Vitamin C được xem là vitamin thần dược trong đời sống hàng ngày và bất cứ ai thấy mệt mỏi cũng vội vàng cho rằng thiếu vitamin C và tự mua về uống đặc biệt là C sủi.
Trường hợp của ông Ngô Nam Thắng trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cách đây 3 năm ông Thắng thấy mệt mỏi và khô da ở bàn tay. Vợ ông tự chẩn đoán là ông bị thiếu vitamin C và mua vitamin C về cho chồng uống.
Mỗi lần uống vitamin C ông cảm thấy khoẻ hơn, da dẻ cũng đẹp hơn. Ông còn không ngần ngại mua vitamin loại 1000mg mỗi ngày ông uống 3 – 4 viên để người khoẻ.
Gần đây, ông bị đau lưng triền miên, ê ẩm và có cảm giác nhức mỏi và bị đau tức bàng quang. Ông đi khám, bác sĩ cho biết ông bị sỏi thận. Ông Thắng kể trước đây ông vẫn đi khám bệnh 6 tháng/lần và không lần nào ông thấy có sỏi thận.
Riêng lần này đau quá, bác sĩ phát hiện bể thận ông nhiều sỏi đọng và thậm chí sỏi còn đang phát triển to nếu không điều trị lấy sỏi có thể phát triển thành sỏi san hô.
Lúc này, ông Thắng ngớ người ra bởi vì từ trước đến nay ông không biết rằng những viên C sủi ông uống hàng ngày tưởng bổ hoá ra lại thành bệnh.
Không chỉ nguy cơ sỏi thận, hiện nay có mốt tiêm vitamin C để làm đẹp, trắng da, mờ nám. Tuy nhiên theo các bác sĩ điều này rất nguy hiểm vì tiêm trắng da bằng vitamin C vẫn có thể gây sốc phản vệ.
Nói về tác dụng này, PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông đã chứng kiến một nữ đồng nghiệp của mình tử vong vì sốc phản vệ sau khi tiêm vitamin C làm đẹp.
Đây trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người về việc sử dụng vitamin C thiếu hợp lý.
Tác dụng tuyệt vời nếu sử dụng đúng
Theo TS Trương Hồng Sơn – Trung tâm Dinh dưỡng và Sức khỏe (ISMS-CNH) cho biết, vitamin C hay acid ascorbic là một chất dinh dưỡng thiết yếu và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải sử dụng rộng rãi là ta có thể tuỳ tiện dùng nó.
Nói về tác dụng của vitamin C, theo TS Sơn nó có tác dụng cụ thể:
Vitamin C là một trong nhiều chất tham gia hệ thống phòng thủ chống oxy hóa của cơ thể. Các chất chống oxy hóa (vitamin E, beta-caroten, Vitamin C) có thể chuyển các tác nhân gây oxy hóa thành những chất vô hại và thải ra nước tiểu.
2. Tạo collagen
Collagen là thành phần protein chính của mô liên kết, xương, răng, sụn, da và mô sẹo. Collagen chiếm đến 1/4 protein trong cơ thể.
Vitamin C cần cho quá trình tạo collagen từ trocollagen. Nếu thiếu Vitamin C sẽ giảm khả năng tổng hợp collagen. Lúc đó, sẹo sẽ khó lành, vỡ mao mạch, khiếm khuyết trong quá trình hình thành xương và răng.
3. Phòng chống bệnh tim mạch
Vitamin C còn giúp thành mạch máu vững chắc, đặc biệt quan trong đối với mạch máu nuôi tim. Chúng có thể làm giảm mức LDL-C (cholesterol có hại) và làm tăng HDL-C (loại có lợi). Loại vitamin này còn giúp hạn chế tăng huyết áp, chống tạo cục máu đông để giảm thuyên tắc mạch.
4. Tăng cường hệ miễn dịch
Hỗ trợ sản xuất interferon - là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Cần thiết cho các tế bào miễn dịch - đó là tế bào T và bạch cầu. Từ đó làm mạnh chức năng của hệ miễn dịch, làm tăng phản ứng dị ứng.
5. Tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh
Vitamin C có hàm lượng cao trong mô não và tuyến thượng thận. Tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh như: Norepinephrine, Serotnin, acid amin Tyrosine.
6. Thải độc
Cần thiết cho hệ thống chuyển hóa thải độc của nhiều loại thuốc trong cơ thể, là giảm độc tính của thuốc và chuyển các phần từ độc thành dạng có thể đào thải qua nước tiểu.
Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin C như thế nào thì không phải ai cũng biết. Theo TS Sơn vitamin C liều cao, lâu ngày có thể gây ra sỏi thận.
Ngoài ra, vitamin C liều cao có thể cản trở quá trình làm loãng máu của aspirin, của các loại thuốc chống đông máu như warfarin hoặc heparin, và các loại thuốc kháng tiểu cầu như clopidogrel.
Vitamin C cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Những người đạng dùng insulin hoặc các loại thuốc của bệnh nhân tiểu đường đường uống nên được các bác sỹ theo dõi chặt chẽ khi sử dụng vitamin C.
Vitamin C cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Do vậy, những người có các vấn đề về huyết áp cũng nên thận trọng khi sử dụng vitamin C.
Ngoài ra, Theo TS. Sơn khi sử dụng vitamin C và vitamin nhóm B không nên uống gần thời gian uống thuốc tránh thai vì nó làm giảm tác dụng.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến một số loại tương tác thuốc với vitamin nhóm B và vitamin C như khi kết hợp vitamin với thuốc kháng sinh Ampicillin hoặc thuốc tránh thai hoặc cũng có thể tương tác với một số loại thuốc phổ biến như paracetamol.