Con lớn lên bỗng xa cách và không muốn nói chuyện với bố mẹ là do 7 nguyên nhân này

THANH HƯƠNG |

Chính sự thiếu tâm lý trong cách ứng xử, dạy dỗ khiến bố mẹ vô tình đẩy con cái ra xa và làm mối quan hệ đôi bên ngày càng rạn nứt.

Khi con cái trưởng thành, nhiều cha mẹ bỗng giật mình cảm thấy con giống như người xa lạ, không còn gần gũi như lúc trước. 

Con thường lảng tránh không muốn tâm sự hoặc không trả lời tin nhắn của bố mẹ. Điều này khiến các bậc phụ huynh đau đầu, không hiểu vì lý do gì mà con lại "ghẻ lạnh" mình như vậy.

Thực tế lỗi lầm không phải do con ngang bướng, trái tính trái nết. Theo các nghiên cứu tâm lý xã hội, nguyên nhân của sự xa cách là do 7 sai lầm sau đây của các bậc cha mẹ.

1. Bố mẹ luôn cho mình là đúng

Việc bất đồng quan điểm là điều bình thường trong mỗi cuộc tranh luận. Tuy nhiên với nhiều bậc cha mẹ, hễ con bày tỏ quan điểm thì đều là hành vi "cãi láo". 

Bố mẹ luôn cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm sống hơn con trẻ và luôn đúng trong mọi trường hợp. Ngay cả khi sai, bố mẹ cũng ngại ngần thừa nhận.

Chính sự cố chấp này khiến con cái dần trở nên xa cách và không muốn tâm sự nhiều với bố mẹ. Bởi con cảm thấy ý kiến của mình không được lắng nghe và tiếp nhận.

Con lớn lên bỗng xa cách và không muốn nói chuyện với bố mẹ là do 7 nguyên nhân này - Ảnh 1.

2. Bố mẹ không nhận ra con đã khôn lớn

Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con cái luôn bé bỏng và nhỏ dại. Họ không nhận ra con đã lớn và có những suy nghĩ trưởng thành, hướng đi riêng biệt trong cuộc sống. Nhiều người vẫn giữ mãi ấn tượng về con từ nhỏ. 

Chẳng hạn khi còn nhỏ, con hơi hậu đậu và tiêu xài hoang phí. Nhưng khi trưởng thành, con cẩn trọng và biết tiết kiệm hơn, thậm chí còn trở thành một nhà quản lý tài chính.

Tuy nhiên trong mắt bố mẹ, con luôn là người hoang phí và hậu đậu. Sự lầm tưởng này khiến họ vô tình đẩy con ra xa mình.

3. Bố mẹ phớt lờ những ranh giới

Nếu muốn con cái tôn trọng mình thì chính bố mẹ cũng phải tôn trọng con cái trước. 

Giữa bố mẹ và con cái cũng cần có những ranh giới cá nhân. Không ít phụ huynh thường tự ý xem nhật kí, theo dõi trang Facebook cá nhân, đọc trộm tin nhắn khiến con cảm thấy thiếu tôn trọng và bị xâm phạm quyền riêng tư.

Điều này khiến con che giấu suy nghĩ, đề phòng, cố ý tránh né bố mẹ và trốn trong phòng riêng. Sự ức chế tích tụ lâu dài khiến mối quan hệ hai bên bị ảnh hưởng nặng nề.

Con lớn lên bỗng xa cách và không muốn nói chuyện với bố mẹ là do 7 nguyên nhân này - Ảnh 2.

4. Bố mẹ "luôn luôn lắng nghe nhưng không bao giờ thấu hiểu"

Bất cứ khi nào con trình bày quan điểm, bố mẹ đều nói chen vào và không chờ đến khi con nói hết. Thay vì "Con cảm thấy như thế nào", bố mẹ lại luôn nói: "Con phải như này", "Tại sao con lại làm như vậy?". 

Bố mẹ luôn lắng nghe nửa vời và không thực sự thấu hiểu, trở thành một người bạn tri kỉ để con dựa vào.

Mỗi khi con muốn giãi bày, điều tốt nhất bố mẹ cần làm là im lặng lắng nghe con nói hết và tuyệt đối không xen vào mạch cảm xúc của con.

5. Bố mẹ không trung lập

Sự thiên vị cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên xa cách. 

Khi các con cãi vã, bố mẹ nên để chúng tự giải quyết. Dù bất kể ai đúng ai sai, bố mẹ cũng cần tỏ giữ vững lập trường trung lập của mình.

Bên cạnh đó, khi xảy ra vấn đề với con, bố mẹ không nên kiếm "đồng minh" bằng cách lôi kéo thêm người thứ ba vào.

Con lớn lên bỗng xa cách và không muốn nói chuyện với bố mẹ là do 7 nguyên nhân này - Ảnh 3.

6. Hay chê bai, so sánh con

Bố mẹ hay chê trách có thể khiến con mất tự tin. Là "người bạn lớn" của con, bố mẹ không nên chê bai và so sánh con với người khác. 

Những ứng xử của cha mẹ như tỏ ra thất vọng với con, quát mắng, ép buộc; lên lớp,... sẽ chỉ khiến con có tâm lí bất mãn, chống đối.

Bên cạnh đó, đừng gạt bỏ suy nghĩ, sở thích, ước mơ của con và bắt con sống theo ước mơ, mong muốn của mình. Nên nhớ, con dù nhỏ tuổi nhưng vẫn là một cá nhân riêng biệt với suy nghĩ, ý tưởng và thế giới của riêng mình.

7. Bố mẹ luôn tỏ ra dữ dằn, đáng sợ

Quy củ và kỷ luật là tốt nhưng đừng bao giờ áp dụng những thứ đó quá mức khiến con trở nên sợ hãi bố mẹ. 

Nếu bạn luôn đổ lỗi, trách phạt con trong mọi trường hợp thì dần dần con sẽ nảy sinh tâm lý e dè, không muốn nói chuyện, gần gũi với bố mẹ. Bởi con sợ bất kỳ sự lỡ lời nào cũng có thể dẫn đến hình phạt.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa tôn trọng bố mẹ và sợ bố mẹ. Điều quan trọng là bạn phải tạo một môi trường an toàn và tràn đầy yêu thương, khiến con cảm thấy dù có chuyện gì xảy ra, con vẫn luôn có bố mẹ ở bên bảo ban và che chở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại