Kỳ 1: Mạch thông tin, mạch máu
Trước tình hình căng thẳng cao độ do phía Trung Quốc chủ động gây hấn, ngày 13/2/1979, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã ra mệnh lệnh báo động chiến đấu cấp 1 cho các đơn vị Công an vũ trang trên toàn tuyến biên giới.
Đồng thời, điện thông báo cho các đơn vị về kế hoạch phổ biến tình hình đặc biệt khẩn cấp của trên. Ngày 14/2, các đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh CANDVT đã có mặt trên dọc tuyến biên giới Việt - Trung để trực tiếp phổ biến tình hình đặc biệt này.
Ngay trong đêm 14/2, mệnh lệnh đã truyền đến tận các đồn biên phòng và các đơn vị cơ động…
Rạng sáng ngày 17/2/1979, 34 đồn biên phòng có cơ yếu trên tuyến biên giới phía Bắc đã bị đối phương tấn công. Từ 4 giờ 30 đến 8 giờ ngày 17/2, Bộ tư lệnh CANDVT nhận tin chiến sự đầu tiên của 15 đồn biên phòng báo cáo về.
Kíp trực cơ yếu tại Sở chỉ huy Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên Phòng
Giữ mạch thông tin
Tỉnh Lạng Sơn là nơi địch chọn làm hướng tấn công chủ yếu. Đối phương sử dụng ở đây một lực lượng lớn có pháo binh, xe tăng yểm trợ, tấn công vào các điểm chốt của ta.
Các đơn vị CANDVT Lạng Sơn đã dũng cảm chiến đấu, ngay từ những phút đầu tiên đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Cơ yếu các đồn biên phòng Lạng Sơn kịp thời triển khai kế hoạch bảo đảm chỉ đạo, chỉ huy qua kỹ thuật mật mã theo phương án.
Ở Đồn Biên phòng Tân Thanh, trong lúc pháo binh địch bắn dồn dập xuống trận địa ta, tiếp đó hai trung đoàn bộ binh và một tiểu đoàn xe tăng địch chia làm nhiều mũi tấn công vào đồn, tổ cơ yếu vẫn bình tĩnh mã đi bức điện: "Địch đang tấn công. Chúng tôi đang chiến đấu".
Sau khi đưa bức điện đã mã hóa cho báo vụ phát đi, tổ cơ yếu cầm súng sẵn sàng trước cửa hầm tham gia diệt địch.
Tại Đồn Biên phòng Pò Mã, sau gần một tuần bám trụ dưới những làn đạn pháo dày đặc của quân thù, nhưng hệ thống thông tin - cơ yếu vẫn liên lạc đều đặn với các đầu mối.
Ngày 23/2/1979, cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt, Ban chỉ huy đồn giao cho cơ yếu mật điện báo cáo về tỉnh và Bộ tư lệnh: "Địch đang bao vây trên 1.000 dân thuộc xã Tri Phương, huyện Tràng Định. Yêu cầu trên cho lực lượng giải vây gấp, nếu không dân sẽ bị giết hại".
Hơn một tháng nằm trong vòng vây của địch, cơ yếu Đồn Pò Mã đã góp phần cùng đơn vị đánh lui 11 đợt tấn công, tiêu diệt hàng trăm tên xâm lược và bảo vệ tính mạng nhân dân.
Chia lửa với đồng đội, cơ yếu các Đồn Biên phòng Ba Sơn, Na Hình, Pắc Xa, Bình Nghi và bộ phận cơ yếu tỉnh bộ đã dũng cảm, linh hoạt giữ vững liên lạc, vừa trực tiếp tham gia đánh địch.
Cùng hoạt động với các lực lượng ở Lạng Sơn còn có Trung đoàn 12 cơ động của Bộ tư lệnh CANDVT. Trên hướng Đồng Đăng, Tiểu đoàn 1 đã liên tục chặn đánh địch quyết liệt, tiêu diệt hàng trăm tên.
Nguyễn Văn Vượng, nhân viên cơ yếu tiểu đoàn đã liên tục cơ động theo đội hình chiến đấu của đơn vị, bảo đảm truyền đạt thông suốt các nội dung. Trong đó có chỉ thị của cấp trên gửi tiểu đoàn: "Quyết tâm chiến đấu bảo vệ Pháo đài Đồng Đăng".
Trong một trận chiến đấu, khi đơn vị bị địch bao vây và chia cắt đội hình, Nguyễn Văn Vượng đã cùng đơn vị dũng cảm phá vòng vây mang theo tài liệu mật mã rút ra ngoài an toàn.
Liệt sĩ Đoàn Tiến Phúc, chiến sĩ cơ yếu đồn Pò Hèn (Quảng Ninh)
Tài liệu mật mã là mạng sống
Trên mặt trận Cao Bằng, địch chia làm nhiều mũi tấn công ồ ạt vào biên giới. Lực lượng CANDVT Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ kịp thời nổ súng chặn đánh quyết liệt.
Ngay từ sáng sớm 17/2, Đồn Biên phòng Tà Lùng bị địch bắn pháo cấp tập, rồi cho lực lượng hình thành thế bao vây đồn. Trong tình thế đó, nhân viên cơ yếu Đàm Việt Bắc vẫn bình tĩnh mã xong bức điện của Ban chỉ huy đồn: "4 giờ 45 phút địch tấn công, có xe tăng đi cùng. Chúng tôi đang sẵn sàng nổ súng".
Nhận được điện của Đồn Tà Lùng, lập tức Ban chỉ huy Công an vũ trang Cao Bằng chỉ thị cho đồn: "Quyết tâm chiến đấu". Khi địch tiến công, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã nổ súng mãnh liệt vào đội hình địch, tiêu diệt hàng trăm tên, bắn cháy hai xe tăng, giữ vững trận địa.
Chiều 17/2, máy vô tuyến điện bị hỏng, đồn tạm thời mất liên lạc với trên. Đàm Việt Bắc đã chôn giấu tài liệu theo vị trí quy định từ trước rồi tham gia phục vụ chiến đấu. Mấy hôm sau vô tuyến điện được khắc phục xong, cơ yếu - thông tin tiếp tục nối thông liên lạc để phục vụ chiến đấu.
Ở các đồn biên phòng như Bí Hà, Bản Dốc, Lý Vạn, Xuân Trường, Nậm Quét... các cuộc chiến không cân sức cũng diễn ra ác liệt. Nhưng đến ngày 23/2, việc liên lạc qua kỹ thuật mật mã vẫn được duy trì.
Chiếc xà cột đựng tài liệu mật mã của liệt sĩ Đoàn Tiến Phúc (Đồn Biên phòng Pò Hèn)
Tại tỉnh Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Pò Hèn là một mục tiêu trọng điểm mà quân xâm lược tiến công. Từ đêm 16/2, địch đã dội đạn pháo vào khu vực đồn.
Đến 5 giờ ngày 17/2, chúng cho một trung đoàn bộ binh bao vây, tấn công vào trận địa phòng thủ của đồn. Lực lượng ta đã chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt, Đoàn Tiến Phúc - nhân viên cơ yếu Đồn Pò Hèn đã linh hoạt tìm mọi cách bảo vệ bằng được tài liệu mật mã để giữ vững liên lạc, vừa tham gia chiến đấu cùng đơn vị.
Tình thế chiến đấu quyết liệt, địch hết lớp này đến lớp khác ào ạt xông lên, nhiều chiến sĩ bị thương vong.
Phương tiện vô tuyến điện của thông tin không còn liên lạc được nữa, Đoàn Tiến Phúc nhanh chóng thực hiện phương án bảo vệ tài liệu ở trong tình huống bất trắc, chỉ để lại số tài liệu cần thiết vào xắc cốt, số còn lại được hủy hết.
Sau đó anh khẩn trương khoác túi tài liệu mật mã vào người rồi cơ động chiến đấu cùng số anh em còn lại của đồn và anh dũng hy sinh...
(Còn nữa)
(Bài viết sử dụng tư liệu Lịch sử Cơ yếu Bộ đội Biên phòng, 1959-1989)