Cơn khát khẩu trang ở Trung Quốc: Người dân sang nước khác tìm kiếm, doanh nghiệp 'than trời' vì thiếu nguyên liệu, kho dự trữ khắp thế giới cạn kiệt

Giang Ng |

Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khan hiếm khẩu trang. Nhu cầu đối với mặt hàng này tăng mạnh trong những tuần gần đây, khiến kho dự trữ không chỉ ở Trung Quốc cạn kiệt, mà từ Bangkok đến Boston (Mỹ) cũng vậy.

Kể từ đầu tháng 2, Kent Cai Mingdong - một người quê gốc ở Ninh Ba, Trung Quốc - đã đến Indonesia để tìm kiếm nguồn nhập khẩu trang ở các nhà thuốc địa phương, để có thể gửi về cho các chuyên gia, nhân viên y tế ở quê nhà. Hiện tại, tình trạng thiếu hụt khẩu trang đang gây nhiều khó khăn hơn cho công tác chống dịch tại quốc gia này.

Cho đến nay, Cai đã đến hơn 15 thành phố và mua được 200.000 chiếc khẩu trang, ông đã gửi một phần trong đó cho khách du lịch Trung Quốc ở các sân bay lớn của Indonesia để gửi về nước.

Cai là chủ tịch của Zhejiang Newway Cultural Development - một công ty nghiên cứu giáo dục và live stream. Ông nói: "Tôi nghĩ Indonesia, với lượng dân số lớn, sẽ có rất nhiều công nhân lành nghề." Cai chia sẻ: "Tình trạng khan hàng khẩu trang diễn ra sau khi tôi đến Indonesia, do đó tôi có cơ hội để dự trữ. Tôi đi khắp các hiệu thuốc, điều đó thực sự mệt mỏi nhưng lại hiệu quả hơn. Nếu tôi ở Ninh Ba trong 13 ngày qua, thì thực sự tốn thời gian. Ít nhất tôi có thể làm điều gì đó khi ra ngoài biên giới Trung Quốc."

Vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu là kết quả của một quá trình cạnh tranh giá cả, và hiện đang gây tổn hại nhiều nhất cho chính quốc gia này. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khan hiếm khẩu trang. Nhu cầu đối với mặt hàng này tăng mạnh trong những tuần cần đây, khiến kho dự trữ không chỉ ở Trung Quốc cạn kiện, từ Bangkok đến Boston (Mỹ) cũng vậy.

Trung Quốc chiếm khoảng 1 nửa sản lượng khẩu trang trên toàn thế giới, nhưng giờ đây phải nhập khẩu khẩu trang từ nước ngoài, kể cả thông qua các kênh ngoại giao hay nhà bán lẻ như ông Cai. Tuy nhiên, các bác sĩ và y tá vẫn không có đủ khẩu trang để sử dụng, đặc biệt là dòng N95 với khả năng phòng chống tốt hơn.

Vì Covid-19 được cho là lây lan chủ yếu qua giọt bắn khi ho và hắt hơi, nên kể cả những loại khẩu trang đơn giản cũng trở thành mặt hàng được tìm kiếm rất nhiều ở Trung Quốc, thậm chí còn là nguyên nhân của những trường hợp quan liêu. Hồi đầu tháng này. Giám đốc cơ quan y tế của thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam) đã bị cách chức vì trưng dụng trái phép lô khẩu trang của Trùng Khánh và Hoàng Cương.

Hiện tại, chưa có ước tính chính thức về mức chênh lệch nguồn cung, nhưng rõ ràng rằng nhu cầu sẽ tiếp tục vượt sản lượng của Trung Quốc trong những tuần tới. Trên khắp cả nước, chính quyền đại phương đang yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp phải có đủ khẩu trang cho nhân viên mới có thể hoạt động trở lại.

Theo Cong Liang, một quan chức của Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), các nhà sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đang hoạt động với công suất 76%, sản xuất 15,2 triệu chiếc mỗi ngày. Tuy nhiên, ước tính nhu cầu hàng ngày ở thời điểm này là 50-60 triệu chiếc/ngày. Trung Quốc cũng chỉ có thể sản xuất 200 nghìn chiếc khẩu trang N95/ngày vì loại này đòi hỏi công nghệ và vật liệu chất lượng cao hơn.

Dù sản lượng khẩu trang của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với những nơi khác, nhưng vấn đề này đã lan sang phần còn lại của thế giới.

Mike Bowen - đồng sáng lập và phó chủ tịch của công ty sản xuất khẩu trang Prestige Ameritech, cho hay: "Trong nhiều năm, tôi đã dự đoán được rằng nếu Trung Quốc gặp vấn đề với dịch bệnh hay đại dịch, thì sẽ kéo theo các vấn đề với các quốc gia khác, bởi họ nắm giữ nguồn cung khẩu trang của thế giới."

Ông nói thêm: "Giá cả ở Trung Quốc rất hấp dẫn, nên các quốc gia khác đều tìm đến họ. Nhưng họ không nghĩ về trường hợp dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, thì họ sẽ không thể có được những sản phẩm này."

Bowen cho biết, Prestige Ameritech sản xuất 87% khẩu trang cho thị trường Mỹ trong những năm 1990, hiện chiếm một nửa trong tổng nguồn cung ở Mỹ. Nhưng giờ đây, họ gặp phải một kịch bản không ngờ tới, công ty của ông lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, với 1 triệu chiếc trong 2 tuần vừa qua.

Không chỉ ở Trung Quốc hay các quốc gia châu Á khác, mà ở châu Âu và Mỹ, số lượng đơn đặt hàng khẩu trang cũng tăng mạnh khi virus corona bùng phát. Sản xuất tới 5 tỷ chiếc khẩu trang vào năm ngoái, Trung Quốc hiện đang phải nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Tuần trước, chính phủ Indonesia cho biết, Trung Quốc đã thực hiện "các đơn đặt hàng rất lớn", tương đương với sản lượng trong 3 tháng của nước này.

Các nhà sản xuất châu Á ở Hàn Quốc và Việt Nam đều phàn nàn rằng Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu nguyên liệu và thiết bị thô cho quá trình sản xuất khẩu trang, gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng.

Nhu cầu tăng vọt cùng yêu cầu về an toàn sức khoẻ của chính phủ đã khiến nhiều công ty phải tự sản xuất khẩu trang. Foxconn đã bắt đầu sản xuất khẩu trang dành cho nhân viên và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 2 triệu chiếc/ngày vào cuối tháng này. Công ty sản xuất quần áo Hongdou Group và nhà sản xuất ô tô SAIC-GM-Wuling Automobile cũng bắt đầu sản xuất khẩu trang.

Xem thêm các tin tức nóng về dịch virus corona tại đây.

Tham khảo SCMP

Cơn khát khẩu trang ở Trung Quốc: Người dân sang nước khác tìm kiếm, doanh nghiệp than trời vì thiếu nguyên liệu, kho dự trữ khắp thế giới cạn kiệt - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại