Còn 1 tháng nữa là nhận thưởng cuối năm, nhưng tôi nghỉ việc rồi

Như Quỳnh |

Công việc là một cái thang, chỉ là nó chưa chắc đã dẫn bạn leo lên bức tường mà mình muốn.

Tin tức một người chị khóa trên tôi quen ở đại học nghỉ việc, khiến tôi vô cùng bất ngờ.

Chị ấy vốn là một y tá của một bệnh viện ở thành phố, làm việc ở khoa thoải mái nhất trong bệnh viện - lão khoa.

Mặc dù không tốt nghiệp những trường có tiếng, nhưng tiếng anh của chị ấy rất giỏi, khả năng xử lý công việc cũng rất tốt, cả bệnh viện không ai không phục, không ai không biết chị ấy.

Điều đáng khen ngợi nhất là trong đợt thanh tra bệnh viện năm nay, chị ấy đã thức suốt đêm phân loại tất cả các loại tài liệu, sắp xếp tất cả các tài liệu y tế theo các danh mục và trả lời tất cả các câu hỏi mà cơ quan cấp trên đưa ra một cách đầy thuyết phục.

Chị ấy trở thành công thần của bệnh viện sau đợt thanh tra đó, và lập tức được bệnh viện cân nhắc việc thăng chức.

Lãnh đạo nói với chị ấy: "Tháng 2 năm sau y tá trưởng sẽ về hưu, y tá trưởng của khoa này sẽ là em, cuối năm em cũng sẽ được thưởng gấp đôi".

Đối với một người bình thường, cảm xúc của chúng ta có lẽ sẽ là: sung sướng, nhảy nhót, hoan hỉ… Rồi ngồi đó chờ đợi vị trí y tá trưởng cùng với lương thưởng gấp đôi vào dịp cuối năm.

Nhưng, không ai ngờ được rằng, tháng 11 vừa rồi, chị ấy không nói lời nào, nộp đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo cũng rất bất ngờ: "Chức y tá trưởng và lương thưởng em cũng không cần nữa ư?"

Đúng vậy, chị ấy không cần nữa, nói đi là đi.

Còn 1 tháng nữa là nhận thưởng cuối năm, nhưng tôi nghỉ việc rồi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Pinterest

Chị ấy cùng một người bạn khác hiện đang đi du lịch ở Ấn Độ, mục tiêu tiếp theo là tới Nepal xem thiên táng.

Công việc là một cái thang, chỉ là nó chưa chắc đã dẫn bạn leo lên bức tường mà mình muốn.

Những bài viết khích lệ tôi đã đọc không ít, mọi người đều nói, công việc là con đường hiện thực hóa ý nghĩa đời người.

Và tôi cũng đã từng đồng quan điểm như vậy.

Tuy nhiên, một bài nói chuyện trên TED mà tôi đã xem cách đây một thời gian đã thay đổi suy nghĩ của tôi.

Một người đàn ông tên Scott Dinsmore đã có một bài nói chuyện trên TED về trải nghiệm của chính mình. Anh ấy đã từng gia nhập một công ty trong danh sách Fortune 500, không phải vì thích mà chỉ vì muốn có một bản lý lịch đẹp.

Nhưng sau 2 tháng, anh ấy nhận thấy rằng cứ sau 10 giờ sáng là lại có cảm giác muốn đập đầu vào màn hình máy tính.

Warren Buffett đã nói: "Làm việc chỉ vì một bản sơ yếu lý lịch đẹp cũng giống như để dành đời sống tình dục tới già mới dùng vậy".

Những lời nói này đã chạm tới anh. Anh đã từ chức và thông qua nghiên cứu, anh phát hiện ra một sự thật đáng kinh ngạc:

Chỉ 20% số người đam mê công việc của họ và 20% số người này có 3 điểm chung:

1. Hiểu giá trị độc đáo của bản thân, biết rõ hướng đi của riêng mình - tìm thấy những gì bản thân sẵn sàng làm ngay sau khi thức dậy.

2. Biết được lý do để làm công việc này - để thay đổi thế giới hoặc để đạt được thành tựu.

3. Sở hữu trí tuệ cuộc sống khiến bản thân tràn đầy năng lượng - mọi nỗ lực đều là để trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân.

Còn một sự thật mà chúng ta buộc phải đối mặt:

Ngoài 20% vô cùng yêu thích công việc đó ra, 80% những người xung quanh đều không thích công việc hiện tại của mình, nhưng họ vẫn ngày ngày sống trong phàn nàn, mơ hồ, sống kiểu ngày qua ngày.

Còn 1 tháng nữa là nhận thưởng cuối năm, nhưng tôi nghỉ việc rồi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Pinterest

Cũng giống như leo cầu thang vậy, sau khi bạn leo được một nửa, bỗng nhiên phát hiện ra từ chiếc thang này, mình có thể trèo sang cái tường khác, vậy thì bạn sẽ tiếp tục leo hay dừng lại?

Trước tiên, hãy suy nghĩ xem:

Ngày xưa, vì sao bạn chọn trèo lên chiếc thang này?

Nếu đó không phải bức tường mà bạn muốn trèo, vậy càng leo sẽ càng sai lầm.

Một nhà kinh tế học từng nói, mỗi người nên suy nghĩ kỹ về mối quan hệ giữa công việc và bản thân, nó bao gồm danh dự, động lực và ý nghĩa.

Lúc này, biết dừng lại đúng lúc là rất quan trọng.

Lựa chọn đúng phương hướng quan trọng hơn việc mù quáng đi một con đường dù biết nó sai.

Tìm được một việc khiến mình tự nguyện làm rất khó, nhưng tìm một việc mình không muốn làm lại rất dễ.

Quay lại người chị trong câu chuyện phía trên, trong chuyến du lịch của mình, chị ấy mang theo cuốn sách dành cho y tác hành nghề quốc tế.

Cuốn sách ấy dày 4cm, nặng 2.5kg. Chị ấy vừa đi du lịch ngắm cảnh, vừa đọc sách học thêm kiến thức, còn thực hành nói tiếng anh với những khách nước ngoài khác tại Ấn Độ.

Chị ấy đặt ra cho mình một kế hoạch rất rõ ràng: đến bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ để trở thành một y tá hành nghề quốc tế.

Khi bạn chưa biết bản thân thực sự muốn gì, hoặc đã biết bản thân không thích gì, thậm chí tới lúc mà kiên trì dù chỉ một giây thôi cũng không được, vậy thì hãy dừng lại, lắng nghe tiếng nói nội tâm, nhìn nhận lại thật rõ ràng con đường tương lai phía trước, rồi hãy bước tiếp.

Không cần lương thưởng cuối năm, nghỉ việc, không có nghĩa là bốc đồng.

Lãnh đạo nói kế hoạch không hay, bạn mong manh yếu đuối không chấp nhận được, nghỉ việc.

Lãnh đạo nói tăng ca làm cho xong nốt cái PPT, bạn phải hủy mất cuộc gặp với bạn bè, nghỉ việc.

Lãnh đạo nói đi công tác gặp khách hàng, kế hoạch du lịch đổ bể, nghỉ việc.

Nếu bạn đủ năng lực, dù có đi đâu, bạn cũng sẽ luôn được chào đón.

Nhưng nếu bạn nghỉ việc chỉ vì tức giận nhất thời, vậy thì dù có đi tới đâu, bạn cũng vẫn sẽ rơi vào cái bẫy tương tự.

Năng lực luôn luôn là điều kiện tiên quyết, chỉ cần có nó, bạn có thể đi tới mọi nơi mà mình muốn.

Cũng như người chị trong câu chuyện phía trên, biết mình muốn gì, đủ năng lực, có trách nhiệm, không sợ nghỉ việc, càng không quá để tâm tới lương thưởng.

Bởi lẽ những người như chị ấy đều biết: chậm lại, chỉnh đốn lại bản thân, bắt đầu lại… sẽ còn nhiều lương thưởng cuối năm khác đang ở phía trước chờ đợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại