Vợ của ông Hoàng qua đời sớm. Ông chỉ có một người con gái là Hoàng Quỳnh. Ông tuy bị thương ở một bên chân nhưng luôn cố gắng làm việc để nuôi con khôn lớn.
Khi lớn lên, Hoàng Quỳnh lập gia đình và có công việc riêng. Cô dần trở nên lạnh lùng và ít khi về thăm cha. Thậm chí, khi bà nội qua đời, cô cũng không xuất hiện tại lễ tang, khiến người cha đã cô đơn trở nên càng đau lòng và thất vọng hơn.
Trước sự lạnh lùng của con gái, Hoàng Tân không nói ra, ông vẫn nuôi hy vọng con gái mình có thể sống hạnh phúc. Nhưng, ông không ngờ rằng sự lạnh lùng của con gái chỉ là phần nổi của tảng băng, và sau đó là những điều khiến ông không thể chấp nhận được.
Ông Hoàng từng nghĩ con gái không quan tâm mình chỉ vì công việc và cuộc sống bận rộn, cho đến khi công việc giải tỏa mặt bằng ở làng của ông bắt đầu. Ông mới dần nhận ra rằng, đằng sau sự lạnh lùng của con gái thực sự là những mưu tính không thể chấp nhận.
Khi biết ngôi nhà cũ của cha được bồi thường 1,76 triệu NDT (khoảng 6 tỷ đồng) để giải tỏa, Hoàng Quỳnh vội vã về quê để yêu cầu cha chia đôi tài sản. Thậm chí, cô còn sử dụng danh nghĩa đứa con duy nhất để đòi hỏi phần lớn hơn. Điều này khiến Hoàng Tân, người vốn đã sống trong cảnh nghèo khó, cảm thấy không thể chấp nhận. Ông cảm thấy hành động của con gái đã đi ngược lại những giá trị cơ bản nhất của tình thân và đạo đức.
Trước yêu cầu của con gái, ông Hoàng đã từ chối. Ông cảm thấy mình đã vất vả cả đời, con cũng chẳng đoái hoài nên nếu không có tiền trong người, về sau nhất định sẽ rất khó khăn. Sau khi dùng mọi cách nhưng không được chia một chút nào, cô ta làm ầm ĩ, kiện cha đẻ ra tòa.
Mâu thuẫn giữa cha và con đã được đưa ra xét xử tại tòa án, tình huống này đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Mọi người đều cảm thấy hành động của Hoàng Quỳnh là quá đáng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cô cũng không nên kiện cha mình.
Cô ta cũng không nhận ra lỗi lầm của mình, cô cho rằng yêu cầu của mình là hợp lý. Kể từ đó, mối quan hệ cha con của hai người tưởng như không thể cứu vãn.
Trong quá trình giải quyết, quan tòa cũng lần lượt lắng nghe yêu cầu và ý kiến của cả hai phía. Sau một loạt các cuộc đối thoại và hoà giải, người của tòa án đã thuyết phục được Hoàng Quỳnh hiểu ra rằng cô đã làm tổn thương cha mình. Đồng thời, tòa cũng kết luận ông Hoàng có quyền giữ lại toàn bộ số tiền đó mà không phải chia cho con gái.
Bên cạnh đó, người con cũng nhận về nhiều chỉ trích từ những người xung quanh. Đến lúc này, cô ta mới nhận ra sai lầm của bản thân. Hoàng Quỳnh tìm đến cha để xin được tha thứ.
Vì tuổi đã cao và suy cho cùng, ông chỉ có một người con nên ông Hoàng đã chọn cách tha thứ cho con gái. Bên cạnh đó, ông còn chia một phần số tiền bồi thường cho cô, phần còn lại được giao cho cơ sở chăm sóc người già quản lý, đảm bảo cuộc sống tuổi già của ông được an toàn.
Ông Hoàng vẫn còn may mắn vì những ngày tháng cuối đời, ông có con gái ở bên cạnh. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể hòa giải những khúc mắc tương tự.
Câu chuyện đã đặt ra nhiều suy ngẫm về giáo dục gia đình, cha mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con cái không chỉ cần cung cấp hỗ trợ vật chất và kiến thức, mà còn cần quan tâm đến việc nuôi dưỡng trách nhiệm gia đình và tình cảm xã hội cho con cái. Cha mẹ cần dạy cho con nhận thức được tầm quan trọng của tình thân và đạo đức, không để lợi ích trước mắt làm mờ mắt họ.
Theo Sohu