Trang và con trai của mình đang điều trị ở BV K cơ sở 3
Bỏ viện mua thuốc lang băm
Trang quê ở Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Cuộc sống hàng ngày của mẹ con Trang vốn trôi qua rất nhẹ nhàng. Chồng đi làm xa còn Trang ở nhà bán đồ ăn chín, con trai Trang đi học ở trường mầm non.
Khi Trang biết mình có thêm một đứa con nữa sắp chào đời thì cũng là lúc con trai lớn của Trang đối diện với bệnh ung thư.
Trang kể, từ khi sinh ra, Bảo Long rất gầy và lười ăn. Gần 4 tuổi cháu chỉ được 14,5 kg. So với bạn bè, Bảo Long gầy hơn nhưng được cái ít ốm vặt.
Từ đầu năm đến khi phát hiện bệnh, cháu thường xuyên bị sốt nên mỗi lần con sốt Trang lại cho đi viện. Bác sĩ thường chẩn đoán sốt vi rút và nằm viện vài ngày lại về.
Đến tháng 7, cháu sốt liên miên, nằm viện liền 10 ngày. Lúc thì bác sĩ chẩn đoán sốt vi rút, lúc thì bác sĩ chẩn đoán viêm amidan.
Nằm viện hơn 10 ngày trời nhưng cháu vẫn sốt cao không cắt được cơn sốt. Trang đưa con lên Bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra, lúc này bác sĩ chẩn đoán ung thư nguyên bào thần kinh, khối u đã được 8cm và 5 cm.
Tại Bệnh viện Nhi, Trang kể, em và con mất gần 1 tháng trời để chờ kết quả cuối cùng là ung thư.
Lúc đó, Bảo Long đã gầy và yếu nên trong lúc chờ truyền hoá chất, Trang đưa con về quê với hi vọng cho con thoải mái hơn, ăn được nhiều hơn.
2 tuần ở quê, mọi người mách thuốc này, thuốc kia. Thương con nên Trang nhờ người quen lấy thuốc hết gần 7 triệu đồng.
Thuốc đắp tiêu u rồi uống. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày cháu bé bụng chướng to, khó thở, không ăn uống gì nên gia đình vội vàng đưa cháu lên bệnh viện K trung ương “cầu cứu bác sĩ”.
Lúc đó, cháu bé đã da xanh vàng như nghệ, gầy chỉ còn da bọc xương, bụng to như cái trống, khối u quá to vượt quá đầu dò của máy siêu âm nên không đo được kích cỡ. Tiên lượng tử vong cận kề.
Vượt qua cửa tử
Khi được bác sĩ đưa vào Bệnh viện K điều trị, cháu Bảo Long được truyền dinh dưỡng và đến ngày 10/10 bác sĩ quyết định truyền hoá chất cho cháu bé.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương cho biết, trường hợp của cháu Long các bác sĩ cũng rất dè dặt bởi bệnh quá nặng.
Tuy nhiên trong trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ điều trị theo cách để có thể kéo dài được sự sống cho bé.
Nhưng trong ngày đầu truyền hoá chất, cháu bất ngờ hôn mê do suy đa tạng, tắc mật, suy hô hấp, người phù toàn thân. Tiên lượng tử vong rất gần. Bố mẹ cháu bé còn nghĩ chắc không cứu được con.
TS Hương cho biết “chúng tôi đã phải cân não rất nhiều và cả đêm bác sĩ điều trị trực tiếp cho cháu cùng các điều dưỡng túc trực bên cạnh”.
Điều kỳ diệu đã đến khi cháu bất ngờ đi đại tiện được rồi liên tục đi tiểu, đến sáng ngày hôm sau cháu đã bỏ được máy thở, tự thở.
Buổi chiều cháu đã có thể ngồi chơi và nói chuyện được. Đến tối cháu đòi ăn cháo và ăn dưa hấu. Điều này đến bác sĩ và gia đình cũng không ngờ được.
Anh Thuỷ, bố của cháu, mừng run lên vì điều kỳ diệu đã đến với con trai mình.
Còn Trang, nỗi đau vì gián tiếp khiến bệnh của con trở nên nguy kịch khi cho con sử dụng thuốc nam khiến con bị biến chứng, luôn hiện hữu trong đầu của cô. Lúc nào Trang cũng ân hận nhưng không dám nói với ai.
Chỉ đến khi con bước qua được ranh giới của cái chết, cất lời nói bi bô với bố mẹ như những ngày trước, Trang mừng rơi nước mắt.
Bảo Long hợp với hoá chất, trong khi truyền hoá chất cháu ít sốt, ăn được, ngủ được, không quấy bố mẹ như bé khác.
Nhìn đứa con khôi ngô, kháu khỉnh, Trang chỉ mong con có thể điều trị thành công kéo dài thêm thời gian ở bên cạnh bố mẹ.
Với cô đó là cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. “Nếu con em mà có mệnh hệ gì, em day dứt suốt đời vì vô tình cướp đi thời gian vàng điều trị cho cháu để cháu bị suy gan, suy thận, tắc mật vì thuốc không rõ nguồn gốc”.
TS Hương cho biết Bảo Long sẽ truyền 7 đợt hoá chất và đã hoàn thành xong đợt 1, hiện cháu đáp ứng hoá chất tốt, tình hình sức khoẻ so với ngày vào viện đã khá hơn rất nhiều.
Thời gian tới, Bảo Long có thể về nhà nghỉ ngơi rồi lại vào truyền hoá chất tiếp.