Trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia Charlie Gao tại Đại học Grinnell (Mỹ) cho biết, kể từ khi các nước Baltic gia nhập NATO, vùng Kaliningrad của Nga được xem như một điểm nóng chiến lược. Kẹp giữa Lithuania và Ba Lan, đây là một trong những hải cảng lớn của Nga dẫn ra biển Baltic.
Nhờ vị trí địa lý của Kaliningrad, các tên lửa và tàu chiến Nga đóng tại đây có khả năng phong tỏa đáng kể khu vực hoạt động của Mỹ và các lực lượng châu Âu.
Các đơn vị của Nga đóng tại Kaliningrad có khả năng tấn công phủ đầu rất mạnh nhằm vào quân đội Ba Lan và các nước Baltic, cũng như bất kỳ đối tác nào của NATO trong khu vực.
Tên lửa đạn đạo Iskander
Mối đe dọa lớn nhất mà Nga đang đặt tại Kaliningrad là tên lửa đạn đạo Iskander-M. Các nước NATO, bao gồm các quốc gia Baltic và Ba Lan, hiện có rất ít khả năng để đối phó với lực lượng Nga tại đây.
Theo công bố từ Nga, Iskander có tầm bắn hơn 400km. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin nghi ngờ nó có tầm bắn lên tới trên 500km. Iskander có khả năng tấn công tất cả các cơ sở hải quân của Ba Lan trên bờ biển, cũng như bất cứ cơ sở hạ tầng nào của các quốc gia Baltic.
Tên lửa đạn đạo Iskander.
Mặc dù hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 Patriot mà Ba Lan đặt mua có thể làm dịu bớt mối đe dọa này nhưng không rõ nó có được lên kế hoạch để đảm nhiệm vai trò đối phó với Iskander hay không.
Dù chưa đưa ra tuyên bố nào nhưng Patriot hẳn sẽ là một sự lựa chọn khôn ngoan với Ba Lan, bởi nó hiện là hệ thống duy nhất trong khu vực có cơ hội đánh chặn tên lửa Iskander. Những hệ thống cũ hơn, như các phiên bản Newa mà Ba Lan sử dụng chỉ hiệu quả trước máy bay và tên lửa hành trình bay chậm.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang loại bỏ dần các hệ thống tên lửa cũ Tochka-U tại Kaliningrad để nhường chỗ cho Iskander.
Tên lửa hành trình phóng từ trên không
Các tổ hợp Iskander-M có khả năng sẽ được Nga sử dụng kết hợp với những vũ khí khác trong trường hợp tấn công phủ đầu, chẳng hạn như tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) có thể được triển khai từ các máy bay bên trong lãnh thổ Nga.
Hiện không rõ chính xác Nga có bao nhiêu ALCM trong kho vũ khí nhưng chủng loại của chúng rất đa dạng, có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở Ba Lan.
Phổ biến nhất là các biến thể khác nhau của ALCM Kh-55 và Kh-101. Những tên lửa này có thể được triển khai từ nhiều mẫu máy bay, như Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160. Đáng chú ý, đã có thông tin ghi nhận các máy bay Tu-22M3 bay quanh khu vực Baltic, do đó, chúng sẽ là những ứng viên có thể thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào bằng ALCM.
Ngoài ra, do các ALCM này có tầm bắn lên tới hàng nghìn km nên chúng thậm chí không cần phải được triển khai từ các máy bay đóng tại Kaliningrad mới có thể tấn công các mục tiêu NATO ở Ba Lan và Baltic.
Lực lượng tàu chiến
Ngoài ALCM và tên lửa đạn đạo, Nga còn có lực lượng hải quân khá hùng hậu đóng tại Baltic. Mặc dù một số tàu hiện đang trong quá trình nâng cấp hoặc sửa chữa nhưng không thể biết chắc được có bao nhiêu tàu chiến của Nga sẽ ồ ạt được triển khai nếu xảy ra xung đột.
Những tàu chiến chủ lực cho một cuộc tấn công phủ đầu có thể là 2 tàu tên lửa Project 21631 Buyan-M, với tên lửa hành trình Kalibr đã chứng minh khả năng tác chiến ở Syria. Ngoài ra, 2 tàu ngầm lớp Kilo đóng tại Kaliningrad cũng có khả năng triển khai tên lửa Kalibr.
Tàu tên lửa Buyan-M của Hải quân Nga.
Phần còn lại của hạm đội Nga đóng tại Kaliningrad chủ yếu là các chiến hạm chống tàu mặt nước, chống ngầm, tác chiến phòng không. Trong đó Nga tập trung lớn nhất vào tác chiến chống tàu mặt nước.
Nhiệm vụ này được giao phó cho 1 tàu khu trục lớp Sovremenny, 2 khinh hạm lớp Neutrashimy, 4 khinh hạm lớp Steregushchiy, 4 tàu hộ tống lớp Nanushka-III, 7 tàu hộ tống lớp Tarantul-II và Tarantul-III.
Tất cả các tàu này đều được trang bị vũ khí chủ lực là tên lửa chống tàu, từ tên lửa siêu thanh P-270 Moskit cho tới các tên lửa dưới âm Kh-35. Các tàu tên lửa Buyan-M còn được trang bị tên lửa chống tàu P-800 Onyks, có thể giúp tăng cường năng lực chống tàu mặt nước cho hạm đội Nga nếu cần.
Nhiều tàu hộ tống khác cũng được triển khai tại Kaliningrad nhưng chúng không có khả năng phòng không và chống tàu mặt nước mạnh.
Từ những số liệu trên, có thể thấy rõ ràng rằng hạm đội Baltic của Nga đóng tại Kaliningrad mạnh hơn đáng kể so với Hải quân Ba Lan.
Xét tới tàu mặt nước, Hải quân Ba Lan hiện đang triển khai 2 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry (OHP) và 3 tàu tấn công nhanh lớp Orkan. Các tàu lớp OHP trang bị tên lửa chống tàu RGM-84 Harpoon và lớp Orkan trang bị tên lửa RBS-15 của Thụy Điển.
Hải quân Ba Lan còn có 1 tàu ngầm lớp Kilo nhưng nó đang trong quá trình sửa chữa và khó có khả năng trở lại biển sớm.
Cuối cùng, họ còn có 3 tàu ngầm lớp Kobben nhưng chúng được chế tạo từ những năm 1960 và chỉ có vũ khí chủ lực là ngư lôi.
Trong khi đó, Hải quân Lithuania, Latvia, Estonia thì không có năng lực đáng kể khi tác chiến chống tàu mặt nước.
Hệ thống tên lửa bờ
Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P
Khi xét tới khả năng chống tàu từ trên bờ, thì tình cảnh cũng không có gì khả quan hơn với NATO. Ba Lan gần đây đã đặt mua các tên lửa NSM (Naval Strike Missile) hiện đại nhưng Nga đã triển khai tại Kaliningrad tới 3 hệ thống chống tàu tiên tiến phóng từ bờ, gồm K-300 Bastion, P-35 Redut và Bal-E.
Trong số này, Bastion có tầm bắn xa nhất, tối đa 350km. Điều đó có nghĩa Bastion có thể bao phủ hầu hết bờ biển Ba Lan và hơn một nửa khoảng cách từ Kaliningrad tới bờ biển Thụy Điển.
Lực lượng phòng không và không quân hải quân
Lực lượng Không quân Hải quân Nga cũng hiện diện đáng kể tại Kaliningrad, góp phần nâng cao năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) tại đây. Điều này đạt được là nhờ các tên lửa chống tàu triển khai từ máy bay Su-24 và Su-30SM.
Năng lực A2/AD còn được Nga mở rộng lên không trung, với hệ thống S-300 và S-400 được trang bị cho Lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ số 3 đóng tại Kaliningrad. Đơn vị này còn triển khai các hệ thống Tor-M1 và Pantsir với tầm bắn ngắn hơn.
Tất cả những điều này cho thấy Nga đang có trong tay năng lực tác chiến hải quân và A2/AD rất mạnh tại Baltic, chiếm thế thượng phong trước các quốc gia láng giềng.
Quân đội Ba Lan và các nước Baltic không đủ năng lực chiến đấu thực tế để đối phó với bất cứ hệ thống A2/AD nào của Nga trong khu vực.
Mặc dù Ba Lan đang tiếp nhận các tên lửa JSOW, JASSM và JASSM-Ẻ nhưng với số lượng khá nhỏ (78 tên lửa JSOW, khoảng 40 tên lửa JASSM và 70 tên lửa JASSM-ER).
Những vũ khí này chỉ có thể chống lại các mục tiêu tương đối "tĩnh" như Iskander và các hệ thống tên lửa bờ, nhưng chúng cần thu thập thông tin tình báo nâng cao để làm được điều đó.
Để thu thập thông tin tình báo, Ba Lan sẽ phải bộc lộ các tiêm kích F-16 (với số lượng rất hạn chế) trước hệ thống phòng không S-400 của Nga, khiến họ đứng trước nguy cơ thiệt hại lớn.
Trong khi đó, hải quân và không quân hải quân Nga sẽ tiếp tục triển khai các đợt tấn công và cho thấy năng lực A2/AD ấn tượng thông qua việc sử dụng các tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển.
Do không có tên lửa chống tàu phóng từ trên không, Ba Lan và các quốc gia Baltic không thể tạo ra mối đe dọa tương tự đối với hạm đội của Nga.
Bên cạnh đó, các hệ thống phòng không với số lượng hạn chế của họ cũng không thể ngăn chặn Không quân và Không quân hải quân Nga ở một mức độ như Nga có thể đặt ra đối với các hệ thống của Ba Lan và Baltic.
Có thể thấy rằng, trên sân chơi ở Baltic, lợi thế vẫn đang nghiêng rõ rệt về phía Nga.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Charlie Gao
Một cuộc tập trận của Nga tại Kaliningrad