Cà phê là thức uống phổ biến nhất thế giới, là thứ mà nhiều người cần uống ngay khi vừa thức giấc mỗi ngày.
Ngoài việc giúp bạn bớt mệt mỏi và tỉnh táo hơn, caffeine trong cà phê có thể cải thiện tâm trạng, chức năng não và hiệu suất tập thể dục. Cà phê cũng đã được chứng minh có thể giúp ích trong việc giảm cân và bảo vệ chống lại các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh Alzheimer, bệnh tim. Nhưng uống cà phê vào buổi sáng liệu có gây hại gì cho sức khỏe không?
Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống cà phê ngay sau khi thức dậy và giấc ngủ của bạn buổi tối trước đó không được ngon giấc sẽ làm suy yếu quá trình trao đổi chất cũng như việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo đó, nghiên cứu cho rằng mọi người chỉ nên uống cà phê sau khi ăn sáng để quá trình tiêu hoá thức ăn diễn ra tốt hơn.
Vì sao chỉ nên uống cà phê sau khi ăn sáng?
Khi kiểm tra mối liên hệ giữa ngủ không ngon giấc vào buổi tối và uống cà phê vào buổi sáng hôm sau qua một loạt các dấu hiệu trao đổi chất, các nhà khoa học tại Đại học Bath, Vương Quốc Anh, đã phát hiện ra rằng một giấc ngủ không ngon làm hạn chế quá trình trao đổi chất và uống cà phê có thể gây ra tác động tiêu cực đến kiểm soát đường huyết.
Việc giữ cho lượng đường trong máu ở ngưỡng an toàn là vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh. Trong nghiên cứu, những người tham gia đã trải qua 3 trải nghiệm khác nhau theo thứ tự ngẫu nhiên.
Trong 2 tình huống đầu tiên, những người tham gia được cho uống đồ uống có đường khi thức dậy - đầu tiên là sau một giấc ngủ bình thường vào ban đêm, tiếp đó là một đêm ngủ không ngon giấc vì trong giấc ngủ này, họ bị đánh thức 5 phút mỗi giờ.
Trong tình huống thứ 3, giấc ngủ của họ cũng bị gián đoạn tương tự, nhưng họ được uống một ly cà phê đen đậm đặc 30 phút trước khi uống đồ uống có đường.
Các mẫu máu của những người tham gia được lấy sau khi uống đồ uống có đường không có sự thay đổi về lượng đường huyết mà cơ thể có được từ bữa sáng. Từ đó có thể thấy rằng một đêm bị gián đoạn giấc ngủ không làm giảm phản ứng đường huyết của những người tham gia.
Tuy nhiên, uống cà phê đen đậm đặc trước bữa sáng đã làm tăng phản ứng glucose trong máu với đồ uống lên khoảng 50%.
Nhiều người uống cà phê để cảm thấy tỉnh táo hơn. Ảnh: Shutterstock
Giáo sư James Betts, đồng giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Thể dục và Chuyển hoá, Đại học Bath, cho biết: “Uống cà phê ngay khi thức dậy vào buổi sáng là thói quen của rất nhiều người với mục đích giảm sự mệt mỏi”.
“Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với sức khoẻ vì cho tới nay vẫn còn rất ít thông tin về những gì mà thói quen này có thể ảnh hưởng tới cơ thể, đặc biệt là tới sự trao đổi chất và mức đường huyết.”
Giáo sư Betts cho biết thêm: “Nói một cách đơn giản, việc kiểm soát lượng đường trong máu bị suy giảm khi thứ đầu tiên mà cơ thể chúng ta nạp vào là cà phê, đặc biệt là sau một đêm mất ngủ”.
“Chúng ta có thể cải thiện điều này bằng cách ăn sáng trước rồi uống cà phê sau. Biết được điều này có thể mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng.”
Trưởng nhóm nghiên cứu, Harry Smith, cho biết kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp cho nhiều người ‘yên tâm’ rằng một đêm ngủ không ngon giấc có vẻ như không ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất so với việc có một giấc ngủ bình thường.
“Còn rất nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu về tác động của giấc ngủ đối với sự trao đổi chất trong cơ thể, chẳng hạn như giấc ngủ bị gián đoạn bao nhiêu thì có thể khiến cho quá trình trao đổi chất bị chậm lại và một số tác động lâu dài của vấn đề này”, ông Smith nói thêm.
Các thời điểm nên uống cà phê để có được lợi ích
Nên uống cà phê sau khi ăn sáng. Ảnh: Shutterstock
Cortisol hay còn được gọi là “hormone căng thẳng”, được tiết ra bởi tuyến thượng thận. Hormone này có thể khiến cho cơ thể cảm thấy tỉnh táo hơn, nhưng nếu tích tụ trong thời gian dài với nồng độ cao sẽ gây ra những vấn đề sức khoẻ nguy hiểm như huyết áp cao, đái tháo đường tuýp 2 và loãng xương.
Khi mức cortisol ở mức cao nhất, bạn không nên uống cà phê, vì làm như vậy có thể khiến cơ thể bạn phát triển khả năng dung nạp caffeine. Điều này có nghĩa là bạn sẽ bị phải cần nhiều cà phê hơn nữa để cảm thấy tỉnh táo.
Mức cortisol đạt đỉnh trong khoảng từ 8 - 9 giờ, 12 - 13h và từ 17h30 - 18h30. Do đó, bạn nên uống cà phê giữa những khoảng thời gian này để đạt được lợi ích và tránh gây ra tình trạng dung nạp caffeine.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ caffeine vào giữa hoặc cuối buổi chiều có thể ảnh hưởng đáng kể tới giấc ngủ buổi tối. Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Jenna Hope, cho biết cần phải mất 6 giờ caffeine trong cơ thể mới được chuyển hóa hết.
Chuyên gia dinh dưỡng này giải thích: “Caffeine làm suy yếu quá trình giải phóng chất dẫn truyền thần kinh adenosine. Adenosine khiến bạn cảm thấy buồn ngủ vào buổi tối. Khi adenosine bị suy giảm, bạn có thể bị mất ngủ”.
Samantha Briscoe, nhà sinh lý học lâm sàng hàng đầu tại Bệnh viện London Bridge (Vương Quốc Anh), cho biết thêm ngoài việc chú ý tới thời gian tiêu thụ cà phê, mọi người cần lưu ý liều lượng cà phê mà mình uống.
“Bạn không nên uống đồ uống có chứa caffeine sau 14-15h giờ chiều và không nên uống quá 400mg caffeine (tương đương với khoảng 4 tách cà phê) mỗi ngày.”
Tiến sĩ Nerina Ramlakhan, chuyên gia về giấc ngủ tại Vương Quốc Anh, khuyên mọi người nên thay tách cà phê buổi chiều "bằng trà thảo mộc hoặc các loại trà và cà phê đã khử caffeine, đặc biệt nếu ngày hôm đó bạn cảm thấy uể oải sau khi thức giấc dù đã ngủ từ 8 tiếng trở lên”.
(Theo: Independent, Healthline)