Trên các trang trang website buôn bán bất động sản , gần đây lượng tin đăng bán các loại hình bất động sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng ngày càng xuất hiện nhiều.
Anh Nguyễn Trãi (ở TP.HCM) cho biết, cần bán 6.300m² ở quận 9 với giá 138,6 tỷ đồng, một ô đất ở quận 1 với diện tích 240m2 có giá 210 tỷ đồng. Cả hai bất động sản này đều là hàng chính chủ.
Không chỉ bán bất động sản, một chủ đầu tư còn rao bán cả tòa văn phòng, diện tích 523m2 với 9 tầng ở TP.HCM với tổng số tiền rao 800 tỷ đồng...
Những ngày vừa qua, không chỉ các doanh nghiệp, chủ các lô đất, các ngân hàng cũng đua nhau rao bán ra những bất động sản trăm tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ( Agribank ) cũng vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ quy đổi hơn 172 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thăng Long, gồm 3 hợp đồng tín dụng.
Một khu nghỉ dưỡng được rao bán hơn 172 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho hợp đồng nói trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), gắn liền với thửa đất có diện tích 99 ha, mức giá khởi điểm hơn 172 tỷ đồng.
VietinBank cũng ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ 240,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Lục Kim Quân. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ nói trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở quận Bình Tân, TPHCM, có diện tích 7.430 m2. Giá khởi điểm của khoản nợ này 151 tỷ đồng.
Ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch HĐQT Công ty Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản - cho biết, thời điểm điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn bán tài sản. Hầu hết là những doanh nghiệp quy mô lớn với nhiều dự án từ khu đô thị, khu công nghiệp cho đến tòa nhà văn phòng, khách sạn, resort, dự án chưa xây hoặc đang xây dở dang, hoặc tài sản đang vận hành...
Tuy nhiên, theo ông Cần, các tài sản như tòa nhà văn phòng, khách sạn, nhà phố, khu căn hộ cho thuê… vị trí phải cực đẹp và giá rẻ thì may ra giờ mới bán được. Ông Cần cho biết, trong quá trình thương lượng, giá bán giảm khoảng 15 - 20%. Đa số khách hàng là nhà đầu tư trong nước, trong khi nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30%.
Ông Cần thông tin, hiện những dự án có hồ sơ pháp lý đầy đủ thì chủ đầu tư đã ra hàng từ năm 2020-2021, có một số ít 20 - 30% dự án hiện có tính pháp lý đầy đủ, còn đa phần là dự án pháp lý đang dở dang.
Theo ông Cần, bản chất thị trường M&A hoàn toàn phụ thuộc vào việc có vay vốn được không. Vì vậy, thời điểm này, ai cầm tiền mặt là “vua”, bất kể là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, thị trường bất động sản hiện xuất hiện tình trạng bán tháo các sản phẩm bất động sản và hiện tượng này sẽ xảy ra ngày càng nhiều từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2023.
Theo ông Đính, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn về dòng tiền khi các kênh huy động vốn chính như tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu hay huy động trên thị trường chứng khoán đang ngày càng khó khăn. Điều này không chỉ khiến bài toán kinh doanh của doanh nghiệp bị đảo lộn mà còn khiến chủ đầu tư không có tiền chi trả các khoản cho công nhân, nhà thầu, cho nhà cung cấp .
Ngoài ra, ông Đính cho rằng, thời điểm hiện nay, các ngân hàng cũng đưa ra phát mãi tài sản liên tiếp để thu hồi vốn. Thị trường sẽ xuất hiện cạnh tranh về giá.