Con gái lớp 3 có “người yêu”, cách xử lý khéo của bà mẹ ở Hà Nội

HIỂU ĐAN |

Chị Bích cho rằng, với bản thân chị, việc “yêu đương” của các con cũng chẳng phải điều gì ghê gớm và to tát khiến bố mẹ phải quá lo lắng.

Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu một ngày... "xấu trời", bỗng dưng phát hiện ra con gái mới 9 tuổi đầu đã có... người yêu? Hốt hoảng, thất vọng, lo lắng, tức giận... thôi thì chắc chắn là bao nhiêu kiểu cảm xúc sẽ lướt qua trong đầu của những ông bố bà mẹ lúc này. Bởi, dù chuyện học sinh có tình cảm, viết thư tỏ tình hay cho đối phương cũng không phải chuyện hiếm. Thế nhưng những tình cảm ấy thường xuất hiện ở những học sinh bậc trung học phổ thông hay ít nhất cũng là những lớp cuối cấp của bậc trung học cơ sở.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, ở cấp tiểu học "vắt mũi chưa sạch", tình yêu thường chỉ là cảm xúc ban đầu về giới tính. Kiểu "thích" của trẻ là một điều bình thường của cảm xúc tâm lý. Điều các em cần nhất lúc này chính sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô giáo.

Với tâm thế "đồng hành thay vì chỉ trích" đó, chị Phạm Ngọc Bích, một bà mẹ 2 con ở Hà Nội đã có cách ứng xử khá bất ngờ khi phát hiện ra con có "người yêu". Câu chuyện bắt đầu từ một buổi sáng, khi bé gái năm nay học lớp 3 thú nhận với mẹ đang thích một bạn lớp bên cạnh. Nghe con tỉ tê, bà mẹ này ngay lập tức dò hỏi xem cậu bé kia học lớp nào, tên tuổi ra sao, nhưng đáp lại chỉ là một câu trả lời vô cùng ngây ngô: "Ơ! con không biết!".

Con gái lớp 3 có “người yêu”, cách xử lý khéo của bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Chị Phạm Ngọc Bích (chuyên viên nhân sự) là bà mẹ 2 con ở Hà Nội.

Chị Bích sau đó tự tìm hiểu, rồi lâu lâu lại hỏi thăm con, đại khái có gặp, nói chuyện với bạn không…

"Có vẻ chuyện tình cảm tiến triển tốt vì ngày nào cũng gặp bạn 4-5 lần, bạn còn chào: Chào Q.A, cô bé nhà mình thì cũng nhiệt tình chào lại. Sau cỡ 1 tuần, nàng tâm sự kỹ hơn, nàng tham gia nhảy cùng bạn từ năm ngoái ở trường và: Lần đầu tiên gặp con đã biết chắc chắn con thích bạn ấy rồi". Y như câu chuyện "Bên kia đường có đứa dở hơi", cô bé Juli lần đầu gặp Bryce và đã chắc chắn mình thật sự thích Bryce vậy. Hàng ngày khi lên phòng ăn, nàng còn lựa chỗ để có thể nhìn thấy bạn kia trong suốt bữa ăn, thậm chí còn quên cả ăn cơm", chị Bích hài hước chia sẻ.

Bạn nam kia cũng có vẻ thích bé nhà chị Bích lắm, ít nhất 5 lần, đột nhiên xuất hiện từ phía sau, bế bổng cô bé lên và bảo: "Ô, bắt được bà Q.A rồi"; bẹo má cô bé bảo: "Ôi, chào Q.A".

Và đây là cách chị Bích ứng xử với câu chuyện yêu đương của con

- Đầu tiên, chị chúc mừng con gái vì đã có người để thích, sẽ thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều, đa sắc màu, dễ thương và thậm chí hơi điên rồ.

- Chị lắng nghe một cách thật sự nghiêm túc và tôn trọng những cảm xúc của con. Nhất là khi con nói gặp bạn ấy con thấy tim đập nhanh hơn, vui hơn. Ồ, đó đúng là những cảm xúc trong sáng đáng trân trọng. Chị vừa vui vừa biết ơn vì con đã tin tưởng lựa chọn mình để chia sẻ.

- Chị nghiêm túc hỏi nó có muốn mẹ xin chuyển lớp cho con sang đó không? Cô bé từ chối, bảo thế thì hơi quá, con không cần chuyển, học lớp con rất vui.

- Chị "quân sư" cho con khi con bày tỏ giờ ra chơi muốn chơi với bạn nhiều hơn: Xui con kết thân với nhiều bạn nữ và nam lớp đó, vậy là con vừa có thêm rất nhiều bạn, vừa có cớ sang lớp bạn ý chơi, tha hồ nhiều cơ hội nói chuyện với bạn ý; Con nên gặp bạn liên tục trong vài ngày, sau đó đột nhiên biến mất, không để bạn ấy thấy con. Bạn ấy đang quen với sự có mặt của con, sẽ đột nhiên thấy thiếu và sẽ sang lớp con để tìm con;.

Con chắc chắn học rất tốt, nhưng thỉnh thoảng có thể nhờ bạn ý giảng bài cho con, sau đó khen bạn ấy học giỏi ghê; Con có thể tặng bạn ấy một bức tranh và cảm ơn vì bạn đã giúp con làm bài. Như vậy bạn sẽ vừa ấn tượng rằng con rất có tài năng vẽ, vừa thấy thích món quà của con.

"Đồng thời mình cũng nói với con, mặc dù con đang thấy ‘rất rất’ thích bạn ý, nhưng đến một ngày đột nhiên con hết thích cũng là chuyện bình thường. Việc con thích ai đó không có nghĩa con chểnh mảng những việc khác như học tập, quan hệ bạn bè… vì suy cho cùng cũng chỉ nên coi việc thích này là một chút gia vị trong cuộc sống của con, không thể sa đà vào đó và bỏ qua những thứ khác.

Nhất là đối với tuổi của con thì tình cảm cũng chỉ nên dừng ở mức độ như thế này. Con cũng không cần phải vì bất kỳ người nào mà thay đổi bản chất con người con, quan trọng là con phải thấy vui và thoải mái", chị Bích chia sẻ.

Con gái lớp 3 có “người yêu”, cách xử lý khéo của bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Bức chân dung tự họa của con gái chị Bích.

Chị Bích cho rằng, với bản thân chị, việc "yêu đương" của các con cũng chẳng phải điều gì ghê gớm và to tát khiến bố mẹ phải quá lo lắng. Nếu định hướng đúng và chia sẻ kịp thời thì đó cũng là những trải nghiệm rất thú vị của các con, dạy cả các con và cha mẹ nhiều điều. Và thật sự thì về cơ bản, hầu hết tình yêu của lũ nhỏ khá trong sáng, chưa xa xôi như những gì người lớn hay nghĩ.

Tự nhận bản thân là một bà mẹ hơi "dị thường", không ngại "bóc phốt" những "tật xấu" của bản thân với con, nhưng bên cạnh đó, chị Bích luôn cố gắng dạy con thành một người tử tế, giàu lòng yêu thương, tự lập. Trên thực tế, hiện nay hai con chị Bích đều ngoan ngoãn, học giỏi, xem mẹ như người bạn thân thiết của mình. Các bé cũng tử tế, giàu lòng yêu thương, tự lập như mục tiêu hướng đến ngay từ những ngày đầu tiên của bà mẹ này.

"Con mình vẫn nói với mình rằng, sống trên đời này, chỉ cần hạnh phúc, và quan trọng, mình là người tử tế mẹ nhỉ", bà mẹ hiện đại này chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại