Không có thời gian để mắc sai lầm
Sau 4 cầm quyền nhiều sóng gió của Tổng thống Trump, một loạt vấn đề lớn đang chờ đợi ông Biden. Giới phân tích cho rằng, nếu không cẩn trọng, ông Biden sẽ dễ mắc phải những sai lầm mà đôi khi để lại hậu quả lâu dài cho chính quyền mới.
Tổng thống Trump đã chèo lái chính quyền đi theo một hướng khác so với chính phủ tiền nhiệm sau cuộc bầu cử năm 2016. Nhiều hành động của ông Trump đã gây bối rối cho cơ quan hành pháp. Tổng thống Bill Clinton gặp phải các vấn đề về nhân sự ngay khi thành lập chính quyền vào năm 1993, sau đó ông lại mắc sai lầm khi nhường quá nhiều quyền hành liên quan đến lập pháp cho các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội. Tổng thống Jimmy Carter năm 1977 đã nảy sinh mâu thuẫn với Quốc hội trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ và rạn nứt này chẳng bao giờ được hàn gắn hoàn toàn.
Ông Biden có thể không mắc phải những sai lầm đó. Nhưng chưa thể đoán định được điều gì sẽ xảy ra khi ông lên nắm quyền. Joe Biden cam kết thực thi một chiến lược trên toàn quốc nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phân phối vaccine hiệu quả và tăng cường hệ thống xét nghiệm Covid-19 hiện có, quan tâm khôi phục nền kinh tế, xóa bỏ sự bất bình đẳng. Bên cạnh đó, ông Biden cũng muốn sửa chữa lại hệ thống quản lý nhập cư, khởi động sáng kiến chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng, giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc. Với một loạt vấn đề cấp thiết như vậy, Joe Biden không có thời gian để thử nghiệm và mắc sai lầm.
Việc lựa chọn các quan chức trong chính quyền mới phần nào tiết lộ cách thức ông Biden sẽ giải quyết những thách thức lớn. Với đội ngũ chủ chốt bên trong Nhà Trắng và các thành viên trong nhóm an ninh quốc gia, Joe Biden lựa chọn những cố vấn đáng tin cậy và chỉ có một số ít là các gương mặt mới. Theo Washington Post, đội ngũ nhân sự mới của ông Biden là những người thực tài, dày dạn kinh nghiệm. Gần một nửa trong số này là người da màu và có sự xuất hiện nhiều hơn các gương mặt nữ giới. Điều đó cho thấy Joe Biden đang thực hiện đúng cam kết xây dựng một chính phủ đa dạng nhất trong lịch sử hiện đại, phản ánh đúng những giá trị của nước Mỹ.
Tính toán của ông Biden trong xây dựng đội ngũ nhân sự mới
Đã có một số ý kiến cho rằng, chính quyền mới của Joe Biden phảng phất bóng dáng chính quyền Obama với 1/3 số nhân vật cấp cao được cất nhắc đến từ chính phủ thời đó. Thượng nghị sĩ Christopher A. Coons nhận xét: “Một số người nói rằng đây là chính phủ Obama 2.0 nhưng tôi nghĩ điều này không đúng. Chúng ta đang ở một thời kỳ khác. Có nhiều biến động về mặt con người và ông Joe Biden cũng là một nhà lãnh đạo hoàn toàn khác so với ông Obama”. Ted Kauffman, người đứng đầu đội ngũ chuyển giao của liên danh Biden – Harris cho biết: “Đó không phải là sự trở lại của chính quyền ông Obama”.
Dù có sự trùng lặp đáng kể với chính quyền Obama về mặt nhân sự, nhưng Joe Biden được cho là đang xây dựng chính quyền theo cách riêng của ông, nhằm thực hiện những ưu tiên khác biệt. Các nhân vật mà ông Biden lựa chọn là những người từng làm việc với ông tại Thượng viện hay khi ông còn làm phó tổng thống. Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia và trong đội ngũ nhân sự tại Nhà Trắng, ông Biden không chỉ tìm kiếm những người ông biết rõ, mà giữa họ cũng có sự thấu hiểu lẫn nhau.
Ron Klain – người được Joe Biden lựa chọn làm chánh văn phòng Nhà Trắng đã có nhiều năm gắn bó với Biden khi ông còn giữ chức trưởng cố vấn của Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Mike Donilon – người được đề cử giữ vị trí cố vấn cấp cao từng là cố vấn chính trị của ông Biden trong nhiều thập kỷ. Cathy Russell, từng là giám đốc nhân sự của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, sẽ nắm vai trò giám đốc nhân sự của Nhà Trắng.
Tương tự, nhóm phụ trách chính sách đối ngoại của ông Biden cũng bao gồm những nhân vật mà ông đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm. Trong đó phải kể đến Antony Blinken - cựu thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, được đề cử làm Ngoại trưởng. Ông Antony Blinken từng làm việc với ông Biden tại Thượng viện và trong thời gian ông giữ chức Phó Tổng thống.
Trong số các nhân vật được đề cử, xuất hiện một số gương mặt mới là bà Jen O’Malley Dillon, quản lý ban vận động tranh cử của ông Biden – được chỉ định làm Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng. Hạ nghị sĩ Cedric Richmond của bang Louisiana – người sẽ nhận vai trò giám đốc Văn phòng quan hệ công chúng của Nhà Trắng.
Thách thức không dễ vượt qua
Giá trị tiềm năng của những mối quan hệ này sẽ nhanh chóng được thử thách khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức, với kỳ vọng rằng chính phủ mới sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ hơn so với chính quyền ông Trump.
Thượng nghị sĩ Christopher A. Coons nhận xét: “Nước Mỹ đã đứng ở một vị trí khác trong 4 năm ông Trump lên nắm quyền. Mọi thứ không thể quay trở lại như năm 2016. Ông Biden và bà Harris phải đối mặt với một con đường gập ghềnh hơn và nhiều thử thách hơn. Vì thế đội ngũ nhân sự mới cần phải phối hợp với nhau để đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng”.
Những người hiểu ông Biden nói rằng, từ lâu ông đã để mắt đến các tài năng, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Sau nhiều thập kỷ hoạt động chính trị, ông đã tuyển dụng và bổ sung vào đội ngũ nhân sự của mình các nhân vật cốt cán, có thể đảm đương tốt những nhiệm vụ được giao.
Joe Biden sẽ được bao quanh bởi những người trung thành và đáng tin cậy trong Nhà Trắng. Hơn nữa, do từng có nhiều năm làm việc trong Ủy ban Tư pháp của Thượng viện, Joe Biden sẽ có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự tại Bộ Tư pháp – cơ quan từng chịu những biến động lớn dưới thời ông Trump.
Tuy nhiên, trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như kinh tế, ông Biden có thể phải dựa vào những người mà ông ít tiếp xúc hơn. Việc Joe Biden lựa chọn bà Janet L. Yellen – cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm Bộ trưởng Tài chính đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đảng Dân chủ và nhiều thành viên khác. Hôm 29/11, ông Biden tiếp tục công bố sẽ chọn bà Neera Tanden, người Mỹ gốc Ấn, từng là nhân viên chính sách lâu năm của Đảng Dân chủ, làm Giám đốc Văn phòng Quản lí và Ngân sách, còn bà Cecilia Rouse - từng làm việc trong chính quyền ông Obama - làm người quản lí Hội đồng Cố vấn Kinh tế.
Tuy vậy, xét đến tiêu chí lựa chọn nhân sự của ông Biden, người ta có thể thấy một số hạn chế tiềm ẩn. Sự quá tự tin trong các mối quan hệ và kinh nghiệm dày dặn của các nhân vật chủ chốt dưới quyền ông có thể khiến họ gặp khó khăn khi thích ứng với hoàn cảnh mới hoặc lúng túng khi các vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp mới mẻ, mang tính đột phá.
Ông Biden tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường, đồng thời cho biết luôn sẵn sàng hợp tác với các đảng phái. Ông cam kết một lần nữa sẽ đưa Mỹ lên vị thế dẫn đầu trên trường quốc tế với tư cách là một lãnh đạo của thế giới thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đồng minh. Ông cũng công bố rõ các chương trình nghị sự trong nước để người dân nắm bắt được tình hình.
Ông Ted Kaufman cho biết, từ các cuộc vận động tranh cử trước đây, ông Biden rút ra được bài học kinh nghiệm rằng, tổng thống mới không nên gây bất ngờ cho công chúng về chính sách đối nội.
“Chính sách của chúng tôi là những gì ông Biden đã thông báo trong chiến dịch tranh cử”, ông Kaufman cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng chương trình nghị sự của chính quyền mới căn cứ vào tình hình thực tế chứ không phải là ý tưởng viển vông. “Ông ấy đưa ra những cam kết mà ông ấy biết rõ có thể thực hiện được nếu ông chiến thắng”.
Tuy nhiên, trước khi đội ngũ của ông Biden biến các cam kết thành hiện thực, họ vẫn phải thuyết phục công chúng, nhất là một số thành viên của đảng Cộng hòa tại Thượng viện rằng, chương trình nghị sự của họ thực sự hữu ích và có giá trị.
“Chúng tôi cần phải tìm cách chứng minh rằng các chính sách của chúng tôi sẽ giúp mọi người có được cuộc sống tốt đẹp hơn”, Thượng nghị sĩ Christopher A. Coons nói./.