'Cơn bão' đang dần thành hình, trật tự thế giới hậu Covid-19 sẽ được quyết định trong 6 tháng tới?

Thu Hương |

Trong bối cảnh các xung đột, căng thẳng đang tăng nhiệt ở khắp mọi nơi, 6 tháng tiếp theo sẽ quyết định bản đồ địa chính trị thế giới có hình dáng ra sao.

Tháng 7/1945, khi chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, lãnh đạo của Mỹ, Vương quốc Anh và Liên Xô đã tụ họp tại cung điện Hoàng gia Prussian ở Potsdam, bên ngoài thủ đô nước Đức để thống nhất về trật tự thế giới mới. Những "hạt mầm" của chiến tranh Lạnh bắt đầu được gieo xuống.

Trong khi những du khách đeo khẩu trang tới tham dự triển lãm kỷ niệm 75 năm ngày diễn ra cuộc hội nghị này, bản đồ địa chính trị thế giới lại một lần nữa được vẽ lại. Lần này, đó là hệ lụy của Covid-19, đại dịch mà Thủ tướng Đức Angela Merkel miêu tả là thách thức lớn nhất của thời kỳ hậu chiến.

Chúng ta đang bước vào nửa sau của 2020 – năm mà đại dịch càn quét thế giới. Các chính phủ phải đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, kéo theo cả khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng thể chế. Tồi tệ hơn nữa, các cuộc khủng hoảng ập đến ở thời điểm các xung đột địa chính trị dâng cao hơn bao giờ hết. Theo Bloomberg, những diễn biến trong 6 tháng tiếp theo sẽ quyết định thế giới thời hậu Covid-19 có hình dáng ra sao.

Những xu hướng vốn đã xuất hiện từ thời điểm trước dịch giờ đang tăng tốc và hiển hiện rõ ràng. Là 1 cường quốc mới trỗi dậy ngoạn mục, cách hành xử của Trung Quốc ngày càng quyết đoán và mạnh mẽ hơn, mới đây đã xảy ra một số mâu thuẫn với nhiều nước từ Canada đến Australia. Trong khi đó, Mỹ - cường quốc vẫn ở vị trí đứng đầu suốt từ hội nghị ở Potsdam đến nay, đang có quá nhiều vấn đề nội bộ cần phải giải quyết khi mà diễn biến dịch bệnh ở đây ngày càng nghiêm trọng, gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

"Rất nhiều vấn đề mang tính cấu trúc trong trật tự quốc tế đang ngày càng hiển hiện rõ ràng hơn", Rory Medcalf, chuyên gia đang công tác tại ĐH Quốc gia Australia nhận xét.

Với quá nhiều áp lực xuất hiện cùng lúc, từ thất bại của người lãnh đạo đến tình trạng thiếu hụt niềm tin trong thời đại thông tin giả tràn lan như hiện nay, "tất cả tạo thành 1 cơn bão hoàn hảo", ông nói. "Chúng ta sắp đối diện với 1 bài kiểm tra lớn: liệu có thể vượt qua 6-18 tháng tới mà không có cuộc khủng hoảng nào nổ ra hay không".

75 năm trước, "ngòi nổ" là xung đột giữa Moscow và Washington với hai hệ tư tưởng hoàn toàn trái ngược. Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Josef Stalin, đã nổi lên từ thế chiến như 1 cường quốc; trong khi cựu Tổng thống Harry Truman trước đó đã phô diễn sức mạnh quân sự và công nghệ của Mỹ bằng cách dội bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Tháng 11 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay giống như "thời kỳ đầu" của 1 cuộc chiến tranh lạnh. Nhà sử học nổi tiếng Niall Ferguson thì cho rằng thế giới thực ra đang ở trong chiến tranh lạnh. Nhận xét này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng kể cả nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ cũng không thể đảo ngược sự xuống dốc của quan hệ Mỹ - Trung.

Đối với Medcalf, tác giả cuốn sách "Indo-Pacific Empire" viết về sự đối đầu chiến lược trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hiện tại vấn đề quan trọng nhất không chỉ là Mỹ phản ứng như thế nào với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà cả chuyện những nước như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và châu Âu chuẩn bị như thế nào để bảo vệ trật tự thế giới.

Hiện nay không hề có diễn đàn nào để tranh luận về hình dáng của thế giới hậu Covid. G7 đang ở trong tình trạng lấp lửng trong khi nước chủ nhà năm nay là Mỹ vẫn đang tranh luận ai nên là thành viên của tổ chức này. Kế hoạch về hội nghị tháng 9 sẽ bao gồm cả các lãnh đạo EU và Trung Quốc đã bị hoãn vô thời hạn.

Liên hợp quốc, tổ chức ra đời năm 1945 với sứ mệnh ngăn chặn những cuộc chiến tranh trong tương lai, ngày càng mờ nhạt. Đầu tháng 7, Nga và Trung Quốc – 2 trong số 5 thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lại bất đồng về vấn đề Syria và khiến 1 nghị quyết đi vào ngõ cụt.

Trong khi đó, Trung Quốc đột ngột mâu thuẫn với nhiều bên: với Australia về nguồn gốc virus corona chủng mới, với Canada về vụ giam giữ "công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu và với Ấn Độ về tranh chấp biên giới. Nhật Bản và EU cũng đang ngày càng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi Covid-19 buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi suy nghĩ về chuỗi cung ứng. Đức và Australia là 2 trong số nhiều nước kích hoạt hoặc thắt chặt các quy định để tự bảo vệ bản thân trước những khoản đầu tư mang nhiều tính toán của Trung Quốc.

Theo William Choong, giáo sư tại Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak (Singapore), 1 cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc giữa Nhật Bản và Trung Quốc hoàn toàn có thể biến thành 1 cuộc xung đột trên diện rộng. Lịch sử cho thấy điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn, mà hội nghị Potsdam chính là ví dụ tiêu biểu.

Chỉ trong 16 ngày, Truman, Stalin và cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã quyết định vận mệnh của nước Đức, tranh cãi về biên giới phía Tây của Ba Lan và đưa ra nhiều quyết định tác động sâu sắc đến cả những nơi xa xôi như Trung Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đến nay đại dịch Covid-19 chưa khiến thế giới thay đổi quá nhiều nhưng đã làm bộc lộ rõ những điểm yếu cả trong trật tự thế giới và trong nội bộ các nước. Và bất cứ chỗ nào có điểm yếu, lỗ hổng, đại dịch càng khoét sâu hơn những lỗ hổng đó.

Cuộc khủng hoảng vẫn đang là nỗi ám ảnh ở khắp mọi nơi. Dịch bệnh càng kéo dài thì có 1 câu hỏi càng trở nên khắc khoải hơn: dân chúng sẽ phản ứng như thế nào với các lệnh phong tỏa lần hai, khi mà kinh tế đã kiệt quệ?

Đối với Rory Medcalf, chuyên gia đang công tác tại ĐH Quốc gia Australia, có thể so sánh thời điểm hiện nay với thời kỳ những năm 1930, tức trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. "Cơn bão đang dần tích tụ, chỉ là chúng ta không biết cơn bão trông sẽ như thế nào hay bão sẽ ập xuống bằng cách nào mà thôi".

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại