Trong bài viết trên tạp chí National Interest, Wendell Minnich - nhà bình luận chuyên về các vấn đề quân sự và an ninh tại châu Á, cho biết, các bước chuẩn bị của Trung Quốc để áp đặt vũ lực lên Đài Loan đã trở thành tâm điểm trong cuộc họp của một tổ chức tư vấn đặc biệt diễn ra hôm 31/10, do Viện Đề án 2049 (tại Washington) tài trợ.
Không còn là điều không tưởng
Richard Armitage, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viện Đề án 2049, đồng thời là cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho rằng, giờ đây các nhà hoạch định quân sự Đài Loan cần xem xét mối đe dọa mang tên Trung Quốc từ góc độ toàn cảnh hơn, thay vì chỉ nhìn về phía tây, bên kia eo biển Đài Loan.
Trung Quốc có thể không có tàu đổ bộ, nhưng họ có các tàu ro-ro (tàu được thiết kế để chở các loại hàng hóa có bánh xe như ô tô, rơ móc...). Vì thế, theo ông Armitage, viễn cảnh tấn công Đài Loan không còn là điều không tưởng.
"Hoàn toàn có thể nghĩ tới tình huống họ [Trung Quốc] tấn công chớp nhoáng vào sân bay Đài Bắc để thiết lập căn cứ tiền tiêu", ông Armitage nói, "Điều chúng ta đang nói tới không hề dễ chịu, và là một viễn cảnh ác mộng nhưng chúng ta phải nghĩ tới nó và phải nghĩ ra được các phương thức đáp trả".
Đô đốc về hưu Richard Chen của Hải quân Đài Loan cho biết, Đài Loan "đang chịu áp lực khủng khiếp từ phía bên kia [Trung Quốc]".
Radar cảnh báo sớm của Đài Loan trên núi La Sơn cao 2.800 m - Ảnh: defensenews.com
Ông Chen - cựu quan chức quốc phòng Đài Loan - nhận định, quân đội Đài Loan sẽ có 45-30 ngày cảnh báo trước khi Trung Quốc tấn công vào hòn đảo. Song, đó là nếu hệ thống cảnh báo sớm của Đài Loan hoạt động một cách trơn tru mà không gặp phải vấn đề nào.
Hệ thống này cần có đủ khả năng kết hợp chặt chẽ với các cảm biến, xạ thủ, và theo dõi được mọi tên lửa, máy bay, tàu chiến của đối phương.
"Nó phải tạo ra được một bức tranh mạch lạc và chặt chẽ để truyền tới cả 3 quân chủng, giúp giảm mức độ tính toán sai lệch" – ông Chen nói.
Bất cứ sự tính toán sai lệch nào cũng sẽ khiến Đài Loan không đánh bại được đối thủ tại vùng biển ven bờ, và trong trường hợp đó, viễn cảnh ác mộng thực sự sẽ là "chúng ta [Đài Loan] buộc phải tìm cách đánh bại Trung Quốc tại căn cứ tiền tiêu" – ông Chen cho hay.
Tướng về hưu Wallace "Chip" Gregson – lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng "Vị trí địa lý và khoảng cách 177km ngăn cách Trung Quốc với Đài Loan là nhân tố có lợi" cho hòn đảo này, nhưng "một loạt các thách thức mà Đài Loan phải đối mặt đang chực chờ đe dọa".
Lợi thế đang lên của Đài Loan hiện nay là khả năng đánh bại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình bằng một phương thức hiệu quả - tiết kiệm chi phí.
"Tại đó, ‘đạn dược’ của chúng ta sẽ rẻ hơn nhiều so với mục tiêu mà chúng tấn công" – ông Gregson nói, đề cập tới các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo PAC-3 Patriot mà Đài Loan mới triển khai, và hệ thống tên lửa nội địa Tien Kung của hòn đảo này.
Lúc cơn ác mộng bắt đầu...
Song, ông Gregson nhận định, "ngay cả khi được lên kế hoạch hoàn hảo nhất, và được trang bị, cũng như tích hợp các hệ thống phòng thủ bộ-không-biển, vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ giành được một khu vực nào đó tại hòn đảo".
Đây là lúc "cơn ác mộng" bắt đầu. Trong tình huống này, khả năng tác chiến của lực lượng lục quân Đài Loan, dưới sự yểm trợ toàn diện của không quân và hải quân, nhằm cơ động (trong đó có cơ động đổ bộ) và áp sát, phục kích, tiêu diệt đối phương bằng hỏa lực và cận chiến đóng vai trò rất quan trọng.
Richard Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá quốc tế, đã đề cập chi tiết tới nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Đây là nỗ lực mà một số nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đã tuyến bố rằng sẽ giúp Trung Quốc đủ khả năng dùng vũ lực thu hồi Đài Loan vào năm 2020.
Ông Fisher cho biết, năng lực hải vận chủ lực của quân đội Trung Quốc đã được tăng cường, với khả năng vận chuyển 4 sư đoàn (gồm 40.000 binh lính và 800 xe tăng – phụ thuộc vào cấu hình và yêu cầu nhiệm vụ).
Hải quân Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các tàu tấn công đổ bộ, bao gồm 7 tàu dock đổ bộ 70.000 tấn, và 6 tàu đổ bộ chở trực thăng có lượng giãn nước từ 20.000 – 40.000 tấn.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng phương tiện từ các nguồn bên ngoài để vận chuyển thêm 8-12 sư đoàn (tương đương 80.000 – 120.000 lính).
Nước này hiện có 104.000 sà lan tự hành do các công ty thương mại vận hành, nhiều chiếc trong số chúng là kiểu ro-ro. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện này đòi hỏi phải đảm bảo được một bến cảng an toàn trong bối cảnh xung đột.
Về khả năng không vận, quân đội Trung Quốc có kế hoạch chế tạo 400 máy bay vận tải hạng nặng Y-20. Về trực thăng, lực lượng lục quân Trung Quốc hiện có hơn 1.000 chiếc.
Tuy nhiên, ông Fisher cảnh báo rằng một khi Trung Quốc giành được sân bay Taoyuan của Đài Loan thì nước này có thể triển khai tới 3.000 máy bay dân dụng Boeing và Airbus để vận chuyển binh lính và trang thiết bị.
Nếu sử dụng toàn lực, Trung Quốc có thể đưa tới 1,6 triệu người đến Đài Loan mỗi ngày.
Trung Quốc sẽ có 1.500-2.000 máy bay chiến đấu, sẵn sàng cho nhiệm vụ tấn công, vào năm 2020, với các loại chủ lực là Thành Đô J-10, Thẩm Dương J-11 (bản sao của Su-27) và J-16.
Tên lửa Hsiung Feng 3 của Đài Loan. Ảnh: waonews.com
Ông Fisher cảnh báo thêm rằng, "Đạo quân thứ 5" (Fifth column, thuật ngữ chỉ lực lượng phá hoại ngầm từ bên trong, gồm những người hoặc bị Trung Quốc mua chuộc thông qua quyền lực mềm, hoặc có gốc gác Trung Hoa đại lục và trung thành với Bắc Kinh) cũng sẽ là một nhân tố hỗ trợ cho cuộc tấn công.
Song, Đài Loan không phải là không có lựa chọn nào để ứng phó. Họ có thể triển khai các loại vũ khí mới giúp cản bước Trung Quốc tấn công, chẳng hạn như tên lửa chống tàu siêu thanh Hsiung Feng 3, hay tên lửa không-đối-đất Tien Kung 3 và Wan Chien.
Đài Loan cũng đang nâng cấp các tiêm kích F-16 và máy bay chiến đấu nội địa, song song với đó là chế tạo máy bay huấn luyện chiến đấu mới.