Serkan Saydam - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ Úc cho rằng việc con người xây dựng sự sống trên sao Hỏa là hoàn toàn có thể trong vài thập kỷ tới. "Tôi tin rằng vào năm 2050, chúng ta sẽ có một thuộc địa của con người trên sao Hỏa” - ông nói.
Tuy nhiên, có một số nhà khoa học đưa ra những ý kiến kém lạc quan hơn. Một nhà thần kinh học đã làm việc với các phi hành gia của NASA nói rằng có vẻ “hơi viển vông” khi mọi người bàn về việc xây khu vực sống trên sao Hỏa.
Trên thực tế, Trung Quốc đang có kế hoạch đưa phi hành gia lên sao Hỏa vào năm 2033. NASA cũng đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên đó vào cuối những năm 2030 hoặc đầu 2040. Sau những mốc sự kiện lịch sử này, con người có thể bắt đầu xây dựng cuộc sống.
Mặc dù sao Hỏa là lựa chọn thực tế nhất cho việc định cư ngoài Trái Đất, điều kiện ở đó lại không phù hợp với con người. Bầu khí quyển của sao Hỏa có hơn 95% là khí CO2, nhiệt độ trung bình là âm 80 độ F (âm 60 độ C). Chắc chắn có nhiều “ngôi nhà” mới phù hợp với con người hơn ở các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời, được gọi là ngoại hành tinh. Tuy nhiên, những khu vực tiềm năng này lại cách Trái Đất rất xa.
Frédéric Marin, nhà vật lý thiên văn lỗ đen nói: “Với công nghệ hiện tại, chúng ta sẽ mất vài chục nghìn năm để tiếp cận được ngoại hành tinh gần nhất. Chúng tôi nhận thấy rằng cứ sau mỗi thế kỷ, vận tốc của phương tiện đẩy lại tăng lên gấp 10 lần”. Marin đã đặt ra kịch bản giả thuyết về việc tiếp cận một ngoại hành tinh thân thiện với con người trong vòng 500 năm. Các mô phỏng của Marin cho thấy rằng khoảng 500 người là dân số khởi đầu phù hợp cho một con tàu thuộc địa nhiều thế hệ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề gặp phải như con cái của phi hành gia sẽ như thế nào khi được sinh ra trong cuộc sống du hành giữa các vì sao và một vài yếu tố đạo đức khác.