Giáo sư Joyce Matler đến từ Đại học Harvard từng thực hiện một cuộc khảo sát xã hội với chủ đề “Sự túng thiếu, từ đâu mà ra?”. Người ta thấy rằng nguyên nhân sâu xa của trạng thái khó khăn tài chính, không dư dả tiền bạc xuất phát từ những thói quen xấu nhiều hơn là từ khả năng kiếm tiền.
Nếu cũng đang trong cảnh bí bách, thử xem liệu bạn có mắc phải 7 thói quen xấu này không. Chỉ bằng cách thay đổi những hành vi và quan niệm sai lệch, làm rò rỉ tiền bạc này, bạn mới có thể trở nên giàu có.
1 - Tiêu tiền không biết điểm dừng
Hu Xueyan là một thương nhân nổi tiếng ở Trung Quốc với khối tài sản không phải dạng vừa. Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu của bản thân, một trong những điều đầu tiên mà Hu Xueyan nhấn mạnh chính là: Chi tiêu có điểm dừng.
Điều này không có gì lạ, nếu không đặt giới hạn cho việc tiêu tiền, cứ kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chắc chắn không ai có thể giàu được. Tuy nhiên, cuộc sống lại luôn có nhiều cạm bẫy khiến chúng ta “xiêu lòng”, không thể suy nghĩ một cách tỉnh táo, duy trì sự kiên định mà giữ lấy tiền. Đó chính là lý do ở bất kỳ thời đại nào, cũng luôn có những người thích chạy theo xu hướng, thà “đốt sạch” tiền vào những thú vui ngắn hạn, những sản phẩm xa xỉ để đổi lấy cảm giác thỏa mãn nhất thời, còn hơn là chắt chiu, dành dụm.
Tiêu tiền không có kế hoạch đẩy con người vào vòng trạng thái túng thiếu không hồi kết. Vậy nên trước khi mua thứ gì đó, hãy tự hỏi bản thân liệu đây có phải thứ mình thực sự cần hay không?
Hãy bình tĩnh suy nghĩ để kiềm chế ham muốn mua sắm và cố gắng giữ tiền trong túi. Đây mới là kế hoạch thực sự có lợi cho bạn.
2 - Nghiện tích trữ
Qiao Sang - Một blogger đang thực hành lối sống tối giản, lại là người từng mắc chứng nghiện tích trữ cực kỳ nghiêm trọng. Khi đi mua quần áo, Qiao Sang không bao giờ mua 1 chiếc phù hợp với bản thân, mà sẽ mua tất cả các màu của từng kiểu dáng mà cô thích. Còn với mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, Qiao Sang lại mua một lượng lớn đến mức đủ dùng cho cả năm!
Thói quen ấy có lẽ vẫn được Qiao Sang duy trì tới bây giờ nếu như cô sống trong một căn biệt thự rộng vài nghìn m2. Tuy nhiên, hiện thực của Qiao Sang thì khác. Cô chỉ đủ tiền để thuê một căn hộ nhỏ, cho đến ngày quần áo, thực phẩm, đồ tích trữ chiếm gần hết không gian sinh hoạt và ví tiền cũng cạn dần, cô mới nhận ra thói quen tích trữ tai hại đến nhường nào.
Cuối cùng, Qiao Sang cũng nhận ra rằng không cần thiết phải tích trữ bất kỳ thứ gì trên đời này, bởi nhu cầu thực tế của bản thân Qiao Sang hay của phần lớn chúng ta, đều không nhiều đến vậy.
Nếu bạn cũng thích tích trữ đồ, hãy thử “nguyên tắc thay thế” vào lần mua sắm tới đây. Hãy chỉ mua các sản phẩm chăm sóc da khi chúng đã hết, chỉ đi siêu thị khi tủ lạnh đã trống không, chỉ mua quần áo khi thực sự không còn gì để mặc,..
Bằng cách này, bạn vừa đáp ứng được các nhu cầu hàng ngày của bản thân, vừa có thể tiết kiệm được tiền.
3 - Thói quen trì hoãn
Nhà hoạch định tài chính Thomas Corey từng khẳng định trì hoãn là thói quen phổ biến nhất ở những người đang gặp khó khăn tài chính. Nhiều người thích trì hoãn những việc đáng lẽ phải hoàn thành trong ngày, dẫn đến nhiều hậu quả không tốt.
Nếu bạn luôn giữ thái độ tiêu cực, bạn đương nhiên không thể tìm thấy niềm vui trong bất kỳ việc gì bạn làm. Nếu bạn có thói quen trì hoãn, hãy so sánh mình của hiện tại với mình của 3-4-5 năm trước, để xem liệu bản thân có thay đổi, có bước tiến gì tích cực không, hay vẫn đang dậm chân tại chỗ?
Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo “việc hôm nay, chớ để ngày mai”. Nếu có dự định tiết kiệm, hãy tiết kiệm ngay hôm nay. Nếu định học tập, hãy bắt đầu luôn bây giờ vì ngày mai trong suy nghĩ là ngày mai không bao giờ tới!
4 - Ngừng học hỏi
Charlie Munger từng sử dụng một sự kiện để thảo luận về tầm quan trọng của việc học để kiếm tiền. Ông kể rằng ông đọc tạp chí Barron's hàng ngày trong suốt 50 năm, trước khi tìm thấy cơ hội đầu tư và kiếm được 80 triệu USD mà không gặp bất kỳ rủi ro nào.
Đôi khi, học tập không chỉ là để tiếp thu, trau dồi kiến thức mà còn là để quan sát xu hướng thị trường, và hiểu rõ những thay đổi của thời đại. Đừng bao giờ ngừng học, ngừng nâng cao kiến thức của mình, biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ vô tình bắt gặp một cơ hội kiếm tiền và thay đổi cuộc đời mình.
5 - Luôn ở trong “vùng an toàn”
Trong cuốn “Tư duy của người giàu”, có một nhận thức được đề cập: Bất kỳ điều gì mang lại cho bạn cảm giác lo lắng, sợ hãi hoặc thiếu tự tin đều tiềm ẩn một cơ hội. Nếu chỉ ở trong vùng an toàn của bản thân, hàng ngày làm những công việc không có sự đổi mới và tránh xa mọi môi trường, mọi công việc có tính thách thức, mức thu nhập và trạng thái tài chính của bạn đương nhiên cũng chẳng có gì thay đổi.
Hiểu một cách đơn giản, bạn không thể có được một thành quả đột phá bằng cách làm duy trì những hoạt động, những thói quen cũ rích quanh năm suốt tháng.
6 - Luôn nghĩ tới những viễn cảnh tiêu cực nhất
Bạn càng tập trung nghĩ về điều gì thì điều đó càng có khả năng trở thành hiện thực. Một người chưa làm lo thất bại, kết quả rất có thể là anh ta chẳng làm gì hết, nên cũng chẳng thành công; hoặc tệ hơn là vừa làm vừa sợ hãi rụt rè nên thất bại nặng nề.
Trong khi đó, chỉ cần thay đổi cách nghĩ một chút, theo hướng nếu không được gì thì cũng được 1 bài học, kết quả có thể sẽ rất khác.
Người càng bi quan càng dễ thất bại, người càng cảm thấy mình không có tiền thì cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Thay vì để nỗi lo, sự tủi hờn và những suy nghĩ tiêu cực lèo lái, điều khiển cuộc sống, học cách suy nghĩ tích cực, hành động tích cực và tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến mới là cách một người nên làm để cuộc đời họ bừng sáng ánh dương.
7 - Tư duy ỷ lại, dựa dẫm vào người khác
Matsushita Konosuke - Một doanh nhân người Nhật Bản, là nhà sáng lập Tập đoàn Matsushita, từng nói: “Nếu bạn dựa dẫm vào người khác trong tất cả mọi việc, đến cuối cùng, bạn sẽ chẳng có được bất kỳ thành tựu nào cho riêng mình”.
Quen với việc sống ỷ lại, một người sẽ mất dần khả năng suy nghĩ độc lập. cũng như khả năng tự đưa ra quyết định. Kiểu người này rất dễ bị thao túng và lợi dụng, đơn giản vì họ quá lười hoặc quá sợ phải tự suy nghĩ, nên có xu hướng luôn tuân theo mệnh lệnh, yêu cầu của người khác.
Ở thời đại này, nếu muốn trụ lại trong môi trường công sở, ở vị trí nhân viên, là người làm công ăn lương, chúng ta còn cần chủ động suy nghĩ, chủ động học tập, trau dồi kiến thức cũng như chủ động sáng tạo; chứ chưa nói tới mục tiêu thăng tiến hay tự kinh doanh, làm chủ.
Suy cho cùng, cuộc đời là của bạn, bạn phải là người quyết định mục tiêu sống, mục tiêu kiếm tiền,... Nếu không, thoát nghèo còn khó chứ đừng nói tới làm giàu.