Một ông bố người Quảng Châu (Trung Quốc) luôn dằn vặt bởi con anh càng lớn càng xa cách bố mẹ, mắc bệnh trầm cảm, có hành động hủy hoại bản thân và từng có ý định tự tử. Mãi đến khi sự việc nghiêm trọng, anh mới nhận ra: Hóa ra chính phương pháp giáo dục hà khắc cứ ngỡ tốt cho con lại làm hại con.
Anh từng ép con học hành chăm chỉ, không cho con chơi đùa như các bạn. Con càng học lên cao, anh càng bắt học nhiều, đặt ra mục tiêu con phải đỗ vào "trường chuyên, lớp chọn". Mỗi khi con bị điểm kém, bị cô phê bình, anh nổi giận lôi đình: "Bố đã nhịn ăn nhịn mặc để có tiền nuôi con ăn học, tại sao con không chịu khó học tập?".
Con của anh khóc nức nở cãi lại: "Sao bố chỉ biết ép con học, con không phải là cái máy học. Con không muốn khóc? Ngày xưa bố có đạt điểm xuất sắc trong bài kiểm tra không mà lại yêu cầu con như vậy?". Nghe con nói vậy, anh không kiềm chế được cảm xúc mà vung tay cho con một bạt tai.
Và cứ thế dần, cô con gái đáng yêu, quấn quýt bố ngày nào giờ trở nên xa cách. Cô bé không nói chuyện với bố, chỉ trả lời cộc lốc nếu bị hỏi. Thậm chí, ở lớp, cô bé cũng không chơi với bạn bè, chỉ thu mình ngồi một góc. Thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng, anh đưa con đi khám và nhận được kết quả: Con anh mắc bệnh trầm cảm ở tuổi vị thành niên.
Với anh lúc này, sức khỏe tâm lý của con mới là điều quan trọng nhất. Anh không thúc ép con học nữa, không quan tâm đến điểm số, thành tích. Anh dành trọn thời gian xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho con, thường xuyên trò chuyện, quan tâm con nhiều hơn. Anh nhận ra chính cách giáo dục độc hại của mình đã đẩy con đến tình cảnh này. Thật đáng tiếc bởi sau 14 năm anh mới hiểu ra vấn đề.
Việc bắt ép con học chỉ khiến con mất đi hứng thú học tập. (Ảnh minh họa)
Người bố đã lục tìm mọi tài liệu liên quan đến chứng bệnh trầm cảm ở tuổi vị thành niên với mong muốn tìm ra phương pháp chữa bệnh cho con. Anh còn tìm đến một vị bác sĩ tâm lý nổi tiếng, bày tỏ: "Tôi không hiểu vì sao con tôi thành ra như vậy. Tôi chỉ muốn con học tốt để sau này đạt thành quả cao, có những thứ tốt đẹp nhất trên đời. Tại sao con không hiểu cho tôi?".
Lắng nghe bộc bạch của người bố, vị bác sĩ ôn tồn giải thích: Lý do trẻ tuổi vị thành niên chán học, nổi loạn, chống đối,… phần nhiều do cách giáo dục thiếu khoa học của bố mẹ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số nguyên nhân như:
- Đầu tiên, ở giai đoạn vị thành niên, trẻ chịu áp lực học tập khiến trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi. Ở trường, không khí học tập căng thẳng xoay quanh bài giảng, bài kiểm tra, điểm số. Còn khi về nhà, trẻ tiếp tục bị bố mẹ nhắc nhở học bài, làm bài về nhà và còn phải đi học thêm.
- Thứ hai, cái tôi của trẻ quá cao, nhạy cảm với mọi điều. Ở tuổi vị thành niên, trẻ quan tâm đến hình ảnh của mình trong mắt mọi người. Vì thế, tính cách của trẻ lúc này dễ mặc cảm, bốc đồng, hành động thiếu kiểm soát.
- Thứ ba, trẻ thiếu người tâm sự, bầu bạn. Trẻ tuổi vị thành niên ít có khả năng chịu đựng thất bại và mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ không còn hòa hợp như trước. Tuy thế, trẻ vẫn phải đối mặt với áp lực cuộc sống, áp lực việc học. Những áp lực này tích tụ, dồn nén, không được giải tỏa khiến trẻ bị mắc bệnh tâm lý. Trẻ ngày càng suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa.
"Còn nếu các ông bố bà mẹ bình tĩnh hơn, thấu hiểu con hơn, luôn quan tâm và lắng nghe con chia sẻ mọi điều thì cuộc sống đứa trẻ sẽ hoàn toàn khác. Trẻ sẽ hạnh phúc, luôn cảm thấy vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực", vị bác sĩ nhấn mạnh.
3 cách điều trị bệnh trầm cảm ở trẻ mà phụ huynh cần biết
Bên cạnh đó, vị bác sĩ tâm lý cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh.
1. Quan sát tâm trạng của con để sớm nhận biết
Bố mẹ cần quan sát để nhanh chóng nắm bắt tâm lý của con. Nhiều phụ huynh do không quan tâm nên không nhận ra những dấu hiệu trầm cảm của con ở dạng nhẹ. Họ cho rằng, những biểu hiện bất thường chỉ là cuộc nổi loạn ở tuổi vị thành niên. Trẻ lớn hơn sẽ thay đổi, không cần quá lo lắng.
Vì thế, khi thấy con có hành động chống đối, bố mẹ thường quát mắng, đe nạt con. Bố mẹ cho rằng cần uốn nắn nghiêm khắc thì con mới ngoan ngoãn. Nhưng thực tế, biện pháp này chẳng những không hiệu quả mà còn phản tác dụng, khiến trẻ làm ngược lại những điều bố mẹ dạy.
2. Hãy trở thành người bạn đồng hành cùng con
Trẻ ở tuổi vị thành niên có cái tôi rất cao. Trẻ không muốn bị ép buộc, thực hiện theo những mệnh lệnh. Vì thế, bố mẹ nên nhẹ nhàng trò chuyện cùng con, thay vì cấm đoán, ép buộc. Bố mẹ hãy tôn trọng sự lựa chọn của con.
Bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian gần gũi, tâm sự để khám phá những ưu điểm của con và dành lời khen ngợi chân thành. Ngược lại, nếu trẻ có nhược điểm, bố mẹ hãy nhẹ nhàng phân tích cho con hiểu đúng - sai, từ đó có cách giải quyết hợp lý. Nếu không có phương pháp khoa học, bệnh trầm cảm của trẻ sẽ tiến triển phức tạp hơn.
Bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện, quan tâm tới con. (Ảnh minh họa)
3. Điều trị bệnh trầm cảm đúng cách và không trốn tránh
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên là một căn bệnh, không phải đơn thuần là trạng thái, cảm xúc. Và căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu có phương pháp đúng đắn. Trong thời gian con mắc trầm cảm, bố mẹ cần điều chỉnh lại tâm lý, cách giáo dục và chủ động điều trị cho con dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ngược lại, nếu bố mẹ không chấp nhận sự thật, coi căn bệnh của con là điều xấu hổ thì bệnh tình sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Xét cho cùng, nỗi đau của trẻ vị thành niên đến từ lời nói, hành động của bố mẹ, sau là từ thầy cô và bạn học. Trẻ bị trầm cảm, trẻ tự làm hại bản thân để mong muốn giành được sự quan tâm và tình yêu của mọi người.
Sau 14 năm đặt cao thành tích học tập, danh vọng, địa vị xã hội, cuối cùng người bố hiểu ra đó không phải là điều quan trọng với con mình. Quan trọng là sự hài lòng với cuộc sống, biết vừa đủ và cảm thấy hạnh phúc. Vì thế, anh không đặt kỳ vọng lớn vào con nữa. Giờ anh tôn trọng con, để con được làm theo ý thích. Nhờ đó, bệnh tình của con tiến triển theo hướng tích cực. Con anh trở nên vui vẻ, thoải mái trò chuyện cùng bố và mọi người xung quanh, không còn sống tách biệt.