"Con cóc Churchill" - Xe tăng phá mìn FV3902

ĐTN |

Những đứa con tinh thần của Tổng Tư lệnh Percival Hobart là các xe tăng với nhiều sửa đổi độc đáo nhằm đối phó lại mìn và công sự phòng thủ bờ biển mà quân Đồng minh phải đối mặt.

Ý tưởng về xe tăng phá mìn xuất hiện vào năm 1942 bởi một sĩ quan Nam Phi có tên là Abraham du Toit, chiếc đầu tiên được chế tạo theo kiểu này là Matilda Scorpion. 

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 1.

Xe tăng phá mìn Matilda Scorpion

Chiếc xe tăng phá mìn này được trang bị một trống quay lớn gắn nhiều sợi xích xung quanh. Khi chiếc trống quay ở tốc độ cao, những sợi xích sẽ đập xuống mặt đất với lực tác động lớn, khiến đất bị văng ra ngoài, bất cứ quả mìn nào bị đánh trúng sẽ nổ tung tại chỗ. 

Bộ trống quay trang bị trên xe tăng Sherman Crab nổi tiếng đã được đưa vào hoạt động trên bãi biển Normandy để đi dọn mìn cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 2.

Xe tăng phá mìn Sherman Crab

The Mighty Toad - "Con cóc quyền năng"

Sau Chiến tranh thế giới II, vào những năm 1950, đã có kế hoạch chế tạo một phiên bản trang bị trống quay phá mìn sử dụng khung gầm chiếc FV200 Universal Tank. Tuy nhiên do sự hủy bỏ toàn bộ dự án FV200, các nhà thiết kế phải chuyển sang một khung gầm cũ khác.

Đầu thập niên 1950, chiếc A22 Churchill đã bị lãng quên trong vai trò của một xe tăng chiến đấu, mặc dù nó đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trong Chiến tranh Triều Tiên. Dòng xe tăng này với bộ giáp nặng và tốc độ thấp đã trở thành ứng cử viên hoàn hảo cho chiếc xe mới, mạnh mẽ nhất. 

Ba công ty riêng biệt chịu trách nhiệm sản xuất "Con cóc". Công ty Cơ khí Distington của Cumberland lo thiết kế, Công ty TNHH Robinson và Kershaw của Dunkinfield tiến hành cải tạo các khung gầm hiện có và chế tạo cấu trúc thượng tầng mới. Phân xưởng Bristish Railway tại Horwich ở Lancashire được ký hợp đồng cho việc chế tạo trống quay. 

Cùng nhau, họ đã cho xuất xưởng 42 chiếc "Con cóc" để phục vụ trong các đơn vị cơ giới bọc thép hạng nặng của Công binh Hoàng Gia. Một số xe tăng Mk.VII Churchill cũng được chấp nhận chuyển đổi thành "Con cóc" và đã trải qua quá trình hoán cải lớn.

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 3.

Xe tăng phá mìn FV3902 "Churchill Toad"

Trống quay phá mìn có tốc độ nhanh nhất phương Tây

Trống quay phá mìn vẫn là thiết bị mạnh mẽ nhất từng gắn trên chiếc xe. Được trang bị cho "Con cóc", nó đòi hỏi phải có "trái tim" riêng - động cơ Rolls-Royce M120 Meteor. Động cơ này trước đây được sử dụng trên xe tăng Crusader và Cromwell, có công suất 650 mã lực, mạnh mẽ hơn loại 350 mã lực Bedford của Churchill. 

Meteor được lắp giữa thân xe, ở phía sau buồng giáp lớn, tạo thành cấu trúc thượng tầng của xe tăng. Động cơ không có ống xả mà khí thải sẽ thoát qua nóc chiếc xe. Một người chỉ có thể tưởng tượng những tiếng ồn này khi ở trong khoang xe.

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 4.

Trống quay phá mìn của FV3902

Động cơ Rolls-Royce sẽ tăng tốc độ của trống quay đến 150 vòng/phút, khi chiếc xe tăng tiến với vận tốc khoảng 5 dặm/giờ. Bộ lắp trống quay được hỗ trợ khi ở vị trí hoạt động bởi những con lăn nặng nề, hai bộ cân bằng lò xo cuộn lớn gắn hai bên hông xe giúp giữ giàn lắp trống quay ở mức không đổi. 

Các dây xích bố trí xung quanh trống quay dài khoảng 1½ mét, đầu mỗi sợi xích lắp một quả bóng làm bằng thép nặng 2½ lb (1,13 kg) để giúp tăng lực phá mìn.

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 5.

Trống quay phá mìn của FV3902 khi ở trạng thái hành quân

Kíp chiến đấu của FV3902 chỉ có 2 người bao gồm lái xe và chỉ huy, họ ngồi an toàn trong khoang bọc thép dày 140 mm (5,5 inch), được bảo vệ khỏi mọi vụ nổ mìn hoặc các đường đập sai. 

Gầm xe tăng đã được tăng cường nhiều sau khi thử nghiệm với các vụ nổ mìn trực tiếp. Chỗ ngồi của lái xe được nâng lên đáng kể từ vị trí ban đầu, giúp tăng khả năng quan sát. Các mô hình sau đó còn được bổ sung một tấm ván kéo dài trên mặt trước, điều này có tác dụng giảm lượng mảnh vỡ bắn vào đầu "Con cóc".

"Con cóc Churchill" còn có hệ thống đánh dấu bằng cờ đặc biệt, đặt trong hộp lớn phía sau xe. Hộp này chứa 59 cột đánh dấu trên một dây xích. Dây xích được điều khiển từ bánh truyền động bên trái, chúng sẽ tự động phân phát một cột đánh dấu trên mỗi 50 feet (15,24 m), được đẩy bởi liều phóng rỗng có kích thước 0,303 cỡ nòng. 

Liều phóng bắn xuống đất, sau đó lá cờ giơ lên và bung ra. Các cột cờ được sơn màu đỏ và vàng, lái xe có thể chọn bên trái, phải hoặc cả hai bên nếu hai người làm việc cùng nhau, chẳng hạn như một chiếc xe chạy bên trái và một chiếc bên phải. 

Đây là tính năng quan trọng đối với thiết bị phá mìn vì nó sẽ hiển thị lộ trình an toàn cho bất cứ đoàn quân nào đi qua. Ngoài các ống phóng lựu đạn khói nằm giữa thượng tầng, xe tăng không có bất kỳ vũ khí phòng thủ nào.

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 6.

Hệ thống đánh dấu bằng cờ nằm hai bên đuôi xe

Số phận của những "Con cóc Churchill" ngày nay

Tổng cộng có 42 chiếc FV3902 được sản xuất trong giai đoạn 1954 - 1956. Bao gồm 2 nguyên mẫu, 6 thiết kế tạm thời và 34 chế phẩm hoàn thiện. 

Những "Con cóc Churchill" được gửi đến các đơn vị Công binh Hoàng gia, nhưng lại không có cơ hội để triển khai trên chiến trường trong tình huống chiến đấu, thay vào đó, nó đã được sử dụng trong các bài tập huấn luyện. "Con cóc" chính là phiên bản cuối cùng của dòng xe tăng Churchill phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Anh.

Đối với công việc làm sạch bãi mìn, dĩa cày và con lăn đã trở thành phương pháp linh hoạt hơn, trong nhiều trường hợp không đòi hỏi phải sử dụng một chiếc xe cụ thể, thay vào đó có khả năng gắn trên nhiều loại xe bọc thép. 

Tuy nhiên kiểu thiết kế cũ vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, nhưng chủ yếu là trong các hoạt động nhân đạo như xóa bỏ mìn từ những cuộc xung đột vũ trang.

Chỉ còn lại duy nhất một "Con cóc Churchill" tồn tại tới ngày hôm nay với tên gọi là "4A". Trong nhiều năm, nó nằm ở vô số căn cứ quân sự cho đến khi mục nát. Giữa năm 2006 và 2008, Dịch vụ RR ở Kent, Anh đã bắt đầu quá trình khôi phục lại. 

Chiếc xe hoạt động tốt đã ra mắt vào ngày 16/5/2008 và trình diễn trước khán giả. Như một biện pháp phòng ngừa an toàn, dây xích được rút ngắn và trống quay chỉ chạy ở tốc độ một nửa. Sau đó nó được trao cho Jacques Littlefield - một bộ sưu tập xe bọc thép Littlefield nổi tiếng ở California, Hoa Kỳ.

"Con cóc" nằm trong đội hình Littlefield cho đến khi được bán đấu giá vào thứ Bảy, ngày 12/7/ 2014. Sau đó nó được mua lại với giá 80.500 USD bởi Bảo tàng Thiết giáp và Pháo binh Australia, nơi đang trưng bày.

Con cóc Churchill - Xe tăng phá mìn FV3902 - Ảnh 7.

Chiếc FV3902 cuối cùng còn hoạt động được

Thông số kỹ thuật cơ bản của xe tăng phá mìn FV3902

Chiều dài: 9,38 m; Chiều rộng: 4,01 m; Chiều cao: 3,2 m; Trọng lượng: 54 tấn.

Động cơ di chuyển: động cơ xăng V6 Bedford, công suất 350 mã lực ở vòng tua máy 2.200 vòng/phút.

Động cơ quay trống: Rolls-Royce M120 Meteor, công suất 650 mã lực ở vòng tua máy 2.400 vòng/ phút.

Giáp dày: Mặt trước: 140 mm; hai bên hông: 95 mm.

"Con cóc Churchill" - Xe tăng phá mìn FV3902

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại