Trẻ bị bỏng nước sôi là một trong những tai nạn phổ biến tại nhà mà nhiều cha mẹ sợ nhất.
Trẻ bị bỏng nước sôi là một sự cố đáng lo ngại, cần phải xử lý ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, khi trẻ được sơ cứu kịp thời, vết bỏng sẽ không trở nên nghiêm trọng và không để lại sẹo.
Có một người mẹ ở Trung Quốc kể lại rằng, cô nhiều lần dặn mẹ mình phải để nước sôi tránh xa tầm tay của bọn trẻ. Không ngờ vào một ngày, bà ngoại vừa đặt cốc nước trên bàn, con trai cô thấy khói bốc lên nên rất tò mò. Cậu bé lấy ghế để trèo lên xem cốc nước, không ngờ chiếc cốc bị đổ, làm nước sôi văng lên chân.
Người mẹ đang thu dọn đồ đạc trong phòng, chợt nghe thấy con khóc lớn liền vội chạy ra ngoài. Khi thấy cốc nước đang bốc khói, còn tất của con ướt sũng, cô chợt hiểu ra nguyên nhân.
Lúc này, bố và bà ngoại cũng chạy ra ngoài xem có chuyện gì. Người mẹ bồng con vào toilet xả nước lên chân con. Thấy con đau đớn, người bố nói: "Sao còn bế vào toilet làm gì, mau đưa con tới bệnh viện. Con bị bỏng nước sôi cần phải tới bác sĩ ngay".
Tuy nhiên, người mẹ vẫn bình tĩnh nói với chồng rằng, mình làm theo lời khuyên của một bác sĩ phẫu thuật. Ông ấy nói khi trẻ bị bỏng nước sôi, có 120 giây vàng để sơ cứu. Trong thời gian này không cần phải đưa con tới bệnh viện mà cần phải làm mát vết bỏng trước. Nếu xử lý vết bỏng trong thời gian này, khả năng để lại sẹo rất thấp. Bác sĩ còn nói việc xả nước lạnh vào vết bỏng sẽ giúp làm giảm nhiệt độ.
Bố và bà ngoại nhìn người mẹ kiên trì ôm con, xả nước lạnh vào chân con nên đành miễn cưỡng chấp nhận, còn nói những lời rất khó chịu. Người mẹ không quan tâm, liên tục xả nước vào chân con suốt 20 phút rồi dùng kéo cắt tất để kiểm tra vết bỏng. May mắn chỉ có 1 vết phồng rộp ở chân. Sau đó, người mẹ dùng 1 miếng gạc sạch quấn tạm chân con rồi mới đưa tới bệnh viện kiểm tra.
Quá trình từ lúc xảy ra tai nạn cho tới khi đứa trẻ được đưa tới bệnh viện vỏn vẹn 1 tiếng. Khi đứa trẻ được đưa vào phòng cấp cứu, trong lúc bác sĩ đang kiểm tra vết bỏng của đứa trẻ, người bố còn nói: "Tôi đã bảo với vợ là phải tới bệnh viện ngay khi con bị bỏng nhưng cô ấy cứ ở nhà xả nước lạnh vào chân con, không biết việc này có làm chậm trễ việc sơ cứu không".
Bác sĩ nhìn vào vết thương rồi nói: "Vết bỏng không quá nghiêm trọng, sẽ không để lại sẹo".
Sau đó, bác sĩ nhìn người bố rồi nói nghiêm túc: "May mắn là người mẹ đã sơ cứu kịp thời ở nhà. Khi trẻ bị bỏng nước sôi, nước sẽ thấm vào lớp hạ bì dưới da, gây bỏng, phồng rộp. Việc xả nước lạnh lên trên vùng da bị bỏng sẽ làm mát da, giúp trẻ bớt đau đớn và ngăn bị bỏng nặng hơn.
Vì vậy, người nhà cần xử lý trước nếu vội vàng đưa trẻ tới bệnh viện sẽ lãng phí thời gian trên đường đi, vết bỏng có thể nặng hơn. Bây giờ bé chỉ bỏng ở mức độ 2, không cần chọc thủng vết phồng rộp, chỉ cần bôi thuốc. Nếu bé không bị sốt, vết thương không sưng đỏ, về cơ bản không có vấn đề lớn".
Nghe tới đây, người bố và bà ngoại thở phào nhẹ nhõm.
Những điều cần chú ý khi trẻ bị bỏng nước sôi
Khi trẻ bị bỏng nước sôi, việc đầu tiên là tìm cách ngừng tiếp xúc của trẻ với nhiệt độ cao và làm mát vùng da bị bỏng. Đặt vùng da bị bỏng dưới nguồn nước lạnh trong khoảng 10-20 phút để làm giảm nhiệt độ và giảm đau. Nếu có thể, hãy bỏ ngay quần áo tiếp xúc với vùng da bị bỏng.
Sau đó, hãy đeo găng tay sạch, che kín vùng bị bỏng bằng băng vải hoặc khăn mềm. Điều này giúp bảo vệ vùng bị tổn thương khỏi nhiễm trùng và giữ ẩm cho vùng bị bỏng.
Không nên sử dụng các loại kem, dầu hoặc bột trên vùng bị bỏng trừ khi có chỉ dẫn từ bác sĩ. Nếu vết bỏng nặng, đặc biệt là nếu vết bỏng lan rộng, hãy đưa trẻ đến bệnh viện hoặc liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức để được cấp cứu và điều trị chuyên nghiệp.
Để tránh trẻ bị bỏng nước sôi, hãy giữ trẻ ra xa nguồn nước nóng, đảm bảo nắp nồi nước luôn được đậy chặt. Đồng thời, hãy giáo dục trẻ về an toàn và nguy hiểm của nước sôi để tránh các sự cố không mong muốn xảy ra trong tương lai.