Cơn giận dữ của biển không chỉ đe dọa tàu thuyền, máy bay cũng "khốn đốn" vì nó!

Trang Ly |

Chính con người là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, và đến lượt mình, nó không chừa một ai!

Nước biển dâng và an toàn hàng không thoạt nghe có vẻ không liên quan gì đến nhau. Nhưng dưới góc độ biến đổi khí hậu, thì những "cơn giận dữ của biển" (nước dâng, sóng thần, bão tố, lốc xoáy...) lại ít nhiều tác động đến các chuyến bay.

Vì thế, những chia sẻ dưới đây của tiến sĩ Herbert Puempel, Chủ tịch nhóm chuyên gia của Ủy ban Khí tượng Hàng không (CAeM) về khoa học, hàng không và khí hậu, thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc, tuy chỉ trực tiếp nói về ngành hàng không nhưng cũng phần nào vẽ ra bức tranh tổng thể của tình trạng ấm lên toàn cầu. 

Chúng tôi dịch toàn văn bài trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Herbert Puempel trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO về bảo vệ môi trường hàng không (CAEP).

Cơn giận dữ của biển không chỉ đe dọa tàu thuyền, máy bay cũng khốn đốn vì nó! - Ảnh 1.

Thưa tiến sĩ, theo ông đánh giá thì có những thách thức nào liên quan đến biến đổi khí hậu tác động đến ngành hàng không?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Vấn đề biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến ngành hàng không đã được nhấn mạnh trong 2 bản Báo cáo thẩm định thứ 4 và thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) trình lên Liên Hợp Quốc vào các năm 2007 và 2014.

Mục đích của bản báo cáo tổng kết này là nhận dạng những tác động của biến đổi khí hậu đến ngành hàng không, đặc biệt là vận tải hàng không. Nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề dưới góc độ rộng hơn và cụ thể hơn.

Dưới nghiên cứu của nhiều chuyên gia quốc tế, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ngành hàng không ở 2 khía cạnh: Vĩ mô và vi mô.

Vậy, thưa tiến sĩ, thách thức vĩ mô ảnh hưởng đến hàng không như thế nào?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Một trong những thách thức vĩ mô tác động lớn đến hàng không chính là việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn mức dự kiến, một vài khu vực bay trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia vùng nhiệt đới, sẽ phải nhận các hậu quả nghiêm trọng như giảm hiệu suất cất cánh từ đường băng, hạn chế tải trọng và tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn.

Cơn giận dữ của biển không chỉ đe dọa tàu thuyền, máy bay cũng khốn đốn vì nó! - Ảnh 2.

"Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ngành hàng không ở 2 khía cạnh: Vĩ mô và vi mô." Ảnh: Forbes.

Ngoài việc nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến hàng không, theo ông còn thách thức vĩ mô nào có tác động tương tự không?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Nước biển dâng cao chính là hệ quả của việc ấm lên toàn cầu. Khi nhiệt độ tăng cao, băng hai cực sẽ tan dần và đổ ra đại dương. Đối với những quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới thì, các cơn bão mạnh, gió mùa hay nước biển dâng tác động trực tiếp đến các chuyến bay và cơ sở vật chất của sân bay.

Chúng ta đều biết, nước biển dâng là một trong những vấn nạn toàn cầu mà hàng trăm quốc gia giáp biển đang phải đối mặt.

Một khi nước biển xâm lấn vào lục địa cộng với các cơn bão mạnh và sóng biển dâng cao, sẽ không chỉ có nhà cửa, cây cối và đời sống của con người bị ảnh hưởng, hệ thống sân bay ven biển cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lấy ví dụ như trận lụt lịch sử tại Myanmar sau khi cơn bão nhiệt đới Nargis tràn vào quốc gia Đông Nam Á này (năm 2008) khiến hơn 130.000 người thương vong, thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ USD. Hàng loạt các chuyến bay nội địa và quốc tế tại Myanmar phải hủy bỏ và chậm trễ vì ảnh hưởng của cơn bão lịch sử.

Cơn giận dữ của biển không chỉ đe dọa tàu thuyền, máy bay cũng khốn đốn vì nó! - Ảnh 3.

Đối với các quốc gia ven biển, hệ quả của biến đổi khí hậu vô cùng khôn lường. Ảnh: The Aviationist.

Hàng không có phải là ngành "nhạy cảm" với hiện tượng thời tiết toàn cầu El Nino không thưa ông? Chúng ta đã có những biện pháp thích ứng với nó như thế nào?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường và chưa có lý giải nguyên nhân cụ thể từ các chuyên gia khí tượng, El Nino đã, đang và sẽ tác động khủng khiếp đến con người.

Không chỉ khiến một nửa bán cầu chìm trong bão lũ, lụt lội, El Nino còn khiến một nửa bán cầu còn lại lâm vào cảnh hạn hán, nắng nóng cực độ.

Tất cả những hệ quả mà nó mang lại đó đều ảnh hưởng đến mọi loại hình vận tải, trong đó có ngành hàng không.

Nói về ảnh hưởng của dạng thời tiết này đến hàng không thì chúng ta có thể thấy một phần từ tác động của các cơn bão nhiệt đới và nước biển dâng (nêu ở trên).

Cơn giận dữ của biển không chỉ đe dọa tàu thuyền, máy bay cũng khốn đốn vì nó! - Ảnh 4.

Nguồn: University of Reading (Anh).

Về phương diện thích ứng với tình trạng khí hậu hiện nay, chúng ta đều hiểu rằng, con người không thể thay đổi được tự nhiên.

Tuy nhiên, điều chúng ta hoàn toàn có thể làm là tiến hành phân tích, mổ xẻ nó để từ đó đưa ra những nhận định, dự báo thời điểm chính xác xuất hiện cũng như đường đi và sức công phá của nó để chủ động phòng tránh không chỉ riêng cho ngành hàng không mà còn nhiều đối tượng khác nữa.

Ngoài ra, để thiết kế xây dựng sân bay tại các khu vực ven biển, hay những khu vực thường xuyên hứng chịu bão lớn đòi hỏi phải có những chuyên môn cao về thời tiết, thủy văn và kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu.

Đâu là những thách thức vi mô ảnh hưởng đến ngành hàng không, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Bên cạnh những thách thức thời tiết mang tính ảnh hưởng toàn cầu như El Nino, La Nina, ấm lên toàn cầu hay nước biển dâng thì đối với mỗi quốc gia, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu mang tính cục bộ (vi mô) sẽ ảnh hưởng phụ thuộc vào vị trí địa lý của quốc gia đó.

*Nhiễu động trời trong (CAT) là vùng có mật độ không khí loãng hơn các vùng xung quanh.

Khi máy bay đang bay ở vùng không khí bình thường đi vào vùng không khí loãng hơn này, lực đẩy bỗng dưng bị hụt, máy bay bị mất sức nâng, chao đảo hoặc mất thăng bằng, có thể rơi tự do trong chốc lát.

Ví dụ như mưa đá, sấm sét, bão tuyết, nhiễu động trời trong (CAT)*, nhiễu động sóng núi cũng như nhiễu động gần khu vực tâm bão và gió xoáy.

Theo ông, ngành vận tải hàng không có nên xem xét việc quản lý các rủi ro liên quan đến ngành hàng không hay không?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Không như một số ngành vận tải khác, hàng không không chỉ phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết bất thường trên mặt đất mà còn ở cấp độ cao hơn tại tầng đối lưu hay tầng bình lưu.

Do đó, việc quản lý rủi ro là ưu tiên số 1 của ngành hàng không thế giới. Không chỉ trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, hàng không còn đóng vai trò rất lớn trong các công tác cứu nạn, cứu hộ tại khác khu vực xảy ra thiên tai lớn.

Để làm được điều đó, mỗi quốc gia phải có những biện pháp thích ứng với mọi loại hình thời tiết và quản lý rủi ro, do đó, cần đặc biệt quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng hàng không để đảm bảo cơ chế cứ trợ bền vững.

Câu hỏi cuối cùng, các tổ chức quốc tế đóng vai trò như thế nào trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi thời tiết và thời tiết cực đoan lên ngành hàng không, thưa ông?

Tiến sĩ Herbert Puempel: Các tổ chức quốc tế như Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) hay Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cần công bố rộng rãi những tài liệu hướng dẫn và mô hình thực tiễn để hỗ trợ quản lý rủi ro.

Quá trình này cần có sự tham gia đầy đủ từ phi công, đội ngũ tiếp viên, nhà sản xuất máy bay, chỉnh phủ và cơ quan quản lý an toàn quốc gia.

Đối với các cơ quan/tổ chức khí tượng quốc tế như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) hay Ủy ban Khí tượng Hàng không (CAeM), sẽ có nhiệm vụ cung cấp các nghiên cứu về vùng khí hậu hay các dự báo về thiên tai cũng như chu kỳ hoạt động của hiện tượng thời tiết như El Nino hay La Nina... từ đó, giúp các quốc gia có những kế hoạch, lịch trình bay và phương pháp quản lý rủi ro kịp thời.

Cảm ơn tiến sĩ!

Nguồn: www.wmo.int

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại