Darlie là thương hiệu kem đánh răng Trung Quốc thuộc tập đoàn Colgate-Palmolive. Người phát ngôn của Colgate-Palmolive cho biết: “Trong hơn 35 năm, chúng tôi đã phát triển nhãn hiệu này, trong đó bao gồm việc thay đổi tên, logo và bao bì. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp cùng đối tác để xem xét lại và thay đổi dần dần mọi khía cạnh của nhãn hiệu, bao gồm cả tên gọi”.
Darlie là một trong những nhãn hiệu kem đánh răng bán chạy nhất tại châu Á. Logo của Darlie dễ nhận biết với người tiêu dùng bởi hình ảnh một người đàn ông màu đen đội mũ cười tươi với hàm răng trắng muốt.
Ban đầu kem đánh răng này có tên gọi Darkie với logo là nam giới có mặt đen. Tên loại kem đánh răng đã thay đổi trong năm 1989 sau khi CEO khi đó của Colgate nhận thấy có tính chất phân biệt chủng tộc. Tên của Darlie khi dịch sang tiếng Trung Quốc là “kem đánh răng ông đen”.
Động thái của Colgate-Palmolive diễn ra ở thời điểm các công ty Mỹ phải thay đổi thương hiệu để tránh rơi vào tình trạng phân biệt chủng tộc. Đã xảy ra biểu tình tại hàng chục thành phố Mỹ phản đối việc công dân da màu George Floyd qua đời ngày 25/5 sau khi bị cảnh sát ghì gối lên cổ trong nhiều phút.
Bánh kếp Aunt Jemima. Ảnh: SCMP
Ngày 17/6, PepsiCo cho biết sẽ thay đổi tên của sản phẩm siro và bánh kếp Aunt Jemima. Sản phẩm hơn 130 năm tuổi này có logo là một người phụ nữ gốc Phi từng xuất hiện trong chương trình thế kỷ 19, gắn liền với hình tượng người phụ nữ da màu là người hầu hoặc vú em trong một gia đình da trắng.
Theo sau động thái của Pepsico, nhiều công ty sở hữu sản phẩm có logo hình ảnh người da màu cũng xem xét lại về bao bì như gạo Uncle Ben của Mars, siro Bà Butterworth thuộc ConAgra Brands và cháo Cream of Wheat của B&G Foods.
Công ty Mars cho biết có “trách nhiệm đứng lên kết thúc khuynh hướng phân biệt chủng tộc và bất công bằng” do vậy đã quyết định thay đổi nhãn hiệu gạo Uncle Ben vốn là hình ảnh một người đàn ông gốc phi có tóc bạc.