1. Năm 2010, sau hơn 3 năm tại vị, có vẻ như Michel Platini đang thổi một luồng gió mới tươi trẻ vào nền bóng đá cũ kỹ của lục địa châu Âu già cỗi bằng những ý tưởng táo bạo và mới mẻ. Cũng có vẻ như sự tích cực và dám nói, dám làm của ông đã thuyết phục được cả châu Âu với việc vị chủ tịch này tái đắc cử ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình khi không có đối thủ cạnh tranh cho chiếc ghế này. Liệu có đúng là Platini có "thần thánh" đến mức đấy?
Tạm thời gác qua một bên những cải tổ vĩ mô vẫn đang còn chỉ là ý tưởng, hay đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện như ủng hộ ý tưởng "6+5" của chủ tịch FIFA Sepp Blatter, ý tưởng đưa thêm trợ lý trọng tài để giám sát chặt chẽ hơn các tình huống gần cầu môn, tạm gác qua luôn lời kêu gọi các CLB tự ý thức về việc "mua lúa non" hay Luật tài chính công bằng đang trong quá trình bắt đầu triển khai, thì có hai việc cựu danh thủ người Pháp này đã làm rất tốt, đấy là đem quyền đồng đăng cai EURO 2012 về cho Ba Lan và Ukraina, và cải cách cúp châu Âu.
Về mặt nguyên tắc, cải cách cơ bản nhất của Michel Platini ở cúp châu Âu, là việc phân phối lại quota cho các quốc gia châu Âu có CLB tham dự Champions League.
Ngoài việc tước bớt vé của các "ông lớn", Platini đặt các CLB của các quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Âu vào việc phải tranh suất tham dự vòng bảng thông qua vòng play-off. Điều này có đem lại sự hứng thú hơn cho các đội bóng tham dự Champions Leguae? Câu trả lời là có. Nhưng cụ thể là cho ai? Không quá khó khăn để nhận ra đối tượng chính là các đội bóng đến từ các quốc gia nhỏ.
Mặc nhiên những CLB này có thêm cơ hội cọ xát với các CLB lớn của châu lục. Thế lợi ích của các quốc gia có nền bóng đá hùng mạnh nhất châu Âu nằm ở đâu? Nếu ai đó từng theo sát những nấc thang đưa Platini đến với ngôi vị thống soái bóng đá châu Âu, hẳn sẽ biết rằng những lá phiếu ủng hộ giúp huyền thoại bóng đá người Pháp này soán ngôi cựu chủ tịch Lennart Johansson không đến từ Anh, Italia, Tây Ban Nha hay Đức, mà chủ yếu đến từ Đông Âu.
Cộng vào với việc giành quyền đăng cai EURO 2012 về cho Ba Lan và Ukraina, có thể nói trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, vị chủ tịch này đã hoàn thành rất xuất sắc một việc: trả nợ đầy đủ cho Đông Âu - sân sau vững chắc của mình.
Nói như vậy liệu có quá bất công với những gì mà Platini cống hiến cho bóng đá châu Âu nói chung, cũng như Champions League - giải đấu danh giá hàng đầu thế giới nói riêng, trong suốt gần một nhiệm kỳ tại vị vừa qua?
2. Còn khá nhiều vấn đề liên quan đến Champions League mà vị chủ tịch chưa, hoặc không thể giải quyết, hoặc giả không muốn giải quyết. Đơn cử một trường hợp nổi cộm nhất, hãy nhìn vào bảng hệ số giải đấu (Association Coefficient, hay còn gọi là League Coefficient). Bảng xếp hạng này sẽ tính hệ số cho các quốc gia có CLB tham dự cúp châu Âu, từ đó quyết định số lượng CLB của các quốc gia đó có suất tham dự các cúp châu Âu mùa sau.
Về mặt công thức, ngoài số điểm thưởng cho các quốc gia có đội bóng đi sâu vào vòng trong, điểm số của từng quốc gia sẽ được tính bằng cách lấy tổng điểm số mà các CLB của quốc gia đó đạt được trong mùa bóng (thắng 3, hòa 1, thua 0), chia cho tổng số CLB của quốc gia đó tham gia các giải đấu. Điểm số để quyết định vị trí trên bảng xếp hạng sẽ là tổng điểm số của quốc gia đó trong 5 mùa bóng gần nhất.
Vô địch Champions League, nhưng Serie A vẫn phải ngậm ngùi ngồi "chiếu dưới" bởi những cải cách đầy toan tính của Platini.
Nhìn vào bảng xếp hạng ngay trong thời điểm đấy, có thể dễ dàng nhận ra Đức đang xếp trên Italia, và chắc chắn sẽ vẫn nằm trên cho đến hết mùa bóng 2010/2011, đồng nghĩa với việc Bundesliga có nhiều hơn 1 đại diện so với Serie A ở Champions League, và thậm chí có thể sẽ vượt qua cả TBN để chiếm vị trí thứ 2, sau Anh.
Không khó để nhận ra về mặt chuyên môn, Serie A ăn đứt Bundesliga. Hệ lụy của nó còn nặng nề hơn khi chúng ta thử làm một bài toán đơn giản. Bundesliga có 18 đội tham gia, tạm gạt đi một nửa trong số đó là những CLB phải vật lộn với việc trụ hạng và không đủ tầm để mơ đến suất tham dự cúp châu Âu, ta còn lại 9 đội.
Như vậy, xác suất để một đội bóng Đức mơ mộng tham gia đấu trường châu lục có vé dự Champions League là 44,4%. Trong khi đó, Serie A có 20 đội, và con số tương tự sẽ là 30%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngay cả những đội bóng cực mạnh của Italia như Inter Milan, AC Milan, Juventus, AS Roma, Napoli, Lazio… sẽ phải tranh đấu cật lực để kiếm vé dự Champions League, cũng như sẽ có 1 sự vắng mặt đáng tiếc của một đội bóng mạnh ở giải đấu này.
Nên nhớ, trong 5 mùa bóng gần nhất (tính đến thời điểm ấy), Serie A sở hữu đến 2 chức vô địch Champions League (AC Milan mùa 06/07 và Inter Milan 2009/2010). Vậy trong một bảng xếp hạng được tính toán chặt chẽ và đầy tính khoa học như thế, lỗ hổng là ở đâu?
Thứ nhất: việc tính điểm như nhau cho tất cả các trận đấu, bất kể tính chất là một sai lầm. Ví dụ: một đội bóng đã thắng 4-0 ở lượt đi vòng knock-out hoàn toàn có thể cho phép mình thua 1, hoặc 2 bàn trong trận lượt về. Vô hình chung, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng của giải đấu trên bảng xếp hạng.
Thứ hai và quan trọng nhất: Cào bằng điểm số đạt được, bất chấp là Champions League hay Europa League. Ở vòng bảng Champions League, các đội bóng Italia thường sẽ khó chiếm ngôi đầu bảng của Anh hoặc Tây ban Nha, do đó sẽ xếp thứ nhì, bất lợi trong việc bốc thăm chia cặp cho vòng đấu loại trực tiếp, dẫn đến việc tăng khả năng bị loại.
Trong khi đó, các đội bóng Đức thường không quá yếu để đứng bét bảng, cũng khó đủ mạnh để cạnh tranh suất đi tiếp cùng Anh, Italia, Tây Ban Nha, sẽ rơi xuống Europa League - kho điểm cho họ. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản nhất giúp Bundesliga luôn vượt trội Serie A về điểm số trong 4 mùa bóng gần nhất.
"Nợ riêng" với Đông Âu, Platini đã trả đủ, nhưng "nợ chung" với bóng đá châu Âu, huyền thoại bóng đá người Pháp này mãi mãi "ăn quỵt" cho đến tận ngày bị bắt.