Đồ họa: Alex Chu.
Từng bước bành trướng tại thị trường Việt Nam
Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, SCG Packaging thuộc SCG Group tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua lại 70% vốn tại CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân, một doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì và nhựa gia dụng tại Việt Nam với doanh thu trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Trước thương vụ Duy Tân không lâu, SCG Group cũng đã mua 94,11% cổ phần của CTCP Bao bì Biên Hòa (Mã: SVI), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cung cấp bao bì cho loạt doanh nghiệp lớn như Unilever, Pepsi, Coca-Cola,...này đã hoàn toàn về tay tập đoàn Thái.
Các thương vụ đầu tư liên tiếp cho thấy, Tập đoàn vật liệu xây dựng lớn nhất Thái Lan vẫn đang mở rộng chuỗi giá trị sản xuất nhựa tại Việt Nam gồm 3 mảng chính là vật liệu, hoá chất và bao bì.
Không chỉ đầu tư trực tiếp vào các tên tuổi lớn như TPC Vina, SCG sẵn sàng chụp lấy những cơ hội sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp mạnh trong ngành. Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh vững chắc tại Việt Nam.
Sau khi chi đến gần 6.400 tỉ đồng để mua lại 100% vốn hãng gạch ốt lát Prime Group chấn động thị trường năm 2012; năm 2015, tiếp tục chi 1.000 tỉ đồng mua lại 80% vốn CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) - top 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì, với công suất 230 triệu m2/năm.
Đầu năm 2018, SCG tiếp tục nâng sở hữu tại CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) khi cổ đông nhà nước SCIC thực hiện thoái vốn. Việc nắm lấy doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm lên trên 54% và thương hiệu lâu đời giúp SCG hoàn thiện chuỗi giá trị của mình.
Đồ hoạ: Minh Hằng
Trước các thương vụ trong ngành nhựa và bao bì nhựa thì SCG cũng đã rót vốn vào lĩnh vực vật liệu xây dựng. Ngay từ thời 2012, SCG đã chi ra 240 triệu USD để thâu tóm nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất thời bấy giờ là Prime Group. Hay cả việc chi 156 triệu USD để mua lại Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung.
Như vậy, hệ sinh thái của SCG đã hơn 20 đơn vị, có cả Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech, Vật liệu nhựa Minh Thái, Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Bao bì AP, Sản xuất Bao bì Alcamax, Packamex…
Khép kín chuỗi giá trị ngành nhựa
Chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành trong chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam được hẫu thuẫn bởi mắt xích quan trọng ở thượng nguồn: Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (PSL) có tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD.
Sau khi mua lại phần vốn để tăng sở hữu tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn lên 71%, đến năm 2018, SCG tiếp tục mua phần vốn còn lại của Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (Petrovietnam - Mã: PVN) để chính thức là chủ đầu tư của dự án này.
Một phần dự án Lọc hóa dầu Long Sơn đầu năm 2021. (Ảnh: Báo Tin tức).
Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn khi đi vào hoạt động năm 2023. Công suất của dự án này dự kiến 998.000 tấn ethylene, 420.000 tấn Propylene, 113.000 tấn Butadiene, 483.000 tấn PP, 525.000 tấn HDPE, 525.000 tấn LDPE trong một năm. Đây là nguồn cung ứng cho các nhà sản xuất nhựa.
Đến cuối tháng 1/2021, dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã thực hiện được khoảng 45% tiến độ các hạng mục.
Theo các nhà phân tích CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), đặc thù của ngành nhựa Việt Nam là nguyên liệu nhựa nguyên sinh phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu do thượng nguồn của ngành nhựa chỉ đáp ứng được trung bình khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu của các nhà sản xuất hạ nguồn. Do đó việc nắm đầu thượng nguồn nhà máy lọc dầu Long Sơn đã khiến cán cân trong ngành nhựa nghiêng hẳn về SCG.
Xét riêng với thị trường Việt Nam, ngành nhựa vẫn đang ở trong giai đoạn tăng trưởng giữ ở mức tăng trưởng 10,8% giai đoạn 2010 – 2017, trong khi thế giới đã bị bão hòa ở mức 3,7% - 3,8% một năm.
Chuỗi giá trị của ngành nhựa từ nguyên liệu hóa thạch đến các sản phẩm nhựa cuối cùng bao gồm hai phân khúc là thượng nguồn (upstream) và hạ nguồn (downstream). (Nguồn: FPTS).
Khối tài sản hơn 145 tỷ baht của SCG tại Việt Nam
Rất nhiều đại gia Thái Lan nhìn thấy miếng bánh béo bở từ thị trường hơn 90 triệu dân tại Việt Nam. Từ năm 2011 đến năm 2020, tổng các khoản đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn Thái Lan đã đạt gần 9 tỉ đô la, với hàng loạt thương vụ M&A đáng chú ý.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cũng đã thẳng thắn chia sẻ rằng, họ muốn tăng cường thêm sự hiện diện của mình trên thị trường Việt. Do đó, dù kinh tế đang gặp nhiều khủng hoảng do COVID-19, người Thái vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư Thái mặc dù mua công ty sản xuất kinh doanh đã có thương hiệu của Việt Nam tuy giá có hơi cao một chút trong thời điểm họ rót vốn, nhưng thực tế chỉ cần áp quản tri kinh doanh hiện đại kiểu Thái vào các doanh nghiệp Việt thì lợi nhuận sẽ nhanh chóng cải thiện, hiệu quả xứng đáng với đồng vốn đầu tư.
Về kết quả kinh doanh của SCG Group, trong năm 2020, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của SCG cho biết, lợi nhuận trong năm tăng 7% so với cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động kinh doanh cải thiện ở tất cả các nhóm ngành. Doanh thu bán hàng giảm 9% so với cùng kỳ chủ yếu do giá nguyên liệu ở mức thấp.
Kết quả kinh doanh của SCG Group qua các năm. (Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC của SCG).
Dựa trên báo cáo tài chính năm 2020 của SCG Group công bố, doanh thu thuần từ thị trường Việt Nam đạt 36 tỷ baht (khoảng 27.576 tỷ đồng) và chiếm khoảng 9% cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Tại ngày 30/12/2020, SCG Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá hơn 145 tỷ baht, tăng 50% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành hoá dầu.