Mười năm bỏ nhà đi bụi, hành tẩu giang hồ, trở thành tay anh chị khét tiếng, tạo nhiều chiến tích bất hảo, gây biết bao khổ đau cho người, ít ai ngờ, sau này, Hoàng Văn Tuyên lại trở thành một Phật tử thuần thành, chủ Nhà hàng chay An Lạc nổi tiếng ở Hà Nội, suốt ngày chia sẻ Phật pháp, làm những điều nhân nghĩa.
Nói về bước ngoặt cuộc đời mình, Tuyên bảo: "Nếu không gặp Hòa thượng Thích Thông Lạc, thực hành theo chánh pháp thì giờ này chắc tôi đang ngồi bóc lịch trong nhà đá rồi".
Tôi biết anh Hoàng Văn Tuyên cách đây cũng ngót chục năm khi tôi thường đến chùa Pháp Vân (Hà Nội) chia sẻ về đạo Phật cho các khóa tu còn anh Tuyên thì cung cấp thức ăn chay cho các Phật tử.
Sau này, anh mở Nhà hàng chay An Lạc phố Trần Hưng Đạo, tôi thường xuyên đến dùng cơm ở đó. Một phần bởi thức ăn khá ngon, giá cả hợp lý. Một phần bởi tôi thích không khí đậm chất Phật giáo ở đây.
Ngay ở cửa ra vào, anh Tuyên treo bức thư pháp: "Từ bi hỉ xả. Yêu thương tha thứ". Chính giữa trung tâm nhà hàng là tấm biển lớn ghi dòng chữ: "Sống đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh". Cùng với đó là những bức thư pháp ghi lại lời dạy của Trưởng lão Thích Thông Lạc – người thầy tâm linh lớn nhất của anh.
Ở nhà hàng chay An Lạc, từ chủ đến nhân viên, ai cũng vận trang phục Phật tử, ai cũng khiêm cung, tươi tắn, đi lại, nói năng nhẹ nhàng. Khách đến nhà hàng, anh Tuyên thường chắp tay búp sen chào đón.
Trong giờ ăn, anh thường chia sẻ qua hệ thống âm thanh những lợi lạc của việc ăn chay bằng chất giọng trầm ấm, từ tốn, nhẹ nhàng. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ và cái đầu cạo trọc của anh, một số thực khách nhầm tưởng anh là một vị tu sĩ.
Những khi vãn khách, anh thường ra bàn trò chuyện với tôi. Anh rất thích nói về đạo Phật, về việc thực hành tu tập. Có lần, bàn về sự màu nhiệm của Phật pháp, anh hỏi tôi: "Anh Sướng đã nghe ai nói về quá khứ của Tuyên chưa?". Tôi lắc đầu. Anh bảo: "Trước kia, Tuyên đã có một quá khứ đầy tội lỗi.
Tuyên vốn dĩ là một giang hồ khét tiếng, tạo không biết bao nhiêu là nghiệp xấu, gây không biết bao nhiêu khổ đau cho mình, cho người. May nhà Tuyên còn có phúc, sau này gặp được bậc chân tu, biết đến chánh pháp, buông dao đồ tể, thành người thiện lương như ngày hôm nay. Nếu không biết đến Phật pháp chắc giờ này tôi đang ngồi bóc lịch trong nhà đá".
Nói đoạn, anh giơ tay, giơ cổ, vén áo chìa lưng cho tôi xem bản đồ sẹo trên thân thể: chằng chịt, trắng nhởn. Anh bảo, đó là dấu tích của những cuộc đâm chém đầm đìa máu me một thuở mà giờ nhớ lại, đôi khi anh cũng thấy rùng mình kinh hãi.
Hoàng Văn Tuyên sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ngày ấy, Quảng Yên còn nghèo nàn, lạc hậu chứ chưa trở thành thị xã sầm uất, hiện đại như bây giờ.
Bố là thợ xẻ gỗ. Mẹ là bà lang chuyên chữa bệnh bằng thuốc Nam. Nhà có 8 chị em. Tuyên là con trai độc nhất. Tuổi thơ của Tuyên trôi đi êm đềm như bao đứa trẻ cùng quê khác. Sáng cắp sách đến trường, chiều đi chăn trâu cắt cỏ, tối chơi đùa cùng đám bạn.
Năm 17 tuổi, giông bão ập đến đời Tuyên. Bố bị ung thư vòm họng chết. Trụ cột gia đình mất. Gánh nặng cơm áo đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Mất chỗ dựa vững chãi, Tuyên như người ngã nước chới với. Một số người xấu tính trong làng chèn ép mẹ con Tuyên. Đám thanh niên hư hỏng thì quấy phá, trêu ghẹo các chị gái của Tuyên khiến các chị sợ hãi, hễ chiều xuống là không dám ra đường.
Tuyên uất lắm nhưng sức hèn, vóc mọn, không đánh lại được. Nhiều đêm nghĩ ức đến không ngủ được. Và rồi trong Tuyên nảy ra ý định đi học võ những mong có ngày quay trở lại dạy cho lũ côn đồ một bài học. Nghĩ là làm. Sau ngày mất của cha không lâu, Tuyên bỏ học, trốn nhà đi tầm sư học võ. Hành trang mang theo chính là những bài thuốc Nam gia truyền của mẹ.
Tuyên đi khắp nơi trong vùng chữa bệnh, vừa kiếm ăn, vừa thiết lập quan hệ xã hội, vừa tìm thầy học võ. Đến đâu, nghe thấy có võ sư giỏi là Tuyên tìm đến xin học. Tuyên học đủ các môn phái, từ võ Bình Định, Nhất Nam, võ tổng hợp đến Thiếu Lâm, Vịnh Xuân…
Sau 5 năm khổ luyện, nắm bắt và kết hợp những tinh hoa của các môn phái, lượng sức mình đã đủ lông đủ cánh, Tuyên trở về làng, tìm những kẻ đã chèn ép, gây hấn với gia đình anh để trừng trị. Không dừng lại ở đó, Tuyên nghênh ngang đi khắp làng trên xóm dưới, hễ gặp kẻ nào ra oai là đánh, xưng hùng xưng bá là đánh. Thậm chí, kẻ nào trông ngứa mắt cũng đánh. Đánh không cần biết lý do.
Đầu làng có quán rượu. Đám thanh niên hút sách, rượu chè, cờ bạc, hư hỏng hay tụ tập. Ngày ngày, Tuyên thường ra ngồi nhậu ở đó. Tuyên cứ mình trần, dép lê, ngồi vắt vẻo suốt từ sáng đến tối. Tên nào nói, làm điều chướng tai gai mắt là Tuyên đánh. Tuyên đánh toàn đòn hiểm khiến kẻ trúng đòn đứa thì ngất, kẻ thì lăn lê bò toài.
Ai cũng khiếp sợ Tuyên đến độ nhìn thấy Tuyên từ xa là tránh. Một dạo chị chủ quán, hễ thấy Tuyên bước vào là chắp tay lạy: "Con lạy bố! Bố đi quán khác cho con nhờ". Chỉ một thời gian ngắn, Tuyên trở nên khét tiếng khắp vùng.
Tuyên mê đánh đấm. Tuyên thích uống rượu. Và Tuyên nghiện đánh xóc đĩa lúc nào không hay. Tối nào Tuyên cũng đi chơi. Nửa đêm gần sáng mới về. Lần nào về cũng thấy mẹ ngồi đợi cửa. Lần nào bà cũng buông thõng một câu nửa giận hờn, trách móc, nửa uất ức, bất lực: "Sao anh không chơi thêm lúc nữa. Trời vẫn chưa sáng mà". Kệ. Tuyên chẳng thèm bận tâm. Anh leo lên giường ngủ. Hôm sau dậy, lại đi chơi tiếp.
"Cờ bạc là bác thằng bần". Tuyên bán hết tài sản. Tuyên cắm xe máy đang đi. Tuyên lừa mẹ bán cả đôi bông tai – của hồi môn duy nhất của mẹ. Lợn mẹ nuôi chưa kịp xuất chuồng, Tuyên cũng bán. Uất ức, khổ đau, bất lực, mẹ gào lên: "Cả đời tôi ăn ở hiền lành. Sao tôi lại đẻ ra ma, ra quỷ thế này hả giời?".
Cho đến một đêm, mẹ quỳ trước mặt Tuyên, van xin: "Tuyên ơi! Bố mẹ đẻ cố mãi mới được mày. Mày cứ ăn chơi đàng điếm, cờ bạc rượu chè, đánh đấm gây thù chuốc oán thế này, sớm muộn gì mày cũng bị người ta giết chết thôi. Cái nhà này thành tuyệt tự. Thôi! Mày không thương mẹ thì thương lấy bố mày. Chịu khó lấy vợ đẻ con để còn duy trì nòi giống".
23 tuổi, Tuyên cưới vợ, một cô gái thôn quê chân chất ở làng bên. Mẹ và các chị gái góp tiền giúp Tuyên mở quán Karaoke, bi-a ở ngay giữa trung tâm làng. Nhưng cuộc sống gia đình ở chốn quê khiến Tuyên thấy ngột ngạt, tù túng, bức bí. Thế là để mặc vợ con cho mẹ già, Tuyên bỏ nhà đi bụi.
Tuyên lang bạt xuống Hạ Long, rồi lên Móng Cái. Tuyên làm đủ nghề để sống. Từ buôn than thổ phỉ, chăn dắt gái mại dâm, bảo kê cho các quán nhậu, mở vũ trường… Vẫn thói ngang tàng, đến đâu, gặp kẻ nào vỗ ngực xưng tên là Tuyên nện. Tuyên không ngán đụng độ với cả những tay giang hồ khét tiếng Quảng Ninh.
Càng đánh nhiều, Tuyên càng lỳ đòn, các ngón đòn càng độc. Không ăn được Tuyên trong những trận đánh vỗ mặt, nhiều tay chuyển sang đánh lén. Có lần, Tuyên bị nhóm 7 tên đánh úp. Dao, mác chém tứ phía. Tuyên vừa đánh, vừa né, vừa chạy. Máu chảy tóe loe. Hàng chục vết sẹo trắng nhởn trên cằm, trên cổ tay, ở lưng, ở hông… là dấu ấn của những trận đánh kinh hoàng ấy.
Vùng vẫy ở Quảng Ninh một thời gian dài cũng thấy chán, Tuyên quyết định hành tẩu lên Hà Nội để thỏa chí giang hồ. Anh sớm kéo bè, kết đảng với những tay anh chị khét tiếng. Ngày "đóng quân" làm ăn ở đất Thụy Khuê (Tây Hồ), đêm Tuyên lên khu vực chợ Đồng Xuân ăn nhậu, quậy phá.
Đầu đội mũ cối, chân đi dép đúc cao su, vận áo bay, quần thụng… Tuyên đi nghênh ngang khắp phố kiếm chuyện gây gổ, đánh nhau khiến người dân buôn bán ở đây ai cũng ngán ngẩm. Đêm khuya, sau khi uống hết cả lít rượu, gặm hết cả con gà, Tuyên lượn ra bờ Hồ. Cứ thấy đôi trai gái nào ngồi tình tự, ôm ấp bên ghế đá là Tuyên ra cà khịa. Túm tóc kéo hai mái đầu ra hai bên, Tuyên ghé sát mặt đỏ phừng sặc mùi rượu vào từng người, quát: "Chúng mày hôn nhau thế mà không thấy thối mồm à?". Ai chống cự là Tuyên lẳng xuống hồ.
Chân tay vẫn chưa hết ngứa ngáy, Tuyên mò đến những quán mát xa, cà phê đèn mờ quậy phá. Cho đến một ngày hè năm 2006, Tuyên nhận được tin sét đánh: mẹ bị ung thư gan giai đoạn cuối. Bệnh viện trả về chờ chết.
Tuyên tức tốc chạy về nhà. Thấy cảnh mẹ già nằm thoi thóp trên giường trong căn nhà trống hoác, trong Tuyên bỗng trào dâng một niềm thương vô hạn. Trước khi mất, mẹ nắm tay vợ Tuyên trăn trối: “Con ơi! Mẹ biết con làm con dâu mẹ là khổ cả đời. Mẹ mất, thằng Tuyên càng ít về. Nhưng con đừng bỏ đi con nhé. Hãy cố gắng chăm sóc, nuôi nấng các cháu của mẹ nên người”.
Tuyên bỗng bật khóc nức nở. Khóc như mưa như gió. Một nỗi buồn thương, ân hận, dày vò, cắn xé trào dâng trong lòng. Trời ơi! Tuyên đã làm mẹ cả đời đau khổ. Cả một đời mẹ chỉ lo âu, sợ hãi, buồn đau, khóc lóc, không có lấy một ngày hạnh phúc, vui sướng. Không! Tuyên không thể trượt mãi theo cái dốc của sự ăn chơi sa đọa. Tuyên phải làm lại cuộc đời để chuộc tội với mẹ.
Ngày chịu tang mẹ, Tuyên xuống tóc, phát tâm ăn chay trường. Suốt 49 ngày anh tụng kinh, niệm Phật, cầu nguyện linh hồn mẹ siêu sinh miền cực lạc. Tổ chức lễ thất tuần cho mẹ xong, anh lên đường tìm thầy học đạo những mong giải quyết khổ đau trong tâm.
Anh đi khắp Bắc chí Nam, nếm trải nhiều pháp tu. Song anh vẫn thấy tâm mình bất an. Những cơn sân hận, si mê vẫn làm tâm anh điên đảo. Anh bỗng hoài nghi các thầy tu, pháp tu, thậm chí hoài nghi cả đạo Phật. Đúng lúc đang hoang mang nhất thì nhờ duyên lành, anh được diện kiến một vị hòa thượng.
Đó là hòa thượng Thích Thông Lạc. Anh đã hỏi thầy rất nhiều câu hỏi: Đức Phật Thích Ca là ai? Ngài có phải là vị thần linh có muôn vàn phép thuật? Làm thế nào để diệt trừ được tham, sân, si? Hòa Thượng Thích Thông Lạc, đã giải đáp từng câu hỏi của anh. Nhờ đó, anh hiểu, Đức Phật không phải là đấng thần linh tối thượng có phép thuật muôn màu có thể ban phúc, giáng họa. Ngài là một người bình thường như chúng ta nhưng nhờ công phu tu tập mà ngài có trí tuệ và lòng từ bi lớn. Vì thế, ngài có rất ít khổ đau.
Hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại không phải do ai ban tặng mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu, ý. Đó chính là nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt.
Nhờ thầy giảng, anh mới hiểu, tu là sửa. Sửa ở đây là sửa 3 nghiệp thân, khẩu, ý làm sao để mỗi lời nói, hành động, ý nghĩ không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sinh. Muốn diệt sân, phải thực hành nhìn sâu. Sở dĩ người ta có những lời nói, hành động không dễ thương ấy là bởi họ không được nuôi dưỡng bởi nguồn sữa của hiểu biết, thương yêu. Họ ngu si, vô minh. Vì vậy, họ đáng thương hơn đáng trách. Hãy tha thứ cho họ.
Nếu tâm tham nổi lên, phép đối trị là quán chiếu về vô thường. Đời là vô thường, sinh ra nay còn mai mất. Đến hai bàn tay trắng. Chết ra đi cũng hai bàn tay trắng, không mang theo được gì. Không có gì là của mình. Cái thân này cũng không phải của mình. Mình bảo nó không già nhưng nó vẫn già. Mình bảo nó không bệnh nó vẫn bệnh. Mình bảo nó không chết nó vẫn chết. Không có gì của mình thì sao mình tham? Lấy cái tri kiến đó để giải quyết tâm tham.
Còn tâm si, si mê, ham muốn thì lấy "thiểu dục tri túc". Biết đủ. Ăn thế là đủ, ngủ thế là đủ, mặc thế là đủ. Biết đủ thì mình là người giàu nhất thế gian. Và mình không còn ham muốn nữa.
Có thể nói, cuộc gặp gỡ với Hòa thượng Thích Thông Lạc là bước ngoặt lớn nhất trong đời Tuyên. Giống như người bao năm đi trong khu rừng mù mịt sương giăng không biết đường đi lối về, nay, mặt trời lên xua tan màn sương dày đặc, anh nhìn mọi sự, mọi vật rõ hơn.
Nhờ tu tập, anh hiểu, một trong những thứ quan trọng nhất mà anh cần tích lũy, bồi đắp hàng ngày, đó là trí tuệ, tuệ giác. Bởi có trí tuệ sáng suốt, anh sẽ không có những định kiến, tà kiến, không có những hành động, lời nói, quyết định sai lầm. Từ cổ chí kim, biết bao bi kịch lớn nhỏ xảy ra chỉ vì chúng ta không có trí tuệ sáng suốt, bị màn vô minh che lấp.
Anh cũng hiểu, điều quan trọng hơn nữa mà anh cần bồi đắp hàng ngày, đó chính là tình yêu thương. Có trái tim đầy ắp tình yêu thương, anh sẽ không hờn trách, oán giận, không bon chen, đố kỵ, hận thù. Anh sẽ dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với mọi người.
Nhờ tu tập theo đúng chánh pháp, phát triển được trí tuệ và lòng từ bi mà sau này, Hoàng Văn Tuyên dễ dàng chuyển hóa được những nỗi khổ, niềm đau, bước qua được những sóng gió.
Năm 2010, con trai lớn của anh bị chết đuối do cứu bạn. Nhận được tin dữ, trong lòng anh cũng rất đau buồn. Nhưng nhờ hàng ngày quán chiếu về vô thường, vô ngã, không sinh, không diệt, về thập nhị nhân duyên mà anh không bị niềm đau quật ngã.
Ôm xác con trai lần cuối, không khóc lóc, kêu gào, anh ghé tai con thì thầm: "Cảm ơn con đã đủ duyên làm con của ba kiếp này. Giờ, duyên hết, con ra đi thanh thản nhé. Ba sẽ hết lòng yểm trợ cho con". Ai chứng kiến cảnh ấy cũng thấy ngạc nhiên, thấy lạ lùng.
Những ngày đầu mở Nhà hàng chay An Lạc, một số băng nhóm không biết quá khứ khét tiếng của Tuyên, đã đến đòi bảo kê. Tuyên từ tốn giảng giải. Trải nghiệm cuộc đời và lòng từ bi đủ để anh lấy sự tử tế chuyển hóa những cái đầu nóng và nắm đấm.
Chính hành trình "quay đầu lại là bờ" ấy của Tuyên đã lay động, thức tỉnh nhiều "anh em xã hội" khác. Noi gương theo Tuyên, nhiều "anh chị" đã buông tay, gác kiếm, sống theo con đường thiện lương.
Cựu Đại tá công an Lã Ngọc Tỉnh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, người đã chứng kiến nhiều "chiến tích" bất hảo trong quá khứ của Tuyên bảo: "Khi còn ở Quảng Ninh, Tuyên là tay giang hồ khét tiếng đánh người. Giờ gặp Tuyên, tôi thấy sự thay đổi hoàn toàn, một con người hiền lành. Cái hay là Tuyên và vợ mình gieo duyên đó cho nhiều người khác để họ cũng thay đổi tốt lên như vậy".
Tuyên cười bảo: "Mọi người thường nói có tâm lắm. Nhưng hỏi tâm là gì thì chẳng mấy người biết. Tuyên nghĩ, ai nói tôi sống có tâm chưa đủ. Tôi sống thiện tâm mới đủ. Tâm tốt thường nằm ẩn sâu bên trong con người, gặp tình huống đặc biệt nó mới phát ra. Ai cũng có cái tâm tốt, tâm xấu. Tuyên mong mọi người đến đây ăn uống, trò chuyện để đưa cái tâm ra bàn nhìn nhận. Tâm xấu thì mình diệt nó đi, tâm tốt thì phát triển nó lên. Bớt khổ đau chừng nào sẽ có thêm hạnh phúc chừng đó".