Tại hội nghị, ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho 4 phương án khai thác thủy hải sản vùng biển từ Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên- Huế mà Bộ NN&PTNT đề xuất như Báo CAND đã thông tin, lãnh đạo các tỉnh thành Bắc Miền Trung còn bày tỏ nhiều lo lắng khi hiện có một số lượng hải sản rất lớn, trong đó có cả hải sản được thu mua sau hiện tượng cá chết do Formosa xả thải đang tồn lại trong các kho đông lạnh nhưng các doanh nghiệp, chủ cơ sở chưa biết phải xử lý như thế nào.
Ngư dân ven biển miền Trung điêu đứng sau sự cố môi trường biển khiến tôm, cá chết hàng loạt.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nhiều địa phương của tỉnh vẫn đang lưu tồn một lượng cá lớn trong các kho đông lạnh, ví như các kho ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà.
Do không xác định được thời điểm tôm, cá bị chết, người tiêu dùng đang lo ngại liệu tôm, cá có an toàn hay không nên hải sản đông lạnh bán không ai mua, người dân rất mong các Bộ, ngành có hướng giải quyết kịp thời.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình cũng có khoảng 2.000 tấn hải sản tồn lưu trong các kho đông lạnh.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin: "Hiện nhiều chủ cơ sở thu mua hải sản trước và sau thời điểm sự cố môi trường biển đều gặp khó khăn, nhiều cơ sở lâm vào nợ nần do hải sản bán không ai mua. Vì thế, các kho hàng này cần được lấy mẫu kiểm nghiệm để sớm có phương án giải quyết giúp cho người dân".
Trong khi đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đề xuất rằng: "Cần tiêu hủy các kho hải sản đông lạnh được thu mua trước thời điểm tháng 6. Còn hải sản tồn kho được thu mua sau tháng 6 cần được kiểm tra, kiểm nghiệm cụ thể".
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu, cần sớm lấy mẫu kiểm tra đối với 3.900 tấn hải sản còn tồn trong kho đông lạnh tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế.
"Dựa trên các mẫu kiểm tra của Bộ Y tế, kho hải sản đông lạnh nào an toàn sẽ được công bố và được hỗ trợ tiêu thụ, còn kho nào không an toàn thì chắc chắn sẽ tiêu hủy để đảm bảo an toàn", Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.