Khoản nợ 3.000 tỉ USD
Các nhà phát triển bất động sản, các công ty Trung Quốc đại lục và các nhà đầu tư khác từng vay nợ bằng đồng USD với mức lãi suất thấp hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do tỉ giá của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng và đồng USD mạnh hơn.
Khoản nợ trong nước khổng lồ từ lâu đã là một vấn đề đau đầu đối với Bắc Kinh, nhưng đòn bẩy bằng đồng USD vay của nước ngoài đang bị đánh giá chưa đúng mực và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính, Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng thuộc ngân hàng đầu tư Nhật Bản Daiwa Capital Markets nhận định.
Khoản nợ 3.000 tỉ USD của Trung Quốc có thể khiến nước này bị tổn hại bởi tính thanh khoản của đồng USD bị thắt chặt, đồng nhân dân tệ thì suy yếu trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, ông Lai nói.
Hiện nay, nợ bằng đồng USD toàn cầu ngoài Mỹ đã tăng lên tới 12.000 tỉ USD từ mức 9.000 tỉ USD năm 2013.
Trong số đó, 25%, tương đương với 3.000 tỉ USD tiền nợ thuộc về các tập đoàn ở Trung Quốc và các chi nhánh ở Hong Kong, Singapore, vùng Caribbe. Các hoạt động tài chính xuyên biên giới sử dụng đồng USD của Trung Quốc tăng nhanh hơn bất cứ nền kinh tế mới nổi nào khác dù tài khoản vốn của Bắc Kinh bị đóng một phần.
Nguy cơ châm ngòi khủng hoảng tài chính
Trước 2 thách thức của thị trường tài chính - hiện tượng "taper tantrum" năm 2013, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ; và nỗ lực cải cách tỷ giá hối đoái hồi tháng 8/2015 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - Trung Quốc thậm chí còn ôm thêm nợ, thay vì giảm bớt và xử lý các vấn đề cơ bản về quản trị, hiệu quả doanh nghiệp.
"Liệu cuộc chiến thương mại này có thể đẩy nợ bằng đồng USD của thế giới tới mốc 13.000 tỉ USD hoặc 14.000 tỉ USD không?, ông Lai nói, đồng thời bổ sung thêm rằng quy mô của khoản nợ USD toàn cầu có thể đang đạt đỉnh trong bối cảnh đồng USD bị thắt chặt. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư bán tài sản để thu hồi USD và chi trả cho số nợ USD của mình.
"Chúng ta sẽ phải nói về một cuộc khủng hoảng tài chính lớn - một cuộc khủng hoảng nợ bằng đồng USD", ông Lai đánh giá.
Số nợ bằng đồng USD mà Trung Quốc gia tăng ở các trung tâm nước ngoài đã xâm nhập vào hệ thống tài chính và là một điều đáng lo ngại bởi tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ có thể sẽ phải chịu sức ép giảm giá sâu hơn.
Các nhà kinh doanh, đầu tư và các khách hàng của họ trước đây đã lợi dụng mức chênh lệch có lợi trong tỉ lệ lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc để vay nợ USD rẻ và chuyển khoản vay này thành những khối tài sản bằng đồng nhân dân tệ với giá trị sinh lời cao hơn.
Tuy nhiên, trong một nỗ lực nhằm ủng hộ tăng trưởng kinh tế và cho vay, PBOC đã tăng nhẹ tỉ lệ lãi suất của mình để đối phó với quyết định tăng lãi suất của FED.
Động thái này đã khiến chênh lệch giữa tỉ lệ lãi suất của Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng thu hẹp, tới mức nó không còn có thể bù đắp được chi phí trả nợ USD nước ngoài bằng đồng bạc xanh hiện đang ở mức đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Theo tỷ giá mới đây, 1 USD tương đương với 6.9439 nhân dân tệ sau khi nhân dân tệ sụt giảm 11% kể từ tháng 3. Đối với nhiều nhà đầu tư, vùng an toàn nằm giữa mức 6.20 nhân dân tệ đổi 1 USD và 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, vì vậy bất cứ tỷ giá nào dưới ngưỡng 7 thì đều có thể gây ra một đợt bán nhân dân tệ lớn, khiến giá trị đồng tiền này giảm sâu hơn nữa.
Kết quả là nợ bằng đồng USD sẽ trở nên khó kiểm soát hơn, khiến đồng nhân dân tệ tiếp tục bị bán ra và rơi vào một vòng xoáy tiêu cực.
"Chúng ta đang nói đến một tai họa USD khổng lồ. Nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục xuống giá thì bạn sẽ thấy một cuộc khủng hoảng nợ USD", ông Lai nói.
Phản ánh sự tăng cao trong chi phí huy động vốn bằng đồng USD, lãi suất LIBOR (Lãi suất Liên ngân hàng London) lên tới 2,32% trong tháng này, mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ.
Và Tập đoàn Evergrande Trung Quốc, nhà phát triển bất động sản gánh nợ nhiều nhất ở Trung Quốc đại lục, dự kiến sẽ buộc phải trả một mức lãi suất cao tới 11% cho việc phát hành trái phiếu USD, được đồn đoán là ở vào khoảng 1,5 tỉ USD - các nhà phân tích nhận định với SCMP.