Với xã hội ngày càng phát triển, cha mẹ càng có điều kiện chăm lo cho con cái thì lại bắt đầu đặt lên vai những đứa trẻ nhiều kỳ vọng. Ai cũng mong rằng con mình lớn lên sẽ có tương lai xán lạn, nhiều tài năng. Bởi thế mà không ít phụ huynh đã đăng ký cho con theo học các lớp năng khiếu đủ thứ môn.
Kỳ Kỳ năm nay lên 5 tuổi và là con một trong nhà. Em được bố mẹ yêu thương rất nhiều nhưng cũng vì thế họ đặt lên cô bé nhỏ nhắn những áp lực vô hình. Cô bé sở hữu gương mặt xinh xắn, đáng yêu trông rất giống các ngôi sao nhí nên bố mẹ quyết định tìm một môn năng khiếu cho con theo học. Sau khi tìm hiểu, họ đã đăng ký cho con vào một lớp khiêu vũ.
Khi được bố mẹ cho đến lớp khiêu vũ, Kỳ Kỳ tỏ ra không mấy hứng thú, thậm chí em cũng từng nói với bố mẹ rằng mình không hề thích học môn này chút nào. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ cho rằng em tỏ vẻ lười biếng nên chẳng mấy quan tâm điều em nói và từ chối việc cho em được nghỉ học năng khiếu.
Ảnh minh họa
Kể từ đó, Kỳ Kỳ không bao giờ nói rằng mình sẽ từ bỏ hay không thích khiêu vũ nhưng mỗi lần đến lớp là mỗi lần em thể hiện nét mặt chán nản. Đôi lần, ông bố còn nghe tiếng con gái khóc thút thít trong phòng, nhưng anh chỉ nghĩ chỉ mệt do tập tành nhiều mà thôi, rồi tặc lưỡi cho qua với ý nghĩ rồi mọi chuyện con mình sẽ quen thôi.
1 tháng sau đó, con gái cứ về nhà là lại đóng cửa thay quần áo và nhốt mình trong phòng. Tò mò không biết con gái mình làm gì ở trong, ông bố lén đến tìm khóa để mở cửa thì thấy rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể con gái. Sau khi tìm hiểu nguyên do của những vết bầm này, ông bố mới biết là do con tập những bài tập nặng, phải nhào lộn. Kỳ Kỳ nói rằng, em không thích khiêu vũ nhưng vì sợ làm bố mẹ thất vọng nên vẫn phải tập luyện.
Thấy tình cảnh này của cô con gái nhỏ, người bố không khỏi xót xa và tự vấn rằng phải chăng bản thân đã quá khắt khe và đặt kỳ vọng quá lớn vào con gái.
Ảnh minh họa
Phụ huynh nên nhìn nhận vấn đề cho con tham gia các lớp học năng khiếu như thế nào để có lợi cho sự phát triển của con mình?
1. Tôn trọng mong muốn của trẻ
Nhiều bậc cha mẹ luôn thích nhìn vấn đề từ góc độ của mình, chăm chăm làm mọi việc với suy nghĩ là vì muốn tốt cho con cái nên họ đã bỏ qua mong muốn của con mà đăng ký cho con theo học các môn theo ý thích của bố mẹ. Nếu cố cưỡng ép con theo đuổi một bộ môn con vốn chẳng hề đam mê thì dễ khiến con chán ghét hơn mà thôi. Vì vậy, cha mẹ nên học cách giao tiếp với con, tìm hiểu sở thích của con, từ đó lựa chọn các khóa học phù hợp dựa trên những mong muốn ấy.
2. Cho con học các môn học theo độ tuổi
Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có mức độ phát triển tứ chi và não bộ khác nhau. Việc cho trẻ theo học các lớp năng khiếu là điều tốt nhưng không nên phá vỡ quá trình phát triển bình thường của trẻ. Ví dụ, khi trẻ mới hai tuổi, trẻ còn chưa biết cầm đũa, lúc này việc ép trẻ học đàn sẽ chẳng có tác dụng gì. Cách tốt nhất để giáo dục trẻ là nuôi dưỡng sở thích của trẻ ở độ tuổi phù hợp. Nhưng đồng thời, các bậc cha mẹ cũng không nên đặt nặng vấn đề trẻ phải học gì.
3. Đưa con bạn trải nghiệm
Nhiều trẻ không có sở thích rõ ràng và không biết mình thích gì. Ngoài ra, việc có nhiều trung tâm, lớp học năng khiếu trên thị trường khiến phụ huynh cũng chưa biết thực chất nên lựa chọn gì cho con. Bởi dù là cùng một môn học nhưng ở các lớp vẫn có những phương pháp giảng dạy khác nhau. Phụ huynh có thể đưa con em mình tham gia các lớp học thử, quan sát kỹ xem cơ sở đào tạo có chính quy không, đội ngũ giảng viên của cơ sở đó ra sao.
4. Không quá đặt nặng việc học năng khiếu
Không ai không muốn con mình sau này thành "ông này bà kia", cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng cũng sẽ gây nhiều áp lực cho con cái. Nhiều bố mẹ sau giờ tan học ở trường là đã chờ sẵn ở cổng để đưa con đến lớp năng khiếu, cuối tuần lại bắt con trau dồi môn học khác. Người lớn đôi khi cũng chẳng thể chịu nổi dưới những áp lực học tập quá lớn như thế. Bởi vậy, đừng quá đặt nặng việc học năng khiếu phải là điều bắt buộc, hãy để trẻ được phát triển theo bản năng dưới sự rèn giũa của gia đình.
Theo Sohu