Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin

Chi Lan |

Các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và đang chịu tác động rất lớn khi giá dầu thế giới tăng cao, đồng nội tệ yếu và sự cạnh tranh từ các quốc gia giàu có với nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch.

 Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin  - Ảnh 1.

Giá nhiên liệu cao hơn đang khiến tình trạng lạm phát trở nên căng thẳng hơn, đối với những quốc gia đang chật vật vì giá lương thực tăng cao. Những yếu tố này đang là nguyên nhân của tình trạng bất ổn và khiến nhiều người dân bất bình. Đây là điều mà các chính phủ dân chủ nhận thức rõ ràng rằng sẽ khiến họ mất đi sự ủng hộ và quyền lực.

Sri Lanka, Nigeria và Argentina là những nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh chứng kiến cảnh người dân xếp hàng dài tại một số trạm xăng trong những tuần gần đây vì thiếu nhiên liệu.

Nhiều chính phủ đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là chống đỡ tình trạng giá cả tăng cao bằng cách tăng trợ cấp hoặc giảm thuế, hoặc để mặc giá nhiên liệu tăng và khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả.

Virendra Chauhan, chủ tịch công ty tư vấn Energy Aspects có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Chúng ta có thể chứng kiến nhiều bất ổn khi các nền kinh tế mới nổi nhạy cảm hơn với giá nhiên liệu. Dù trước đây hầu hết những nước này đều sử dụng trợ cấp nhiên liệu để hỗ trợ người dân, nhưng do áp lực nhập khẩu ngày càng lớn nên họ khó có thể duy trì các khoản trợ cấp đó."

Cuộc khủng hoảng này chủ yếu là hệ quả của việc nhu cầu hồi phục sau đại dịch và những lệnh trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga. Giá dầu thô đã giao dịch gần 120 USD/thùng hôm 6/6, cao hơn khoảng 70% so với mức trung bình trong năm 2021. Đà tăng diễn ra sau khi Saudi Arab đưa ra tín hiệu về nhu cầu sẽ tăng và Goldman Sachs dự đoán thị trường sẽ càng bị co hẹp khi Trung Quốc ngừng các biện pháp phong tỏa.

 Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin  - Ảnh 2.

Sri Lanka và Pakistan cũng là những nền kinh tế mới nổi đang chịu gánh nặng của việc giá cả tăng cao.

Vốn đã gặp nhiều khó khăn sau khi rơi vào khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka đang nỗ lực tìm kiếm sự trợ giúp từ IMF, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để chi trả cho nhập khẩu nhiên liệu vì nguồn cung trong nước đã cạn kiệt. Các hãng hàng không bay đến nước này đều được yêu cầu mang đủ nhiên liệu cho chuyến khứ hồi hoặc tiếp nhiên liệu ở nơi khác.

Lạm phát cùng giá nhiên liệu tăng cao đã đẩy Pakistan vào cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự, họ cũng đang kêu gọi gói cứu trợ từ IMF. Song, tổ chức này khẳng định Islamabad đã tăng giá nhiên liệu để tìm kiếm thỏa thuận cứu trợ. Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài đã ngừng cung cấp tín dụng thương mại cho dầu nhập khẩu của nước này.

 Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin  - Ảnh 3.

Tỷ lệ lạm phát ở một số quốc gia mới nổi.

Ở Đông Nam Á, người dân Myanmar cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng và dầu diesel, theo các phương tiện truyền thông địa phương. Tại Myanmar, việc tiếp cận với đồng USD bị hạn chế đã khiến người mua không thể thanh toán hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, châu Phi cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Kenya, Senegal, Nam Phi và Nigeria đều thông báo về tình trạng thiếu nhiên liệu. Các hãng hàng không hoạt động tại một số khu vực của châu lục này đã phải hủy chuyến hoặc tiếp nhiên liệu cho máy bay ở nơi khác.

Một phần nguyên nhân đến từ nhu cầu ở các quốc gia phát triển tăng trở lại sau đại dịch, đặc biệt là khi mùa du lịch đường dài ở khu vực Bắc bán cầu đã bắt đầu. Dự trữ xăng ở khu vực New York đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 vào tháng trước, theo EIA.

Còn ở châu Âu, khối này đang mua lượng nhiên liệu máy bay khổng lồ để đáp ứng sự bùng nổ nhu cầu du lịch vào mùa hè này. Ngoài ra, họ cũng nhập khẩu dầu diesel để thay thế nguồn cung từ Nga.

 Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin  - Ảnh 5.

Chauhan nhận định: "Châu Âu là khu vực đang có nhu cầu rất lớn. Các thị trường mới nổi do đó sẽ khó để cạnh tranh."

Việc nhu cầu tăng vọt lại không tỷ lệ thuận với công suất lọc dầu. Trong thời kỳ đại dịch, khi nhu cầu sụt giảm, hoạt động ở các nhà máy lọc dầu ở các quốc gia như Philippines, Australia, New Zealand và Singapore cũng đi xuống và hàng tồn kho giảm. Giờ đây, các nhà máy lọc dầu đang hối hả để tăng lượng dầu tồn kho.

Nhiều quốc gia gặp phải vấn đề là họ không biết tìm nguồn cung dầu thô ở đâu. Khi các quốc gia giàu có đang tìm mua từ những nguồn truyền thống như Trung Đông, thì một số quốc gia đang phát triển mua dầu giá rẻ của Nga.Sri Lanka đang nỗ lực khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của họ bằng cách sử dụng dầu nhập từ Nga, khi chính phủ cố gắng kiểm soát thị trường chợ đen đang đẩy giá lên cao.

 Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin  - Ảnh 6.

Peter Lee – nhà phân tích dầu và khí đốt cấp cao tại Fitch Solutions, cho hay: "Giá dầu Nga đang ở mức thấp là điều hấp dẫn với các thị trường mới nổi."

Tháng trước, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhập khẩu dầu Nga với khối lượng kỷ lục.

Đối với một số quốc gia nghèo hơn, thì tác động của giá dầu cao lại khiến họ rơi vào "vòng xoáy suy giảm". Giá nhiên liệu nhập khẩu tăng đã gây tổn hại cho nền kinh tế, làm suy yếu đồng nội tệ từ đó khiến giá dầu nhập khẩu thậm chí còn đắt đỏ hơn.

Đồng Rupee của Sri Lanka đã giảm gần 44% trong năm nay so với USD, trong khi đồng rupee của Pakistan giảm hơn 11%.

Do đó, cử tri ngày càng thất vọng với chính phủ. Để ứng phó, một số chính phủ đang phải tăng trợ cấp hoặc giảm thuế nhiên liệu, thường là sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của nhà nước.

Theo ước tính của Bloomberg Economics, các khoản trợ cấp xăng và dầu diesel của Mexico đang khiến chính phủ mất hơn gấp đôi khoản lợi nhuận mà họ thu được nhờ giá dầu thô tăng. Còn Nam Phi là một trong những quốc gia tạm thời giảm thuế nhiên liệu. Dẫu vậy, các tài xế ở đây vẫn phải chứng kiến giá nhiên liệu tăng gần 80% kể từ mức thấp hồi năm 2020.

 Cơn khát dầu đẩy các quốc gia mới nổi chìm sâu vào vòng xoáy không hồi kết: Khủng hoảng kinh tế, lạm phát và mất niềm tin  - Ảnh 8.

Indonesia tháng trước thông báo chính phủ sẽ tăng chi tiêu thêm khoảng 27 tỷ USD trong năm nay, một phần để chi trả cho giá nhiên liệu tăng 56%. Còn Ở Pakistan, việc cựu Thủ tướng Imran Khan bị buộc phải từ chức vào tháng 4 sau khi hạ giá nhiên liệu và "đóng băng" mức giá đó trong 4 tháng, đã khiến chính phủ phải chi trả 600 triệu USD/tháng và ảnh hưởng đến biện pháp cứu trợ của IMF.

Giá cả tăng cao và thiếu nhiên liệu không chỉ làm người dân bất an mà còn kéo theo những vấn đề lớn hơn về kinh tế. Những nông dân không đủ tiền để mua dầu diesel sẽ không thể trồng nhiều loại cây và càng khiến tình trạng thiếu lương thực và lạm phát trầm trọng hơn. Khi các chính phủ chấp nhận duy trì thuế nhiên liệu ở mức thấp, thì chi tiêu đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế sẽ phải giảm bớt và đi vay nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất tăng.

Chauhan nhận định: "Điều mà thế giới đang dần nhận ra hậu đại dịch là cần phải đảm bảo nguồn cung năng lượng cho chính mình. Việc càng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi từ chuỗi cung ứng thiên về nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh."

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại