Con gái triệu phú bị chôn sống để đòi tiền chuộc

Hải Yến (Tổng hợp) |

Cách đây 55 năm, báo chí Mỹ từng tràn ngập tin tức về một cô gái của một doanh nhân lớn đã bị hung thủ bắt cóc để đòi tiền chuộc. Cô gái bị đặt vào một chiếc quan tài và được cung cấp đèn pin, ống hút không khí, bánh và nước để sống trong vài ngày cho đến khi gia đình bỏ tiền chuộc con.

Dàn cảnh để bắt cóc

Sự vụ xảy ra vào năm 1968 đối với cô Barbara Jane Mackle 20 tuổi, con gái của triệu phú ngành xây dựng Mỹ Robert Mackle. Ông Mackle có nhiều mối quan hệ và thân quen với Tổng thống thứ 37 của Mỹ là Richard Nixon. Barbara được sống trong nhung lụa nhưng ăn mặc giản dị và cư xử lịch thiệp. Cô là sinh viên trường ĐH Emory, bang Georgia. Vào đêm giao thừa, dịch cúm Hong Kong đã lan đến trường đại học.  Đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người. Barbara đã bị sốt và đau họng. Mẹ cô là bà Jane Macle liền rời điền trang của gia đình ở Florida đến ký túc xá của trường đón con gái đến một nhà nghỉ ở Rodeway Inn cách trường vài dặm để chăm sóc cho con.

Con gái triệu phú bị chôn sống để đòi tiền chuộc - Ảnh 1.

Barbara Mackle khi vừa được tìm thấy

Vào đêm 17-12-1968, có một người đàn ông đội mũ cảnh sát và một phụ nữ đeo mặt nạ đen đến gõ cửa phòng của hai mẹ con họ. Người đàn ông nói rằng một người bạn thân của Barbara là Stuart Woodward bị tai nạn và đã yêu cầu họ đến bệnh viện. Thậm chí ông ta còn nói rõ màu sắc, thương hiệu và số xe của Stuart. Sau khi được vào nhà, người đàn ông liền cầm súng chĩa vào hai mẹ con. Bà Jane bị gây mê bằng thuốc, còn Barbara bị chúng đưa đi trên một chiếc xe.

Sáng sớm bà Jane thức dậy và nhờ nhân viên nhà nghỉ gọi cho cảnh sát. Bà đã kể về vụ bắt cóc trong đêm và nức nở cầu xin sự giúp đỡ. Ngay sau đó, người bạn trai của Barbara là Stuart Woodward, người bị bọn bắt cóc đưa tin là "bị tai nạn" đã đến và cố gắng hỗ trợ người mẹ của bạn gái. Ông Mackle được thông báo về sự mất tích của con gái đã lập tức bay từ Miami đến hiện trường và gọi điện cho John Edgar Hoover, khi đó là giám đốc FBI. Tham gia vào cuộc điều tra có FBI và các nhân viên điều tra giỏi nhất.

Con gái triệu phú bị chôn sống để đòi tiền chuộc - Ảnh 2.

Gari Krist sau khi bị bắt được nhân viên FBI áp tải.

Cuộc điều tra của FBI

Các đặc vụ FBI cho rằng tiền chuộc là động cơ của vụ bắt cóc và ngay sau đó thông tin này được xác nhận. Sáng hôm đó, có một giọng nói lạ gọi đến gia đình Mackle nói về vụ bắt cóc Barbara và nói rằng có một thứ gì đó được chôn cất tại khu nhà của Mackle. Vì cả gia đình vắng nhà nên một người bạn của họ đã nghe máy. Cảnh sát đã tìm thấy một chiếc cốc có ghi tiền chuộc. Những kẻ bắt cóc cho biết Barbara đã ở dưới lòng đất, được cung cấp nước và không khí để sống trong 5 ngày. Chúng yêu cầu ông Mackle phải trả 500 nghìn USD để đổi mạng sống của con gái và phải đồng ý với thỏa thuận này bằng cách đăng một tuyên bố trên tờ Miami Herald. Ngày 18-12 trên tờ báo đã xuất hiện tuyên bố "Con gái yêu hãy trở về nhà. Nhà ta sẽ trả mọi chi phí. Gia đình của con".

Đến rạng sáng ngày 19-12 bọn bắt cóc gọi điện thoại yêu cầu Mackle một mình lái xe đến nơi đặt tiền chuộc tại địa điểm cách nhà khoảng 10km. Ông Mackle đã tới đó, để lại vali đựng tiền và rời đi. Tưởng chừng mọi việc diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, song không phải như vậy. Hóa ra, thông tin về việc chuộc tiền đã bị lộ cho cảnh sát. Các nhân viên FBI đã không phối hợp với cảnh sát mà cố gắng tóm kẻ bắt cóc tại nơi Mackle bỏ chiếc va li. Tên chủ mưu đã chạy thoát cùng với nữ đồng phạm đã đợi hắn trong xe, chúng bỏ chạy và chiếc xe bị bỏ lại. Sự kiện này khiến cha mẹ của Barbara sợ hãi vì bọn tội phạm có thể nghĩ rằng ông Mackle đã báo trước cho cảnh sát và họ sẽ phải lấy lại niềm tin của chúng để cứu con gái.

Con gái triệu phú bị chôn sống để đòi tiền chuộc - Ảnh 3.

Ngôi mộ trong rừng, nơi Barbara bị chôn sống trong 83 giờ

Chiếc xe Volvo bị bỏ lại trở thành sai lầm chết người của bọn tội phạm. Trong xe có hộ chiếu của Ruth Eismann -Schier, một bức ảnh của Barbara cầm tấm biển "Bị bắt cóc", một bộ sưu tập các bức ảnh thân mật của Ruth Schier và Gary Krist, kẻ giống tên cảnh sát giả đã bắt cóc Barbara, có tấm séc cùng các giấy tờ khác để lộ danh tính của hung thủ. FBI bắt đầu thu thập thông tin về những kẻ bắt cóc. Thực tế là tới thời điểm đó tên Krist 23 tuổi đã có nhiều tiền sự: trộm xe nhiều lần, vô số vụ trộm lớn nhỏ cũng như việc trốn thoát khỏi nhà tù. Chính hắn đã tự lên kế hoạch bắt cóc một người thừa kế giàu có nào đó để đòi tiền chuộc.

Hung thủ thực hiện kế hoạch trong rừng

Năm 1968 Krist chuyển vợ con đến Florida và làm việc tại Viện nghiên cứu biển Miami. Tại đây hắn đã gặp cô sinh viên 26 tuổi Ruth Schier. Họ trở thành tình nhân và Krist lập tức rời bỏ vợ con. Đôi tình nhân bắt đầu sống chung. Hắn tiết lộ với Ruth bí mật của mình là một tù nhân trốn trại và kế hoạch bắt cóc người và Ruth đã tự nguyện trở thành đồng phạm trung thành của hắn. Sau khi tìm được nạn nhân thích hợp là Barbara, Krist quyết định sẽ không giết cô bởi có nguy cơ đối mặt án tử hình, mà sẽ giữ cô ở một nơi nào đó cho đến khi nhận được tiền chuộc. Hắn đã nghĩ ra cách bỏ cô gái vào một chiếc quan tài và chôn xuống đất.

Cặp đôi đã cùng ghép các ván gỗ thành một chiếc quan tài có kích thước 2mx90cm, bên trong được lót bằng bông thủy tinh nhẹ cách nhiệt, có một chiếc quạt và đèn pin. Để nạn nhân có thể sống sót, chúng để trong hòm nước và bánh sandwich, trang bị thêm hai ống nhựa di động nhô lên trên mặt đất để hút không khí. Sau khi làm xong chiếc quan tài, chúng chuyển nó từ Florida đến Atlanta, chôn nó trong rừng và đến ngày 17-2 chúng bỏ Barbara vào trong đó.

Ông Mackle lần thứ hai nỗ lực trả tiền chuộc. Sau lần đầu tiên bị cảnh sát ngăn cản việc chuyển tiền, ông Robert Mackle cần phải lấy lại niềm tin với bọn bắt cóc để trả tiền chuộc. Sau khi thảo luận vụ việc với các nhân viên FBI, ông quyết định đưa ra tuyên bố chính thức trên tờ báo rằng ông đã không có liên quan gì đến hành động của cảnh sát Miami và yêu cầu cho ông thêm một cơ hội khác. Những lời này đã được xuất hiện rải rác trên báo, trên truyền hình và radio.

Con gái triệu phú bị chôn sống để đòi tiền chuộc - Ảnh 4.

Gari Krist sau khi bị tuyên án về tội bắt cóc

Vào tối ngày 19-12, tại nơi ở, Mackle nhận được một cuộc điện thoại của kẻ bắt cóc với chỉ dẫn mới về địa điểm chuyển tiền tại ngoại ô thành phố. Lần này, FBI thông báo cho cảnh sát để họ không thực hiện bất kỳ hành động nào. Ngay trong đêm hôm đó, việc chuyển tiền diễn ra đã thành công. Robert Mackle đã trả đủ 500 nghìn USD với mệnh giá 20 USD theo yêu cầu của bọn bắt cóc.

Cứu nạn nhân và bắt tội phạm

Ngày hôm sau có một cuộc điện thoại ẩn danh gọi tới FBI: một người đàn ông tuyên bố rằng có biết chỗ ẩn của Barbara Macklem, rằng cô đã bị chôn sống trong rừng cách nơi bị bắt cóc 38km. Hơn 100 nhân viên FBI đã đến hiện trường và tản ra khắp khu vực để tìm kiếm cô gái. Họ không thông báo cho cha mẹ của Barbara để khỏi khiến họ lo lắng thêm một lần nữa.

Sau vài giờ băng rừng, một nhân viên đã phát hiện ra một chiếc ống nhựa nhô lên mặt đất. Mọi người hối hả đào đất và phát hiện ra một chiếc hòm gỗ. Họ tiếp tục vừa đào vừa gọi tên Barbara nhưng không có tiếng trả lời cho đến khi nghe thấy một tiếng gõ yếu ớt. Khi mở nắp chiếc hòm, người ta tìm thấy Barbara mệt mỏi và xanh xao nhưng vẫn mỉm cười và cô liền được bế ra xe. Sau đó, đích thân giám đốc FBI Hoover gọi điện báo cho Mackle, báo tin con gái ông đã được tìm thấy và vẫn còn sống.

Krist và Ruth Schier quyết định tách nhau ra: Krist sẽ mua một chiếc thuyền để đến Mexico, còn Ruth sẽ đến đó bằng đường bộ. Tuy nhiên, bọn bắt cóc thâm hiểm lại mắc một sai lầm chết người khác. Krist đã mua chiếc thuyền bằng những tờ 20 USD mà cả nước Mỹ đã biết rằng tiền chuộc đã được trả bằng tiền mệnh giá này. Chủ nhân của chiếc thuyền đã báo về Krist với cảnh sát và hắn nhanh chóng bị bắt giữ, tiếp đó ả đồng phạm cũng bị bắt. Cặp tình nhân có tên trong danh sách 10 kẻ tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của FBI và Ruth là người phụ nữ đầu tiên trong danh sách này.

Krist bị kết án tù chung thân, nhưng sau 10 năm hắn được thả trước thời hạn. Có vẻ người đàn ông này thực sự có kế hoạch để bắt đầu một cuộc sống mới: hắn được nhận bằng y khoa để cố gắng trở thành một bác sĩ, nhưng ngay sau khi bị phát hiện ra quá khứ phạm tội, hắn liền bị từ chối nhận việc. Kết quả là Krist trở lại con đường phạm pháp và đến năm 2006, hắn bị bắt giữ trên một chiếc thuyền chở ma túy cùng những người nhập cư trái phép. Vào tháng 11-2010, Krist được trả tự do, không rõ cuộc sống của hắn sau đó ra sao. Ruth Schier bị kết án 7 năm tù nhưng cũng được ân xá sau 4 năm. Sau đó, cô ta trở về quê hương Honduras, kết hôn và sinh 4 người con.

Barbara Mackle trước và sau khi được cứu sống

Barbara cho biết trước khi cô bị cho vào quan tài, Krist đã chỉ cho cô biết cách thức hoạt động của mọi thứ trong đó. Khi nhận ra rằng bọn chúng đang lên kế hoạch chôn sống mình, cô trở nên hoảng loạn nhưng hai kẻ bắt cóc không nhượng bộ, chúng bỏ Barbara vào chiếc hòm gỗ và đậy nắp lại. Cô gái đã cố gắng thoát ra ngoài, dùng hết sức đập tay vào nắp hòm nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Trấn tĩnh lại, cô nhìn xung quanh và tìm thấy bản hướng dẫn sử dụng và một tờ giấy có ghi "Đừng lo lắng. Cô được an toàn… Đến Giáng sinh thì kiểu gì cô cũng sẽ được về nhà". Các hung thủ còn đảm bảo với nạn nhân rằng cô có thể sống sót trong đó ít nhất là 11 ngày.

Kết quả là mọi nỗ lực đều vô hiệu chỉ sau vài giờ và Barbara hoàn toàn bị chìm trong bóng tối. Barbara đã trải qua 83 giờ dưới lòng đất. Như cô đã viết trong cuốn sách "83 giờ tới bình minh" rằng, trong thời gian bị bắt cóc, những suy nghĩ tích cực và sự bình tĩnh đã giúp cô sống sót. Barbara đã tưởng tượng sẽ tổ chức lễ Giáng sinh cùng gia đình, giúp mẹ trang trí cây thông và gói quà tặng. Tuy nhiên, cô gái cũng thừa nhận rằng đôi khi cũng không tránh khỏi những suy nghĩ u ám rằng, chiếc quan tài này sẽ trở thành nơi ở ẩn cuối cùng của mình và một ngày nào đó sẽ có một người nông dân hoặc người qua đường tình cờ sẽ tìm thấy cô đã chết.

Khi Barbara trở về nhà. Cha mẹ cô đã làm mọi thứ để kỳ Giáng sinh trở nên hạnh phúc. Tất cả những người có mặt trong buổi lễ đều nhận thấy rằng Barbara đã rất hài lòng. Năm 1971, Barbara kết hôn với người bạn thân của mình là bạn trai Stuart Woodward và họ có 2 đứa con. Cặp đôi đã sống với nhau 42 năm cho đến khi Woodwrd qua đời vào năm 2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại