Lời dẫn: ĐT Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ dưới chính sách trẻ hóa đội hình của HLV Troussier. Những ngôi sao thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam mới ngày nào còn liên tục chinh chiến, gặt hái thành công với HLV Park Hang-seo thì nay người chấn thương, người ngồi nhà, người ngồi ghế dự bị và chỉ một số nhỏ thi đấu cho vị tướng mới.
Chuyện gì đã xảy ra với thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam?
"Con át chủ bài" bị lãng quên
Khoảng 6 năm trước, Phan Văn Đức là cái tên từng hành quân sang Thường Châu dự giải U23 châu Á theo diện "vé vớt". Ban đầu, tiền đạo này không hề có tên trong danh sách triệu tập của HLV Park Hang-seo nhưng lại nằm trong số vài cầu thủ được gọi bổ sung muộn nhất.
Quyết định của HLV Park là đúng. Từ băng ghế dự bị, tiền đạo người Nghệ An trở thành một ngôi sao sáng của U23 Việt Nam với những khoảnh khắc thay đổi cục diện trận đấu. Dưới sự chỉ đạo chiến thuật của HLV Park, Phan Văn Đức có thể chơi tốt ở nhiều vị trí khác nhau, từ trung phong, tiền đạo cánh, tiền vệ cánh hoặc tiền vệ trung tâm.
Chính Văn Đức là người đã kiến tạo cho Công Phượng ghi bàn vào lưới Iraq ở tứ kết, sau đó tỏa sáng với cú xoay người, dứt điểm cực nhanh vào lưới của đội bóng Tây Á ở phút 108, có đóng góp quan trọng giúp U23 Việt Nam thắng nghẹt thở Iraq trên chấm luân lưu.
Sau hành trình đáng nhớ tại Thường Châu, Văn Đức tiếp tục ghi dấu ấn ở Asiad 2018 và sau đó trở thành nhân tố chủ chốt ở ĐTQG. Tại kỳ AFF Cup 2018, Văn Đức có đóng góp nổi bật giúp toàn đội thẳng tiến tới chức vô địch, trong đó có bàn thắng cực kỳ đáng nhớ, là pha "xâu kim" thủ môn Philippines ấn định chiến thắng cho tuyển Việt Nam ở bán kết lượt đi. Với khả năng tạo đột biến trên hàng công, Phan Văn Đức luôn là sự lựa chọn hàng đầu với HLV Park Hang-seo.
Thế nhưng, sự nghiệp đỉnh cao của Phan Văn Đức lại sớm nở tối tàn. Anh không thể duy trì phong độ ổn định, từng bị giới chuyên môn đánh giá là xuống dốc không phanh. Thậm chí, cầu thủ này từng trải qua quãng thời gian gần 3 năm không thể ghi bàn ở ĐTQG.
Theo thống kê ở vòng loại World Cup 2022, Văn Đức ra sân 8 trận, trong đó 6 trận đá chính. Tiền vệ sinh năm 1996 không có được bàn thắng hay đường kiến tạo nào. Ngay cả một số tuyển thủ Việt Nam như Tấn Trường, hậu vệ Xuân Mạnh, trung vệ Duy Mạnh, tiền đạo Tiến Linh và nhiều tuyển thủ Việt Nam khác cũng phải dành lời động viên và chúc Văn Đức sớm lấy lại phong độ.
Đánh giá về phong độ tụt dốc không phanh của Văn Đức, HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh cho biết: "Văn Đức là cầu thủ thường xuyên được HLV Park Hang-seo sử dụng, ở U23 Việt Nam lẫn tuyển Việt Nam. Văn Đức có vai trò quan trọng trong lối chơi mà ông Park xây dựng. Tuy nhiên thời gian qua tất cả đã thấy Văn Đức không đáp lại sự kỳ vọng của HLV Park, khi chơi mờ nhạt, hay mắc sai lầm, đỉnh điểm là ở trận gặp Nhật Bản (ở lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022)".
Ngoài việc đánh rơi phong độ, Phan Văn Đức còn một số lần gặp phải chấn thương, trong đó có 2 lần từng đứt dây chằng phải nghỉ dài hạn. Cho đến nay, "con át chủ bài" ngày nào của HLV Park Hang-seo vẫn chưa được đá trận nào ở ĐTQG kể từ khi HLV Troussier lên nắm quyền.
Với tuổi 27 – giai đoạn vốn ở độ chín nhất của sự nghiệp, Phan Văn Đức dường như đang trở thành cái tên dần bị quên lãng khi người ta nhắc đến tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier.
"Đá tảng" cũng… "vỡ"
So với Phan Văn Đức, vai trò của trung vệ Trần Đình Trọng ở tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo còn lớn hơn. Anh từng là trung vệ xuất sắc, được ví như "hòn đá tảng" trong sơ đồ chiến thuật vốn rất ưu tiên cho hệ thống phòng ngự của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Không sở hữu lợi thế về mặt thể hình (chỉ cao 1m74), Trần Đình Trọng vẫn với nhãn quan chiến thuật sắc bén từng được ví von là "chuyên gia săn Tây", khi vô hiệu hóa không ít chân sút ngoại binh tên tuổi ở giải quốc nội, hay phong tỏa tiền đạo đối phương khi khoác áo ĐTQG.
Thế nhưng, Đình Trọng lại rất mẫn cảm với chấn thương nặng. Những chấn thương dai dẳng cùng việc nghỉ thi đấu quá lâu ảnh hưởng lớn tới những bước chạy hay các động tác cản phá của trung vệ người Hà Nội.
Hồi đầu năm 2023, trung vệ sinh năm 1997 bị đứt dây chằng đầu gối phải, tổn thương sụn chêm. Chấn thương này khiến anh dần đi vào quên lãng khi bỏ lỡ cả mùa giải V-League 2023 với Bình Định và tất nhiên không có đóng góp gì cho ĐTQG dưới thời HLV Troussier.
Các mùa giải gần đây thì Đình Trọng chỉ ra sân rất ít. Ở cấp đội tuyển, Đình Trọng đá trận gần nhất cho Việt Nam là khi thắng Trung Quốc 3-1 ngày 1/2/2022 tại Mỹ Đình, thuộc vòng loại ba World Cup 2022, tức là đã cách đây ngót 2 năm.
Hồi cuối tháng 12/2023, Đình Trọng đã trở lại sau chấn thương. Người hâm mộ kỳ vọng anh sẽ được HLV Troussier điền tên vào danh sách dự Asian Cup. Song, rốt cuộc trung vệ 26 tuổi lại không được ông thầy người Pháp lựa chọn.
Nếu để tìm ra những cầu thủ rơi phong độ hoặc đánh mất vai trò ở ĐTQG sau thời HLV Park thì Đình Trọng là nhân tố nổi bật trong số đó.
"Nỗi hàm oan" của HLV Troussier
Hồi giữa năm ngoái, HLV Troussier từng có phát biểu gây chú ý rằng: "Quang Hải không xứng lên đội tuyển, nếu xét tiêu chí phong độ hay số trận thi đấu. Công Phượng cũng vậy, bên cạnh một số cầu thủ được thi đấu nhiều ở V-League nhưng phong độ và thể hiện chưa tốt".
Bất chấp sự "không xứng" ấy, ông Troussier vẫn triệu tập Quang Hải, Công Phượng để khích lệ họ sau quãng thời gian không như ý ở nước ngoài.
Mới đây nhất, sau khi tuyển Việt Nam bị loại sớm khỏi Asian Cup, HLV Troussier phải hứng chịu búa rìu dư luận. Nhiều ý kiến chỉ trích rằng ông đã không trọng dụng những "cựu công thần" dưới thời HLV Park mà dùng hầu hết những nhân tố mới. Một bộ phận không nhỏ người hâm mộ đã đăng đàn công kích ông thầy người Pháp, cho rằng ông sai lầm trong cách dùng người.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Thực tế, ngay cả khi ông Troussier muốn dùng nhiều cựu công thần thời HLV Park thì điều đó cũng không hề dễ dàng khi mà những Phan Văn Đức, Đình Trọng, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu… đều không còn là chính mình vì nhiều lý do khác nhau, trước cả khi ông Troussier nắm tuyển Việt Nam.
Trong một chương trình truyền hình, BLV Long Vũ và BLV Quang Tùng đều cho rằng nhiều trụ cột thời HLV Park xuống phong độ quá nhanh và chính điều này đã làm khó HLV Troussier. Ngay tới một ngôi sao từng nhiều lần chói sáng như Quang Hải dường như cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Ngay từ AFF Cup 2022, Quang Hải đã thi đấu dưới mức kỳ vọng sau quãng thời gian dài phải dự bị ở Pau FC. Đến giải đấu mới nhất là Asian Cup, dấu ấn duy nhất mà tiền vệ này để lại trên đất Qatar là bàn thắng vào lưới Iraq nhưng xem ra chừng đó vẫn là quá ít ỏi so với những gì mà người hâm mộ đã kỳ vọng vào anh.
Cách đây không lâu, một tờ báo Thái Lan đã phân tích về lý do tuyển Việt Nam thất bại ở Asian Cup 2023. Nguyên nhân quan trọng nằm ở trình độ hạn chế của cầu thủ Việt Nam.
Tờ báo này cho rằng dưới thời HLV Park, tuyển Việt Nam chơi nhấn mạnh vào thể lực, điều mà giới phân tích cho là không bền lâu. Các HLV khác không phải lúc nào cũng có thể ra lệnh cho các cầu thủ "chạy và chạy" như vậy. Điều đó đã đúng khi HLV Troussier lên cầm quân.
Phải chăng, lứa công thần cũ dường như đã bị vắt kiệt sức lực, bào mòn năng lượng sau nhiều thành công ở nhiều giải đấu khác nhau dưới thời HLV Park? Việc Đình Trọng, Văn Hậu, Văn Đức… liên tục chấn thương nặng liệu có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Phải chăng, HLV Troussier đã chịu "nỗi hàm oan" sau những lời chỉ trích là "ganh tỵ, đố kỵ, bảo thủ, phủ nhận hết lịch sử…" đến từ một ông bầu nổi tiếng của bóng đá Việt?
Và phải chăng, thay vì phải giương mặt hứng chịu nhứng "cú đòn" giận dữ và những lời chỉ trích, ông Troussier xứng đáng nhận những lời đánh giá công tâm hơn từ người hâm mộ?