Nếu có ai thắc mắc về loài vật có khả năng "gây lú" nhất thế giới thì tin tôi đi, con gà tây chắc chắn sẽ nằm trong danh sách.
Gà tây vốn là một món ăn biểu tượng trong lễ Phục Sinh đối với những quốc gia theo Thiên Chúa Giáo, nhưng cũng không xa lạ gì với người Á Đông. Chúng là những con gà cỡ lớn, cùng họ với gà lôi, sở hữu một bộ lông to xù khá bắt mắt và thịt thì... ngon đừng hỏi.
Ngon thế này cơ mà...
Nhưng thứ gây lú ở đây chẳng phải ngoại hình của chúng, mà nằm ở cái tên. Ở mỗi quốc gia trên thế giới con gà này lại có tên gọi khác nhau, mà tên gọi ấy lại lấy từ tên của một quốc gia khác.
Chẳng hạn, người Anh gọi gà tây là "Turkey" - nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ở Thổ, nó được gọi là "Hindi" (với nghĩa Ấn Độ). Ở Bồ Đào Nha, gà tây lại được gọi là "Peru", người Arab gọi nó là "gà La Mã" (Roman chicken), trong khi người Pháp gọi nó là dinde (tiếng Pháp, nghĩa là "từ Ấn Độ").
Và bạn biết gì không, con gà này lại có nguồn gốc từ... châu Mỹ. Thế mới gọi là "gây lú" chứ.
Nguồn gốc tên gọi của "con gà gây lú"
Đầu tiên, hãy bắt đầu từ cái tên "Turkey". Theo tiến sĩ Şinasi Tekin, giáo sư đã nghỉ hưu của ĐH Harvard, thì ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 15 có một loài chim mang tên "çulluk". "Chim çulluk có ngoại hình khá giống gà tây ngày nay, nhưng nhỏ hơn và thịt cũng ngon hơn."
Người Anh khi biết đến gà çulluk thì cảm thấy rất thích thú, và loài chim này cũng được "ship" sang Anh bởi các thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Người Anh ban đầu gọi chúng là "turkey bird", sau rút gọn còn "turkey" thôi.
Chim çulluk - "gà tây" của ngày xưa
Nhưng mọi thứ "gây lú" cũng xuất hiện vào thế kỷ 16, sau khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ. Khi người Anh đến châu Mỹ, họ đã nhầm những con gà to bự ở đây là gà çulluk, nên cái tên ấy cũng được gắn luôn cho loài gà này. Về sau khi nhận ra đó là 2 loài khác nhau, cái tên "turkey" được giữ lại cho gà châu Mỹ, trong khi loài "chim Thổ Nhĩ Kỳ" kia quay trở lại với cái tên çulluk.
Sự "lú" vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi mới tìm ra châu Mỹ, Columbus đã tưởng rằng ông đã đặt chân đến Ấn Độ. Và vì gà "turkey" có nguồn gốc ở đây, nên một số quốc gia mới đặt cho nó một số cái tên liên quan đến Ấn Độ (như Hindi tại Thổ Nhĩ Kỳ, hay dinde trong tiếng Pháp).
Và rồi khi họ nhận ra lục địa ấy thực chất là châu Mỹ, thì từ đó cũng bắt đầu xuất hiện những cái tên như "gà Peru", "gà Ethiopia"...
Một số giả thuyết khác
Thực chất, câu chuyện nguồn gốc của gà tây cũng có nhiều dị bản. Có giả thuyết cho rằng gà tây có nguồn gốc từ châu Phi, có tên "guinea fowl".
Những thương nhân Tây Ban Nha đã từng mang những giống gà này về Châu Âu xuyên qua Bắc Phi trong thế kỷ 15 và 16.
Nhưng khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, các đầu bếp tại đây đã giúp con gà có được hương vị cực kỳ độc đáo, ngon nhất từ trước đến nay, dẫn đến việc người châu Âu sau này nhầm tưởng chúng đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Guinea fowl và Turkey
Một giả thuyết khác là sau khi đến Bắc Mỹ và nhầm lẫn "gà Tây" ở đây với gà "guinea fowl", sau đó được thương nhân người Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển đi khắp nơi nên được gọi là "Turkey fowl". Sau này, cái tên được rút gọn còn "Turkey".
Bản thân câu chuyện về nguồn gốc của gà tây cũng có phần gây tranh cãi, nên quả thực không sai khi gọi gà tây là những con gà "gây lú" nhất thế giới. Ưu điểm duy nhất của chúng là... ngon thôi.
Tham khảo: International Neighbor, Quora, BBC...