"Cơn đau đầu" về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc

Hoài Giang |

Hôm 20/10, Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì để bảo vệ an ninh quốc gia. Theo Reuters, đây được xem là nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng.

Để có được một góc nhìn khác đa dạng hơn về chủ đề này, chúng tôi xin được lược dịch bài viết "Than chì nguyên chất, nỗi lo tiềm ẩn đằng sau vị trí số 1 thế giới" được tờ Sohu của Trung Quốc đăng tải ít giờ trước.

Vì sao than chì lại quan trọng?

Là dạng thù hình quan trọng của carbon, than chì cũng là tinh thể chuyển tiếp giữa tinh thể nguyên tử, tinh thể kim loại và tinh thể phân tử và điều này khiến chúng có nhiều tính chất đặc biệt.

Chúng bao gồm khả năng chịu nhiệt cao, chống sốc nhiệt, dẫn điện, bôi trơn, ổn định hóa học và dẻo. Chính vì vậy chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như năng lượng mới, luyện kim, chế tạo máy móc, hóa chất và điện.

Không chỉ có tính chất chung của khoáng sản phi kim mà than chì còn có một số tính chất của kim loại và nhựa hữu cơ và do vậy nó đã trở thành tài nguyên chiến lược trong công nghiệp - bao gồm cả công nghệ hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Than chì có thể được chia thành than chì tự nhiên và nhân tạo. Dù đều có cấu trúc, tính chất lý hóa tương tự nhau nhưng ứng dụng của chúng rất khác nhau.

Cơn đau đầu về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trữ lượng than chì tự nhiên của Trung Quốc hiện đứng thứ 3 thế giới.

Than chì tự nhiên đến từ các mỏ và là một món quà từ thiên nhiên, trong khi than chì nhân tạo là vật liệu nhân tạo thu được bằng cách cacbon hóa chất hữu cơ và sau đó than chì hóa nó ở nhiệt độ cao

Than chì tự nhiên có thể được sử dụng trong vật liệu chịu lửa , phụ gia bôi trơn và các lĩnh vực khác còn than chì nhân tạo có khả năng chống ăn mòn, dẫn nhiệt tốt và độ thấm thấp và một số đặc tính khác nên nó có lợi thế rõ ràng trong sản xuất cực dương của pin lithium.

Các ứng dụng của than chì tự nhiên và nhân tạo có sự chồng chéo nhất định và chúng cũng cạnh tranh với nhau.

Trữ lượng chỉ 16% nhưng Trung Quốc đang dẫn đầu về sản lượng

Than chì cũng là nguồn tài nguyên chủ chốt của Trung Quốc. Theo dữ liệu của USGS, trữ lượng than chì đã được chứng minh của Trung Quốc vào năm 2022 vào khoảng 52 triệu tấn , chiếm 16% trữ lượng đã được chứng minh của thế giới , chỉ đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.

So với trữ lượng, sản lượng than chì của Trung Quốc thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 65% sản lượng toàn cầu vượt xa tất cả các đối thủ.

Trong số đó, khoảng 24% là than chì tinh thể kín và 76% là than chì vảy. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu hầu hết than chì hình cầu trên thế giới.

Có thể nói trong lĩnh vực than chì tự nhiên, Trung Quốc hiện đang đóng vai trò then chốt . Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với vấn đề "khai thác hộ người khác, chất lượng thấp và đầu vào cao".

Cơn đau đầu về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc - Ảnh 2.

Sản lượng than chì của Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới.

"Gió đông" của xe điện đã thổi bay than chì

Là một vật liệu cổ xưa, từ lâu con người đã sử dụng than chì để làm sơn, mực. Vào thế kỷ 18, khả năng dẫn điện và chống ăn mòn tuyệt vời đã đưa than chì vào thứ cho tới nay vẫn được sử dụng rộng rãi và đó là các điện cực.

Năm 2004, hai nhà khoa học đến từ Đại học Manchester là Andre Geim và Konstantin Novoslovov đã thu được Graphen (hay graphene là tấm phẳng dày bằng một lớp nguyên tử tinh thể carbon hình tổ ong) bằng cách "xé" chúng ra khỏi than chì.

Graphen sở hữu có các đặc tính quang, điện và cơ học tuyệt vời. Do triển vọng ứng dụng trong khoa học vật liệu, xử lý micro-nano, năng lượng, y sinh và sản xuất thuốc, nó được coi là vật chất cách mạng - một vật liệu có thể thay đổi thế giới.

Sự bùng nổ của xe điện cũng đã làm tăng đáng kể nhu cầu về cực dương than chì.

Đầu năm 2022, giá than chì cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, "ngày vui ngắn chẳng tày gang" khi tốc độ tăng trưởng của ngành vật liệu cực dương pin lithium đã chững lại trong nửa đầu năm 2023.

Giá than chì đã trở lại mức trước khi tăng. Tuy nhiên, mặc dù giá than chì đã giảm ở một mức độ nhất định, nhu cầu về than chì ở hạ nguồn vẫn ổn định và tiếp tục tăng.

Cơn đau đầu về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc - Ảnh 3.

Giá điện cực than chì từ 3/2022 tới 8/2023 (Nhân dân tệ/tấn).

"Khai thác không có lỗi, lỗi là ở bán quá rẻ"

Với sự phát triển của công nghệ, vị trí chiến lược của than chì tự nhiên sẽ nhận được nhiều sự chú ý.

Năm 2010, Liên minh châu Âu (EU) liệt than chì vào danh mục 14 nguồn tài nguyên khoáng sản có thể bị thiếu hụt. Năm 2013, Mỹ liệt than chì vào danh mục khoáng sản chiến lược khó có được.

Năm 2016, Trung Quốc đưa than chì tinh thể vào danh mục khoáng sản chiến lược. Có vẻ như đến lúc này nhiều người Trung Quốc mới nhận thức được vị thế bất cân xứng - một mặt trữ lượng than chì chỉ ở vị trí thứ 3 thế giới nhưng sản lượng của Trung Quốc lại chiến hơn 1 nửa.

Mặt khác, nhiều nước phát triển cũng có trữ lượng than chì dồi dào nhưng họ lại chọn cách không sản xuất.

Tuy nhiên, tôi (cây viết Trung Quốc) tin rằng bản thân việc khai thác than chì không có lỗi.

Đầu tiên đó là vì trữ lượng than chì của Trung Quốc thực sự rất dồi dào, dựa trên những gì đã biết, chúng có thể đủ cho khai thác trong 60 năm tới - và đó là chưa kể tới những mỏ có thể được phát hiện trong tương lai.

Cơn đau đầu về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc - Ảnh 4.

Bản đồ phân bố khoáng sản than chì toàn cầu.

Thứ hai, mặc dù có sự khác biệt giữa than chì tự nhiên và nhân tạo nhưng chúng vẫn có thể thay thế cho nhau trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp.

Thứ ba, trên hầu khắp các châu lục vẫn còn một lượng lớn trữ lượng than chì chưa được khám phá và chúng có thể hơn gấp đôi trữ lượng đã được chứng minh. Tuy nhiên việc "bán rẻ - mua đắt" lại là điều khó chấp nhận.

Giá khai báo xuất khẩu thấp nhất của các sản phẩm than chì sơ cấp là dưới 3.000 Nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng) cho 1 tấn.

Trong khi đó giá khai báo nhập khẩu than chì đặc biệt cao cấp (đã qua chế biến sâu) đạt khoảng 100.000 đô la Mỹ (2,4 tỷ đồng) 1 tấn.

Lý do cho điều này là vì ngành công nghiệp chế biến than chì của Trung Quốc còn yếu. Ngoại trừ một số khu vực có chuỗi công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, các nơi khác hầu hết đều bán than chì dưới dạng quặng thô, đem lại giá trị gia tăng rất thấp.

Cơn đau đầu về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc - Ảnh 5.

Hình minh họa (Nhân dân Nhật báo Trung Quốc).

Ngược lại nước ngoài có thể nhập khẩu than chì tự nhiên của Trung Quốc, xử lý và bán ngược lại với lợi nhuận gấp hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần.

Không những vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, đào xới bừa bãi, sử dụng lượng lớn hóa chất dẫn đến ô nhiễm lớn.

Chặng đường dài phía trước

Điều đáng tiếc là tuy Trung Quốc là quốc gia có lượng xuất khẩu than chì lớn nhất nhưng cũng là quốc gia có lượng nhập khẩu than chì cao cấp lớn nhất.

Mặc dù trong một số chế phẩm như than chì đẳng tĩnh, người Trung Quốc đã phá vỡ sự độc quyền của nước ngoài nhưng nhiều lĩnh vực cao cấp (bao gồm cả hàng không, vũ trụ và hạt nhân) vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và việc thay thế bằng sản phẩm trong nước rất khó khăn.

Nhưng tôi (cây viết Trung Quốc) vẫn tin rằng việc khai thác và xuất khẩu than chì để kiếm ngoại tệ không có gì sai.

Tuy nhiên, việc sản xuất than chì phải được quản lý từ góc độ nguồn lực chiến lược, phải tăng cường đổi mới và tiến bộ khoa học công nghệ và phải chú trọng phát triển bền vững.

Cơn đau đầu về vị thế số 1 thế giới và lệnh hạn chế xuất than chì của Trung Quốc - Ảnh 7.

Hình minh họa (Nguồn: Reuters).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại