Cơn bão số 10 xuất hiện vào cuối năm, có bất thường?

ÁI MY |

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đã có những lý giải về cơn bão số 10 (PAPUK) xuất hiện ở Nam Bộ hiện nay.

* Phóng viên: Dù đã rơi vào những ngày cuối năm 2024 nhưng vẫn xuất hiện bão số 10 (PAPUK), ông có thể lý giải về quy luật hình thành của bão và vì sao bão lại xuất hiện tại Nam Bộ vào cuối năm?

- Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ: Diễn biến bão thông thường đến khoảng tháng 11 sẽ kết thúc. Theo quy luật, bão sẽ xuất hiện ở các tỉnh Bắc Bộ, dần xuống Trung Bộ, đến cuối năm tới vùng biển phía Nam và ảnh hưởng các tỉnh Nam Bộ. 

Quy luật hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới như vậy là vì có tới trên 90% các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, dải này hình thành chủ yếu do gió Tín phong Đông Bắc (gió mùa Đông Bắc) gặp gió Tín phong Tây Nam (gió mùa Tây Nam), những tháng 6 và 7..., gió Tây Nam hoạt động mạnh và phát triển lên vĩ độ cao. Đến thời kỳ những tháng cuối năm, gió Tây Nam giảm dần cường độ, nên lùi dần về phía vĩ độ thấp (nơi tâm khởi phát gió tây nam), gió Đông Bắc mạnh dần. 

Cạnh đó, cũng có những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành và phát triển ngay trên biển Đông, không hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới hoặc dải thấp xích đạo, vị trí khởi phát vùng xoáy hoặc vùng nhiễu động, cũng phần nào do diễn biến về nhiệt độ bề mặt nước biển. Khi những tháng mùa hè, khu vực vùng biển phía Bắc có nhiệt độ bề mặt cao, độ ẩm không khí cao sẽ có điều kiện thuận lợi hình thành bão hoặc áp thấp nhiệt đới. 

Cơn bão số 10 xuất hiện vào cuối năm, có bất thường?- Ảnh 1.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ

Khi đến những tháng về cuối năm, do không khí lạnh bắt đầu hoạt động và cường độ mạnh dần, sóng lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam, gây nên làm giảm nhiệt độ không những trên đất liền và trên bề mặt nước biển, nhiệt độ mặt nước biển ở càng vĩ độ cao càng thấp hơn so với vùng biển phía Nam.

Vì vậy, trên vùng biển phía Nam dễ hình thành bão, áp thấp nhiệt đới hơn.

* Bão số 10 hình thành từ đâu, thưa ông?

- Ông Lê Đình Quyết: Cơn bão số 10 hình thành từ vùng nhiễu động trên biển Đông, khi ở vùng biển phía Nam luôn hình thành rãnh áp thấp có trục 4-6N, không khí lạnh luôn khuếch tán sâu xuống phía Nam, tạo nên những nhiễu động, đủ lớn để phát triển thành áp thấp nhiệt đới, sau đó thành bão.

* Cơn bão số 10 xuất hiện ở TP HCM và Nam Bộ thời điểm cuối năm, có bất thường?

- Ông Lê Đình Quyết: Vẫn có những năm bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào những tháng cuối năm. Chẳng hạn, cơn bão Durian (số 9) đầu tháng 12-2006, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP HCM đến Bến Tre; đến năm 2017 cơn bão TemBin hình thành, phát triển và có cường độ mạnh nhất vào ngày 24 và 25 tháng 12, tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền các tỉnh Nam Bộ, nhưng cũng gây gió mạnh, sóng cao trên biển; năm 2018, cơn bão USAGI cũng xuất hiện khá muộn, cuối tháng 11, gây mưa đặc biệt to cho TP HCM.

Như vậy, cơn bão số 10 xuất hiện vào cuối tháng 12 năm nay cũng hợp với quy luật, hoạt động của hoàn lưu khí quyển, không có gì bất thường.

* Cơn bão số 10 có ảnh hưởng đến đất liền TP HCM và Nam Bộ, thưa ông?

- Ông Lê Đình Quyết: Cơn bão này do tác động của không khí lạnh và hoàn lưu áp cao Tây Thái Bình Dương làm cho quỹ đạo di chuyển có sự thay đổi khá lớn, hiện tại, bão di chuyển về hướng đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. 

Tuy nhiên, khả năng cao bão sẽ giảm cấp độ thành áp thấp nhiệt đới sau thành vùng thấp, đến ngày 25-12 sẽ tan trên biển và không ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền.

* Theo ông, những nơi nào bị tác động trực tiếp từ cơn bão và chịu ảnh hưởng như thế nào?

- Ông Lê Đình Quyết: Bão chạy men theo ven bờ nên các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đến TP HCM và có mưa với lượng mưa không lớn nhưng sẽ có gió mạnh, xuất hiện lốc xoáy, gió giật, tàu thuyền trên biển cần hết sức đề phòng.

Ngoài ra, hoàn lưu bão vào sát bờ sẽ kết hợp không khí lạnh có cường dộ khá mạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam, gây nên mưa to hàng trăm mm cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Tây Nguyên. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Trân trọng cảm ơn ông!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại