Cơn bão đầu tiên sắp vào biển Đông, chuyên gia dự báo mùa bão 2020: Nhiều yếu tố bất lợi

Hoa Hướng Dương |

Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi vùng biển Philippines đang mạnh dần lên thành bão và đang hướng về phía biển Đông.

Áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được hình thành ở ngoài khơi Catanduanes, Philippines có khả năng sẽ mạnh lên thành bão (đầu tiên trong năm nay) khi đi vào Biển Đông tối nay (12/6).

Hồi 01 giờ ngày 12/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 120,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines) và mạnh cấp 7 (giật cấp 9) với sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới là khoảng 50 đến 60 km/h.

Cơn bão đầu tiên sắp vào biển Đông, chuyên gia dự báo mùa bão 2020: Nhiều yếu tố bất lợi - Ảnh 1.

Ảnh: TT KTTV Quốc gia

Bán kính gió mạnh cấp 6 tính từ tâm áp thấp là khoảng 60 km và hiện đang đi về phía Biển Đông theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20km/h. Cấp độ rủi ro thiên tai được dự đoán là ở cấp độ 3.

Nếu mạnh lên thành bão thì áp thấp nhiệt đới này sẽ là cơn bão đầu tiên trong năm đổ bộ vào biển Đông và sẽ được đặt tên quốc tế là Butchoy theo cách đặt tên riêng của Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA).

Ngoài ra áp thấp nhiệt đới này còn có tên là Nuri theo cách đặt tên của Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành Khu vực ở Tokyo, Nhật Bản. Đó là lý do đôi khi 1 cơn bão lại có hai tên gọi khác nhau.

Tại sao cơn bão đầu tiên lại xuất hiện muộn như vậy?

Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2020 được dự báo là một mùa bão muộn thứ 6 trong lịch sử (bắt đầu từ 10/5 khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Vongfong, lưu ý: đây là bão cuồng phong không đi vào khu vực Biển Đông). 

Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Khí tượng Thủy văn ngày 12/5/2020, chuyên gia Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cũng từng cho biết mùa bão thường kéo dài suốt từ tháng 4 đến tháng 12 và đưa ra dự báo:

"...Năm nay, tháng 3 và tháng 4 chưa có cơn bão nào, như vậy là mùa bão sẽ xuất hiện muộn. Dự kiến đến giữa tháng 5 mới có cơn bão đầu tiên ở ngoài khơi đông nam Philippines và không đi vào biển Đông", ông Hải cho biết.

"...Ngoài mùa bão xuất hiện muộn, mùa bão năm nay đang trùng với thời kỳ ENSO trung tính nghiêng về pha lạnh và trước cuối năm có thể chuyển sang La Nina, nên mùa bão có thể nhiều về số lượng, mạnh về cường độ và dồn dập vào cuối mùa từ tháng 10 đến tháng 12".

Như vậy, sự xuất hiện muộn của cơn bão đầu tiên trong năm nay đi vào Biển Đông bắt nguồn từ mùa bão đến muộn trên Tây Bắc Thái Bình Dương và một lý do thực tế là cơn bão đầu tiên - Vongfong hình thành trên khu vực này lại không đi vào Biển Đông.

Sự xuất hiện cơn bão đầu tiên đi vào Biển Đông muộn hơn so với trung bình nhiều năm cũng là điều đã được Cơ quan dự báo khí tượng trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Philippines… dự báo trước.

Theo đó, số lượng bão cùng (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông có tác động trực tiếp tới khu vực đất liền nước ta sẽ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn hoạt động trên khu vực biển Đông và 5 đến 6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đất liền nước ta).

Như vậy, bỏ qua việc cơn bão Vongfong bất ngờ "quẹo" hướng đi ngược lại ra Thái Bình Dương thì nguyên nhân chính dẫn đến việc mùa bão (trên biển Đông) năm nay đến muộn hơn là do mùa bão muộn trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

a. Hiểu về tác động của ENSO tới sự hình thành bão

Việc xuất hiện bão phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của ENSO (từ ghép của El Nino - hiện tượng nóng lên không bình thường và La Nina - hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương).

Hiểu nôm na thì ENSO là hệ quả của tương tác biển – khí quyển và có tác động rất lớn đến việc hình thành bão cũng như tần suất, lượng mưa, nhiệt độ... Hoạt động của ENSO trên khu vực Tây Thái Bình Dương có tác động rất lớn tới khu vực Biển Đông.

Cụ thể, đối với các quốc gia Tây Thái Bình Dương như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào, Australia thì khi El Nino xảy ra thường dẫn đến hiện tượng hạn hán, nắng nóng kéo dài và ngược lại, mưa lớn, ngập lụt khi có La Nina hoạt động.

Nói cách khác, khi xuất hiện El Nino thì vùng biển phía Tây Thái Bình Dương thường lạnh đi bất thường và dẫn đến việc bão ít khó hình thành và xuất hiện hơn. Trái lại, sự xuất hiện của La Nina lại khiến cho khu vực biển Tây Thái Bình Dương ấm lên, bão xuất hiện nhiều hơn.

b. Diễn biến hoạt động ENSO trong năm 2020

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thì trong tháng năm năm 2020, ENSO không hoạt động dẫn đến việc mùa bão năm nay đến muộn hơn và theo dự báo thì 60% khả năng trạng thái ENSO trung tính sẽ vẫn tiếp tục diễn ra vào mùa hè này.

Tuy nhiên năm nay trạng thái khí quyển không ổn định, bão trái mùa có thể xuất hiện do sự thay đổi từ pha El Nino yếu (diễn ra trong nửa đầu năm đến thắng 5/2020) sang trung tính và có thể xuống La Nina (khả năng 40 đến 50 %).

Cơn bão đầu tiên sắp vào biển Đông, chuyên gia dự báo mùa bão 2020: Nhiều yếu tố bất lợi - Ảnh 2.

Dự báo khả năng xảy ra ENSO trong tháng 6 đến tháng 8 năm 2020 của WMO là 60%, khả năng xuất hiện La Nina là 30%. Ảnh: WMO

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng có những dự đoán khá tương đồng với cơ quan NOAA khi cho hay nhiệt độ nước biển trung bình ở trung tâm Thái Bình Dương đang dần lạnh hơn.

Sự thay đổi trạng thái ENSO trung tính trong khoảng tháng 6 đến tháng 8 là 60% với khả năng xuất hiện La Nina sẽ là 30% (tăng 40% vào tháng 9 - 11), còn La Nino là 10%. Điều này cũng lý giải cho việc mùa bão năm nay sẽ đến muộn hơn do sự xuất hiện muộn của La Nina.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, không có bất cứ mô hình máy tính hay thuật toán nào có thể dự đoán chính xác cho cả 1 mùa bão kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12. Mùa bão ở Biển Đông mới chỉ bắt đầu và những diễn biến của nó vẫn còn ở phía trước.

Hơn nữa, WMO vẫn đang cảnh báo xu thế nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu nên càng làm việc dự báo trở nên khó khăn hơn. Năm 2020 có thể sẽ tiếp tục là một năm nóng, với nhiều thiên tai hơn và càng khốc liệt hơn nữa.

Bài viết được dịch từ các nguồn: TT KTTV Quốc gia, Newsinfo, Climate, NOAA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại