Sau khi kết hôn, vợ chồng cô Trương sống cùng bố mẹ chồng. Một gia đình đoàn viên, đầm ấm gần đây vì một bản thỏa thuận mà bắt đầu trở nên náo loạn.
Để có thể nhanh chóng giải quyết tranh chấp, người phụ nữ trẻ quyết định gọi điện thoại đến đường dây nóng của đoàn luật sư Lý Hủy – một đoàn luật sư uy tín tại Trung Quốc, nhằm tư vấn các vấn đề luật pháp liên quan.
Nguyên văn sự việc được cô Trương thuật lại như sau:
"Tôi và chồng quen biết nhau nhờ mai mối, sau khi qua lại vài tháng thì đăng ký kết hôn. Sau khi cưới, chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng.
Chồng tôi là con một, gánh trọng trách nối dõi tông đường. Ban đầu, tôi thường tìm cách tránh né quẩn quanh để làm bố mẹ chồng hài lòng nhưng về sau, tôi quyết định nói thẳng với họ về ý định chưa muốn có con ngay.
Tôi cùng chồng và bố mẹ chồng cũng đã ký một bản thỏa thuận với nội dung: Sau 3 năm sẽ sinh cháu nội cho ông bà, nếu không sẽ bồi thường cho họ 1 triệu NDT (ương đương khoảng 3,5 tỉ đồng).
Thời gian trôi nhanh, thoáng cái đã hết 3 năm. Công việc của tôi cũng ngày một bận đến nỗi quên luôn thỏa thuận ngày trước.
Không ngờ, bố mẹ chồng đã lấy thứ đó ra yêu cầu tôi bồi thường. Hành vi của ông bà không chỉ phá vỡ quan hệ gia đình mà còn làm tổn thương rất lớn đến tình cảm giữa tôi và chồng. Vậy tôi muốn tư vấn:
Bản thỏa thuận tôi ký khi xưa có hiệu lực không? Hiện tại tôi có nhất định phải làm tròn trách nhiệm sinh con cho nhà chồng?"
Vì những bất đồng trong việc sinh con, cháu nối dõi, gia đình cô Trương đã làm một việc gây tranh cãi, gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong nhà. Ảnh minh họa.
Trước tình huống éo le này, đoàn luật sư cho hay, căn cứ theo "Luật bảo vệ lợi ích phụ nữ", phụ nữ có quyền sinh con theo quy định có liên quan do nhà nước ban hành, đồng thời cũng có quyền tự do quyết định không sinh con theo ý muốn.
Luật pháp Trung Quốc cũng quy định, ngay cả khi người chồng kiện vợ ra tòa, đòi bồi thường tổn thất do vợ tự ý quyết định không sinh con, tòa án cũng không ủng hộ. Quyền lợi tuyệt đối về việc sinh hay không sinh con của phụ nữ, không một ai có thể xâm phạm.
Do đó trong trường hợp này, cô Trương hoàn toàn có quyết tự quyết định về việc sinh con cũng như thời gian sinh con.
Ngoài ra, luật pháp cũng quy định, thỏa thuận do các bên đương sự ký kết với nhau cũng không thể đi ngược lại quy định của pháp luật.
Vì vậy, bản thỏa thuận giữa cô Trương và chồng, bố mẹ chồng không được luật pháp chấp nhận nếu chưa muốn nói những nội dung trong bản thỏa thuận đó là phạm pháp, xâm phạm quyền tự do sinh nở của con dâu.
Theo đó, người phụ nữ này không có nghĩa vụ phải trả tiền bồi thường như các bên đã thỏa thuận.
Cũng nhân sự việc này, đoàn luật sư Lý Hủy đã khuyến cáo người dân, phụ nữ dù được bảo vệ quyền lợi trong các quyết định sinh hoặc không sinh con, tuy nhiên, giữa vợ chồng và bố mẹ chồng không nên lấy việc này ra để ràng buộc lẫn nhau.
Mọi việc liên quan đến quyết định sinh con của người phụ nữ, nên giải quyết, thỏa thuận trên góc độ tình cảm, thông cảm và bao dung.