Cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tuần này sẽ là cuộc đua chủ yếu giữa Tổng thống Petro Poroshenko, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và Volodymyr Zelenskiy, từng là một diễn viên hài.
Các nhà ngoại giao phương Tây tại Kiev cho biết cả ba người này đều để lại những lo lắng về việc họ sẽ thông qua cải cách hiệu quả như thế nào, giải quyết vấn đề tham nhũng và duy trì dòng viện trợ.
"Chúng tôi chắc chắn biết những gì chúng tôi nhận được với ông Poroshenko," một nhà ngoại giao nói. "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi biết những gì chúng tôi sẽ nhận được với Tymoshenko. Với Zelenskiy, chúng tôi không có manh mối nào."
Giữa sóng gió Nga – phương Tây
Ukraine đang là một trong những vấn đề của cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga kể từ các cuộc biểu tình trên đường phố Maidan năm 2014 và Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Khi cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine bước sang năm thứ 5, Ukraine đã nỗ lực đưa vấn đề của họ trở thành trung tâm trong chương trình nghị sự quốc tế và thúc đẩy tiến trình trở thành thành viên của Liên minh châu Âu và NATO.
Các vòng trừng phạt liên tiếp đối với Nga cho thấy phương Tây sẵn sàng duy trì lập trường ủng hộ Ukraine, trong khi EU vẫn muốn ngăn chặn Nga gây ảnh hưởng vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác.
Tuy nhiên, châu Âu cũng đang lo lắng về hiệu suất hoạt động của Kiev đối với tiến trình cải cách - và những phiền nhiễu của châu Âu về Brexit và một Trung Quốc đang lên đã khiến việc đối mặt với một "Ukraine mệt mỏi" trở nên khó khăn hơn.
Lý tưởng nhất, EU muốn xem Ukraine - một nước láng giềng lớn ở biên giới phía đông – trở thành một nền dân chủ ổn định, tuân thủ luật pháp và có thể tự bảo vệ mình trước ảnh hưởng của Nga.
Nhưng sự nhất trí đằng sau các lệnh trừng phạt của EU luôn mong manh, khi Ý, Hy Lạp, Hungary và các nước khác gần gũi hơn với Moscow muốn cải thiện quan hệ kinh tế.
Một tổng thống Ukraine không thực hiện đủ cải cách có thể đẩy cán cân nghiêng về phía Nga trong khi đe dọa tiến trình tài trợ từ quốc tế và việc nước này được miễn thị thực vào châu Âu – quyền lợi mà người dân Ukraine mới được hưởng trong vòng chưa đầy hai năm.
Các nhà ngoại giao cũng lo ngại một cuộc bầu cử đang được theo dõi chặt chẽ có thể bị hủy bỏ bởi các cáo buộc gian lận và sự phản đối, theo Reuters.
Ba ứng viên
Ông Poroshenko đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã duy trì một Ukraine đoàn kết sau việc Nga sáp nhập Crimea, củng cố quân đội của Kiev và thúc đẩy các cải cách như trong lĩnh vực ngân hàng và năng lượng. Dù vậy các vấn đề khác của nước này vẫn đang vấp phải nhiều quan ngại.
Về phần mình, EU kiên định với các nguyên tắc cải cách và thúc đẩy lập trường thân cận phương Tây của Ukraine hơn là nghiêng về bất kỳ ứng cử viên nào.
"Ông Poroshenko có một đường lối rất rõ ràng, ít nhất là trên giấy tờ, về việc rời xa Nga và ủng hộ châu Âu", một nhà ngoại giao EU tại Brussels cho biết.
"Điều quan trọng là tổng thống tiếp theo phải gắn kết với chương trình cải cách bởi vì chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào nó. Nếu không có điều đó và không có một đường lối không rõ ràng về Nga, mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng."
Trong khi đó, Zelenskiy là một câu đố. Là một gương mặt mới và không có nhiều kinh nghiệm chính trị, ông ấy lại thu hút được cử tri, đặc biệt là giới trẻ.
Nhưng các nhà ngoại giao lại lo ngại chính về sự thiếu kinh nghiệm của ông. Và chiến thắng của Zelenskiy sẽ làm dấy lên mối lo ngại về số phận của PrivatBank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Ukraine, mà chính phủ đã giành quyền kiểm soát từ Kolomoisky – một tỷ phú từng xuất hiện trong chương trình của Zelenskiy vào năm 2016.
Chính phủ muốn thu hồi tiền mà họ nói đã bị rút ra trong khi Kolomoisky sở hữu nó. Kolomoisky phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói rằng đơn vị này đã bị quốc hữu hóa mà không có lý do chính đáng.
"Bạn không thể mong đợi nhiều từ một người không có kinh nghiệm chính trị", một nhà ngoại giao nói. "Ông ấy nhìn khá chân thành nhưng chúng tôi chỉ có thể đánh giá từ kết quả."
Còn bà Tymoshenko, từng làm thủ tướng hai lần, cũng là một lựa chọn khá khó đối với EU. Họ đã ủng hộ bà vào năm 2011 khi bà bị Viktor Yanukovich, người tiền nhiệm của ông Poroshenko bỏ tù. Tuy nhiên, một thỏa thuận khí đốt năm 2009 được coi là có lợi cho Nga hơn Ukraine và những tuyên bố chống cải cách gần đây có thể làm suy yếu sức hấp dẫn của bà.
Đối với phương Tây, một điểm mạnh của cuộc bầu cử này là nó có mang tính cạnh tranh cao. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Zelenskiy là người đi đầu, còn ông Poroshenko và bà Tymoshenko đang phải nỗ lực để giành được vị trí của mình trong cuộc đua vào tháng 4. Dù vậy, vẫn còn lo ngại về một số cáo buộc gian lận phiếu bầu và các cuộc biểu tình trên đường phố.
Trong một bài phát biểu vào ngày 5 tháng 3, Đại sứ Hoa Kỳ Marie Yovanovitch nói rằng bất kỳ ai cố gắng làm sai lệch hồ sơ bỏ phiếu nên bị truy tố và các nguồn lực của chính phủ không nên được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các đối thủ chính trị.