Ngày 17-8, Bộ Công Thương chính thức công bố kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty CP Con Cưng (chuỗi siêu thị Con Cưng).
Mắc lỗi nhỏ…
Theo đó, về cơ bản, doanh nghiệp (DN) đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và xuất xứ của hàng hóa.
Cơ quan chức năng gồm nhiều lực lượng đã đồng loạt kiểm tra hệ thống cửa hàng Con Cưng, tạm giữ hàng chục ngàn đơn vị sản phẩm Ảnh: NGUYỄN HẢI
Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, qua việc kiểm tra của các chi cục QLTT đã phát hiện một số hành vi DN không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, công ty có vi phạm về nhãn hàng hóa, vi phạm về khuyến mãi và cuối cùng là vi phạm quy định về thương mãi điện tử với hoạt động của website bán hàng www.concung.com.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục QLTT và các chi cục QLTT xử lý theo quy định của pháp luật với các vi phạm hành chính của Con Cưng. DN phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện; tiếp tục rà soát việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động kinh doanh của DN, báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng.
Chiều cùng ngày, đại diện Con Cưng cho biết chưa nhận được quyết định chính thức từ Bộ Công Thương. Tuy nhiên, DN này cho rằng đây là hầu hết những lỗi đã được đoàn kiểm tra thông tin trước đó, chủ yếu là những thiếu sót trong quá trình vận hành, người phụ trách thiếu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, chưa cập nhật kịp thời các chính sách, quản lý của nhà nước.
Để tránh những sai phạm trên, Con Cưng sẽ tiếp tục xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ từ các công đoạn nhập hàng, lưu kho, xuất bán tốt hơn, chặt chẽ hơn.
… Thiệt hại lớn
Tuy kết luận cuối cùng, QLTT khẳng định những lỗi vi phạm của Con Cưng không lớn, chủ yếu là vi phạm hành chính nhưng trong suốt quá trình kiểm tra, DN này cho biết đã chịu rất nhiều áp lực từ khách hàng, cơ quan quản lý và cả phía truyền thông. Lượng khách hàng đến hệ thống Con Cưng mua sắm giảm đến 20% so với trước "khủng hoảng".
Trước đó, Con Cưng đã nhiều lần khẳng định DN không gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả hoặc hàng nhập lậu. Những gì khách hàng khiếu nại cũng như QLTT kiểm tra phát hiện chỉ là những sơ sót trong quá trình vận hành.
Trong bức "tâm thư" gửi tới Bộ Công Thương, Con Cưng nhấn mạnh là DN Việt Nam, công ty luôn đặt mục tiêu phát triển thương hiệu Việt, cung cấp sản phẩm có thương hiệu tốt đến các mẹ và em bé. Do những thiệt hại không thể kể hết mà DN này hơn một lần bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương sớm có kết luận để yên tâm làm ăn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận sự việc lần này với Con Cưng là rủi ro rất lớn cho DN. "Tôi cho rằng cách hành xử của cơ quan chức năng chưa thận trọng.
Tương tự như trường hợp công dân chưa bị coi là tội phạm khi chưa có bản án của tòa thì ở đây DN phải được bảo đảm nguyên tắc mặc định vô tội trước khi có kết luận vi phạm" - ông Tuấn nêu ý kiến và cho rằng cơ quan nhà nước khi thực thi công vụ cần phải có trình tự thủ tục nghiêm ngặt để tránh gây tổn thương cho DN.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra chính những phát ngôn, tuyên bố của một vài cán bộ, công chức thuộc lực lượng QLTT đã gây ra tâm lý mặc định DN vi phạm pháp luật. Điều này thể hiện cán bộ nhà nước đã làm việc với một quy trình chưa thận trọng, chưa khách quan. Việc này ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến doanh số, uy tín, thương hiệu của DN. "DN muốn bảo vệ quyền lợi, phục hồi thanh danh cho mình sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Có DN không biết còn "sống" nổi để tự bảo vệ quyền lợi cho mình sau những vụ việc thế này không? Về nguyên tắc, nếu bị gây thiệt hại thì DN có quyền được kiện lại cơ quan nhà nước" - ông Tuấn khẳng định.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị các nhà đầu tư nước ngoài xâm lấn mạnh mẽ, đặc biệt là nhà đầu tư Thái Lan. DN nội vốn yếu ớt, thiếu sức cạnh tranh và ít được bảo vệ trong "cuộc chiến" với "cá mập" ngoại.
Nếu vẫn tái diễn các tình huống thanh - kiểm tra gây khó hoặc làm tổn thương như vậy thì DN trong nước không thể ngóc đầu dậy được.
"Cần tìm mọi cách ủng hộ, giữ được thị phần chuỗi bán lẻ của Việt Nam, cũng là cách mở ra con đường cho DN Việt, là yêu cầu chính đáng để bảo vệ sản xuất. Những hành vi gây tổn hại cho DN cần phải được loại bỏ.
Đơn cử, với việc cán bộ QLTT đã phát biểu công khai về việc DN sai phạm nghiêm trọng, cần phải có cải chính, nói lại cho rõ và xin lỗi DN nếu cần thiết. Đặc biệt, với những dấu hiệu vi phạm chỉ mang tính nghi ngờ thì tuyệt đối không công bố công khai trước khi xác minh cụ thể" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Kiểm tra là bình thường!
Trong khi các chuyên gia tỏ ra bức xúc khi DN bị thiệt hại cả về mặt vật chất lẫn uy tín thì bản thân cán bộ QLTT vẫn tỏ thái độ "đứng ngoài".
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Cục QLTT - Bộ Công Thương nói: "Con Cưng phải cảm ơn QLTT khi đã giúp chỉ ra lỗi của họ để họ tốt hơn. Phải coi việc kiểm tra là bình thường, không thể coi là "đánh đập", "soi mói" DN. DN đang làm ăn tốt có thể cũng phải kiểm tra. Từ đơn khiếu nại mà báo chí nói thì kiểm tra cũng là hoạt động bình thường".
Còn phía người tiêu dùng, ông Trương Đình Công Vĩnh, người khiếu nại vụ Con Cưng, cho biết vẫn đang nóng lòng chờ văn bản chính thức từ Bộ Công Thương để biết cụ thể đúng sai như thế nào.
"Nếu có văn bản giải thích rõ ràng vụ việc chứng minh không có vấn đề gì, xem như kết thúc. Trường hợp giải thích không thuyết phục, tôi sẽ tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề này" - ông Vĩnh cho biết.