Con đường nào cho Ấn Độ “thoát Trung tuyệt đối”?

Phan Tùng |

Người Ấn đang tìm mọi mục tiêu để có thể khiến Trung Quốc phải trả giá sau những xung đột gần đây ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Căng thẳng biên giới đang nhấn chìm quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc. Bất cứ chủ đề nào liên quan tới Trung Quốc giờ đây đều có thể khuếch đại sự giận dữ của các chính trị gia và một bộ phận người dân Ấn Độ. Người Ấn đang tìm mọi mục tiêu để có thể khiến Trung Quốc phải trả giá.

Và như thường lệ, mặt trận kinh tế thương mại là nơi dễ chịu tổn thương nhất. Công luận Ấn Độ còn đòi hỏi Chính phủ phải ‘thoát ly’ toàn diện quan hệ với quốc gia láng giềng đầy tham vọng.

Công thức của các vụ tranh chấp lãnh thổ đã trở nên phổ biến. Đó là khi vũ lực được sử dụng để giải quyết các yêu sách chủ quyền, mọi mối liên kết song phương sẽ trở thành quá khứ. Trong khi đó, tinh thần dân tộc sẽ đẩy hai đất nước sẽ lao vào một cuộc chiến ‘mất nhiều hơn được’ – chiến tranh kinh tế. Cuộc đối đầu ở biên giới Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang được viết tiếp theo kịch bản này.

Dựng ‘Trường Thành kinh tế’ với Trung Quốc

Cuộc đối đầu kéo dài giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc dọc đường Kiểm soát Thực tế (LAC) kéo dài gần 2 tháng qua không còn là chuyện biên giới lãnh thổ. Làn sóng phản đối Trung Quốc lan sang lĩnh vực kinh tế với lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc. Chính quyền Ấn Độ rất nhanh chóng đã có câu trả lời. Một loạt biện pháp siết chặt nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được trình Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, nước này sẽ kiểm soát chặt hơn nữa việc nhập khẩu 371 mặt hàng của Trung Quốc, bao gồm đồ chơi, đồ dùng bằng nhựa, đồ thể thao, và nội thất… Tổng giá trị của các mặt hàng bị xem xét lên tới 127 tỷ USD. Bên cạnh đó, hàng điện tử, thuốc, hàng may mặc và đồ dùng lâu bền từ Trung Quốc cũng sẽ sớm được đưa vào danh sách hạn chế nhập khẩu. New Delhi chuẩn bị các biện pháp phi thuế quan, khuyến khích sản xuất trong nước cũng như yêu cầu các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Trong động thái bất ngờ, tất cả hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc bắt đầu bị giữ lại và kiểm tra trực quan 100% tại các cảng của Ấn Độ từ ngày 23/6. Điều này có nghĩa các lô hàng Trung Quốc sẽ bị lưu giữ để xem xét chi tiết tới từng kiện dù chúng có thuộc ‘luồng Xanh’ của hải quan Ấn Độ.

Hỗn loạn và lo âu không chỉ diễn ra tại các cảng biển Ấn Độ. Chính các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đứng ngồi không yên vì việc kinh doanh giờ đây trở thành ‘con tin’ cho căng thẳng chính trị. Kế hoạch sắp tới là chính phủ sẽ rà soát cả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Ấn Độ đã ký với các quốc gia khác, ngăn chặn hàng hóa, linh kiện của Trung Quốc đi qua nước thứ 3 để vào Ấn Độ.

Trong cuộc họp giữa thủ tướng Narendra Modi với các thủ hiến bang hôm 19/6, thủ hiến bang Maharashtra Uddhav Thackeray có những phát ngôn đầy tinh thần dân tộc: “Ấn Độ mong muốn hòa bình, nhưng không có nghĩa là chúng tôi yếu. Bản chất của Trung Quốc là tráo trở, lật lọng. Ấn Độ mạnh mẽ chứ không vô dụng”.

Chiến dịch trả đũa kinh tế nhắm vào hàng hóa và doanh nghiệp Trung Quốc được ví như bức ‘Trường Thành’ về kinh tế, đáp trả hành động hung hăng của Trung Quốc ở biên giới với Ấn Độ. Nhưng xa hơn, người Ấn muốn nhân cơ hội này để ngăn chặn sự thâm nhập và thôn tính về kinh tế của quốc gia láng giềng.

Cũng thật tình cờ, nó cũng phù hợp với Chiến lược ‘Make in India’ của thủ tướng Modi, khi muốn biến quốc gia này thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới; và mới nhất là lời kêu gọi ‘Tự cường’ để vượt qua đại dịch Covid-19. Ấn Độ đã sẵn sàng tẩy chay hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc để trở về với sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản như vậy.

Thế lưỡng nan của kế hoạch ‘Thoát Trung’

Chẳng phải tới khi nổ ra tranh chấp biên giới, Ấn Độ mới muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Sự lấn át về kinh tế, thương mại của Trung Quốc trong quan hệ song phương từ lâu nay khiến chính phủ Ấn Độ đau đầu tìm cách giải quyết. Nó tới từ sự ràng buộc chặt chẽ giữa cung và cầu, giữa các khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và tới cả sự phát triển tự nhiên của thị trường.

Trước hết, tình trạng mất cân bằng kim ngạch thương mại kéo dài nhiều năm qua với cán cân thâm hụt luôn nghiêng về phía Ấn Độ. Ấn Độ luôn nhập siêu hàng hóa của Trung Quốc với con số luôn xấp xỉ 50 tỷ USD/năm, trong đó, năm 2018 là năm thâm hụt nặng nhất, tới 63,05 tỷ USD. Trung Quốc vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trung bình 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Việc thâm hụt duy trì qua từng năm khiến New Delhi gặp nhiều bất lợi.

Điều không phải bàn cãi là nền kinh tế Ấn Độ đang phụ thuộc tương đối lớn vào hàng hóa Trung Quốc. Không chỉ là hàng tiêu dùng, đồ dùng thiết yếu, Ấn Độ cần cả nguyên phụ liệu, linh kiện … cho nhiều ngành sản xuất chủ lực.

4 nhóm mặt hàng Ấn Độ phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung của Trung Quốc gồm: nguyên liệu dược phẩm và chất trung gian (chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ), linh kiện điện tử và chất bán dẫn (43%), hàng dệt may và nguyên liệu (27%) và linh kiện sản xuất ô tô (27%). Lập luận của những người ủng hộ ‘trừng phạt Trung Quốc’ cho rằng Ấn Độ đang nắm đòn bẩy lớn hơn trong cuộc chơi về kinh tế với Trung Quốc. Bởi Trung Quốc đang bán nhiều hơn (70,3 tỷ USD) so với Ấn Độ (vốn chỉ đang xuất khẩu 16,75 tỷ USD hàng hóa), nên các biện pháp trả đũa sẽ gây tổn thương cho Bắc Kinh nhiều hơn.

Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc chỉ là những mặt hàng nguyên liệu sản xuất như khoáng sản, hóa chất, hàng nông sản, dệt may – những sản phẩm ít chịu ảnh hưởng nếu người tiêu dùng Trung Quốc đáp trả. Tuy nhiên, ít ai cân nhắc mặt trái của nó là: các động thái ngăn chặn nhập khẩu sẽ dồn các ngành công nghiệp của chính Ấn Độ vào cửa tử. Chẳng hạn ngày công nghiệp dược trị giá 39 tỷ USD của Ấn Độ đang chật vật do thiếu nguyên liệu sản xuất vì dịch Covid-19, nay sẽ phải chịu thêm cú sốc do chiến tranh thương mại.

Các thương hiệu lớn của Trung Quốc đang làm ăn tại Ấn Độ giờ là đối tượng bị xem xét trong chuỗi căng thẳng này. Nhưng vùi dập chúng cũng có nghĩa Ấn Độ đang tự ‘lấy đá ghè chân’.

Các nhãn hàng điện thoại di động Trung Quốc như Xiaomi, Vivo, RealMe, Oppo đang chiếm tới 74% thị phần tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Sản phẩm của họ vừa túi tiền và ‘mang chất Ấn’ hơn cả của người Ấn giúp Ấn Độ trở thành nhà sản xuất sản phẩm di động lớn thứ 2 thế giới, và tạo ra 700.000 việc làm.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Ấn Độ cũng rất đáng kể. Trong giai đoạn 2015 – 2019, Ấn Độ nhận khoảng 1,8 tỷ USD FDI của Trung Quốc; tập trung vào 5 ngành công nghiệp: ô tô, thiết bị điện, in ấn, dịch vụ và điện tử. Còn tính trên đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang đi đầu.

Arun Singh, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng nghiên cứu thị trường Dun & Bradstreet nhận xét, khoảng 220 công ty Ấn Độ hiện có liên hệ pháp lý ở nhiều hình thức khác nhau với 350 thực thể Trung Quốc. “Bất cứ sự gián đoạn quan hệ nào với Trung Quốc sẽ rất đau đớn. Nó sẽ gây bất ổn về giá cả đầu ra trong các ngành công nghiệp”. Singh nói.

Còn nhà kinh tế thuộc công ty xếp hạng tín nhiệm CARE, Madan Sabnavis cho rằng không riêng gì Ấn Độ, cả thế giới cũng đang tính tới việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng quá trình này cần thời gian và bước đi thận trọng. “Kêu gọi tẩy chay rất dễ thu hút bất kỳ ai. Vậy nhưng mọi người vẫn chọn hàng Trung Quốc nếu giá cả rẻ hơn so với hàng của Nhật Bản hay Hàn Quốc.” Ông nói.

Thay đổi mình để đương đầu Trung Quốc

Tâm lý dân tộc ngày càng lên cao sau cuộc đụng độ quân sự chết người giữa hai nước hôm 15/6, khiến cuộc thảo luận về tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc tại Ấn Độ đi tới trạng thái cực đoan.

Điều này đã dẫn tới những hệ quả tiêu cực như thái độ bài người Hoa và hàng hóa Trung Quốc ở khắp nơi, những lựa chọn vội vàng về chính sách đối với doanh nghiệp Trung Quốc ngay tại Ấn Độ. Kết quả là sự đình trệ của thông thương khi hàng hóa Trung Quốc bị gây khó dễ, sự căm phẫn của công chúng với nước láng giềng không những không giúp cho kinh tế Ấn Độ mạnh mẽ hơn mà còn gây thêm những thiệt hại không đáng có.

Cốt lõi của vấn đề vẫn còn đó. Ấn Độ vẫn chưa tìm ra lời giải cho những bài toán ‘tự cường’ về kinh tế. Đó là làm sao để tìm kiếm những nguồn nguyên liệu và linh kiện thay thế cho các ngành công nghiệp, làm sao để kéo sản xuất từ Trung Quốc vào với Ấn Độ, và quan trọng nhất là để nâng cao sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp Ấn Độ trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm.

Rakesh Mohan Joshi, Chủ tịch Viện Ngoại thương Ấn Độ nhận xét rằng, chính sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, năng suất thấp trong lĩnh vực dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, và các thủ tục hành chính rườm rà đang chất gánh nặng lên hiệu suất của nền kinh tế và giá cả hàng hóa. “Ấn Độ nên chấp nhận thực tế đang diễn ra, tìm cách gỡ khó để cải thiện hiệu suất và khả năng cạnh tranh trên mọi lĩnh vực. Điều đó sẽ giúp đất nước và hàng hóa Ấn Độ cạnh tranh hơn trên toàn cầu”, Mohan Joshi nói.

Các phân tích đều cho rằng, một cuộc chuyển đổi chiến lược như vậy của Ấn Độ sẽ cần rất nhiều bước đi nghiêm túc với ít nhất là 5 năm kiên trì theo đuổi, và nhất là không thể ‘đi một mình’.

Malay Mukherjee, cựu giám đốc điều hành của công ty thép Mittal cho rằng, Ấn Độ cần những bước đi chiến lược hơn là các hành động theo cảm xúc. “Thoát khỏi ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc phải là bước phối hợp của một nhóm quốc gia.” Murkhejee chia sẻ. Điểm thuận lợi là Ấn Độ đang chuẩn bị để đón làn sóng các công ty sản xuất rời Trung Quốc thời gian tới. Nếu có chiến lược thu hút hấp dẫn, Ấn Độ có thể tạo lợi thế cho mình trong kế hoạch trở thành ‘công xưởng mới’ của thế giới, và nhất là cho giấc mơ ‘Make in India’./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại