấm chất lượng cao trong xuất khẩu của Trung Quốc. Xuất khẩu thép thanh phục vụ mục đích xây dựng, vượt quá 30 triệu tấn vào năm 2015, đã giảm xuống còn dưới 6 triệu tấn vào năm 2023.

Thay vào đó, xuất khẩu thép tấm cán nóng của Trung Quốc đã tăng hơn 40% lên hơn 20 triệu tấn vào năm 2023 và đạt gần 12 triệu tấn chỉ trong 5 tháng đầu năm nay.

'Cơn lũ' thép giá rẻ của Trung Quốc tiếp tục càn quét khắp thế giới, các nước đang phát triển gồng mình chống đỡ- Ảnh 6.

Xuất khẩu sắt thép của Trung Quốc (FT)

Xuất khẩu gián tiếp thông qua một quốc gia thứ ba hoặc được xử lý theo cách khác để tránh các biện pháp chống bán phá giá đang gây lo ngại ở nhiều quốc gia.

Số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá trên toàn thế giới đã tăng từ 5 cuộc vào năm ngoái - 3 trong số đó liên quan đến các sản phẩm của Trung Quốc - lên 14 cuộc được tiến hành trong năm nay tính đến đầu tháng 7, trong đó có 10 cuộc liên quan đến Trung Quốc. Các nước tiến hành điều tra chống phá giá trong năm nay gồm Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Brazil, Chile…

Thế nhưng, số lượng cuộc điều tra vẫn còn thấp so với 39 vụ trong năm 2015 và 2016. Một số nhà quan sát cho rằng các nước đang phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc chưa muốn tiến hành các cuộc điều tra như vậy.

Ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: "Trung Quốc đang chuyển cơ sở sản xuất xe điện và các sản phẩm khác ra nước ngoài và xuất khẩu thép và phụ tùng sang những nơi đó có xu hướng tăng".

Nếu tình trạng sản xuất dư thừa trong nước trở nên rõ ràng, Trung Quốc có thể hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu nhằm kích thích nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại