Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ - Một trong những phi công khóa đầu tiên của Vietnam Airlines
Là một trong những phi công khóa VN1 do Vietnam Airlines tuyển dụng đào tạo chính quy ngay khi thành lập Tổng công ty vào năm 1993, đến nay với khoảng hơn 23.000 giờ bay, anh Cơ đã cầm lái nhiều loại tàu bay mà hãng khai thác như ATR-72, Boeing 767, Boeing 777, Boeing 787-9 Dreamliner và Boeing 787-10 Dreamliner.
Trong rất nhiều lần "lên đời" máy bay, anh Cơ vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử khi được giao nhiệm vụ là người cầm lái chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên mà Vietnam Airlines nhận từ Mỹ để đưa về Việt Nam khai thác vào đầu tháng 8/2015.
Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ cùng phi công Boeing và đồng nghiệp chuẩn bị bay về Việt Nam từ Mỹ (máy bay đầu tiên 2015)
"Dù học trong buồng tập mô phỏng SIM đã thực hành nhiều lần về các tình huống khi máy bay có thể gặp sự cố về hỏng hóc, kỹ thuật, nhưng tự tay điều khiển máy bay trên trời sẽ khác rất nhiều. Phía Boeing cũng rất cẩn trọng nên bố trí giáo viên nhiều kinh nghiệm để bảo đảm cho hành trình bay thử diễn ra suôn sẻ, an toàn. Sau khi chuyến bay thử nghiệm hoàn thành và đưa máy bay về nước an toàn, bản thân cảm thấy tự hào vì đã tự tin làm chủ được dòng tàu bay hiện đại bậc nhất thế giới", vị Cơ trưởng lão luyện của Vietnam Airlines chia sẻ.
Vào năm 2019, anh Cơ tiếp tục được tín nhiệm cầm lái "người anh em" Boeing 787-10 Dreamliner đầu tiên đưa về nước ta khai thác.
"Công nghệ những dòng tàu bay ngày càng có nhiều sự khác biệt. Trước tiên, phi công phải học huấn luyện trong buồng lái mô phỏng (SIM), sau đó mới trải qua huấn luyện thực tế.
Mỗi lần chuyển loại, hầu hết phi công sẽ gặp không ít khó khăn ban đầu vì công nghệ mới nên cần nắm bắt và làm quen dần với hệ thống điều khiển từ nhà sản xuất. Ngày trước, phi công đi học phải đọc toàn bộ những cuốn sách tài liệu nặng tới 1-2kg để hiểu biết, dung nạp kiến thức. Đến nay, thời kỳ bùng nổ công nghệ số đã hỗ trợ giảm bớt tài liệu và tìm được thông tin cần thiết khi học và huấn luyện", anh Cơ kể về những bỡ ngỡ ban đầu.
Đến nay, Vietnam Airlines là một trong số ít hãng bay khai thác đồng thời 2 dòng máy bay thân rộng hiện đại Boeing 787 Dreamliner của nhà sản xuất Boeing (gồm 787-9 và 787-10). Hãng đã chứng minh đủ năng lực khai thác thị trường khắt khe bậc nhất là Mỹ và bay đến nhiều địa đến trên thế giới với những chuyến bay an toàn, hiệu quả.
Những kỷ niệm đặc biệt làm nên bản lĩnh người phi công
Nhớ lại kỷ niệm bay trong suốt chặng đường làm nghề, anh Cơ kể, đó là chuyến bay đưa hàng trăm công dân Việt Nam an toàn từ Mỹ trở về nước hồi đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Phi hành đoàn phải mặc áo bảo hộ, bịt kín mặt, đeo găng tay… trong suốt hành trình. Nhờ chuyến bay đó, phía Mỹ khẳng định Vietnam Airlines đủ năng lực khai thác bay thẳng thường lệ đến "Xứ sở cờ hoa".
Chuyến đưa người Việt tại Mỹ về nước năm 2019
"Kinh nghiệm và bản lĩnh của một phi công từng trải là một thuận lợi để tôi và các đồng nghiệp thực hiện thành công các chuyến bay giải cứu này. Đây là chiến công chung từ rất nhiều khối óc và con tim của những ‘Chiến binh Sen vàng’, từ đội ngũ những người đứng trên tuyến đầu đến lực lượng bền bỉ, thầm lặng hỗ trợ ở tuyến sau", anh Cơ chia sẻ.
Tới năm 2021, anh Cơ cũng là người điều khiển chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên chở khách từ Việt Nam sang Mỹ.
Cơ trưởng Đặng Ngọc Cơ chụp tải buổi khai trương chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên đến Mỹ
Chuyến giải cứu đưa hàng nghìn người lao động từ chiến sự Libya về nước an toàn năm 2011 cũng là một kỳ tích và kỷ niệm không thể nào quên trong nghề phi công của Cơ trưởng Cơ.
"Khi đó, tổ lái gồm 4 người cầm lái Boeing 777 với thời gian hành trình đi và về là gần 30 tiếng nên phải chia ca ra ngủ để đảm bảo an toàn. Thời điểm đó do chưa có đường bay thẳng đến Libya, Vietnam Airlines phải bay qua không phận của nhiều quốc gia mà hãng chưa bao giờ bay đến để tiếp cận. Cùng với đó, thủ tục xin phép cất hạ cánh, điều kiện kỹ thuật, năng lực sân bay, thời tiết sa mạc… tương đối phức tạp với nhiều tình huống khó lường", anh Cơ kể.
Chuyến bay đưa đồng bào về nước trong đại dịch
Là gạch nối phi công không quân và Đoàn bay 919 (Vietnam Airlines) có truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển (1/5/1959-1/5/2024), vinh dự được chứng kiến Vietnam Airlines đạt nhiều chứng chỉ công nhận an toàn khai thác có thương hiệu toàn cầu, anh Cơ luôn tâm niệm, dù máy móc có hiện đại tới đâu cũng không thể thay thế được phi công.
"Ngoài làm chủ công nghệ điều khiển máy bay, phi công cần nắm chắc về điều kiện khí tượng, thời tiết, vùng địa hình…, liên tục trau dồi kỹ năng, học tập làm theo tài liệu quy trình, quy định khai thác bay an toàn, đáp ứng yêu cầu của hãng bay", anh Cơ gửi gắm đôi điều tới thế hệ phi công trẻ - một cầu nối góp phần để những cánh bay với biểu tượng "Bông sen vàng" được đặt dấu chân tới nhiều điểm đến mới trên thế giới, góp phần nâng tầm, củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.