Cố tình vượt lằn ranh đỏ của Ai Cập, Thổ sẽ sập bẫy hay cùng Nga chia "miếng bánh" Libya?

Hoài Giang |

Cairo cho rằng "chủ nghĩa cơ hội" ở Ankara sẽ khiến các hoạt động quân sự tiếp tục là lựa chọn duy nhất ở thời điểm hiện tại.

Sirte: Lằn ranh đỏ của Ai Cập đối với QĐ ThổLibya?

Ngay sau thông báo của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi về Sáng kiến ​​Cairo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Libya vào ngày 6/6/2020, một cuộc triển khai quân sự khổng lồ của Quân đội Ai Cập đã diễn ra gần khu vực biên giới với Libya.

Rõ ràng việc cơ động này nhằm gửi một thông điệp tới Ankara về sáng kiến của Cairo. Trong thông điệp nói trên, về cơ bản Ai Cạp ngỏ ý sẵn sàng hợp tác vì hòa bình, nhưng cũng không loại bỏ phương án chiến tranh nếu Thổ vẫn tiếp tục lựa chọn phương án quân sự ở Libya.

Một nguồn tin trong giới chính trị gia Ai Cập mô tả với tờ The Arab Weekly rằng mục tiêu của việc cơ động quân sự nói trên là ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng khủng bố thông qua tất cả các cửa khẩu biên giới vào lãnh thổ Ai Cập.

Các chuyên gia quân sự Ai Cập cho rằng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hiện không cần nhiều hỗ trợ trên mặt đất, đặc biệt là khi họ đã tập hợp được một lực lượng lớn từ các bộ lạc ở miền đông Libya để chặn đà tiến của đối phương tại Sirte, căn cứ Jafra và các cảng xuất khẩu dầu mỏ.

Cố tình vượt lằn ranh đỏ của Ai Cập, Thổ sẽ sập bẫy hay cùng Nga chia miếng bánh Libya? - Ảnh 1.

Hình ảnh MiG-29 trên bầu trời Sirte khó có thể xác định nó là MiG-29S/SM/SMT hay biến thể MiG-29M của Không quân Ai Cập.

Còn ở trên không, các cuộc không kích của LNA đã gây tổn thất nặng nề, đánh quỵ tâm lý của các tay súng dân quân Misrata và lính đánh thuê Syria thuộc phe Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) tại Sirte.

Trong khi một số nguồn tin cho rằng "tác giả" của các vụ không kích là những chiếc MiG-29 mà Bộ tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM) cáo buộc Nga gửi tới Libya - điều mà LNA phủ nhận thì không thể loại trừ giả thuyết rằng các máy bay nói trên cất cánh từ Ai Cập.

3 năm trước, Ai Cập đã xây dựng căn cứ quân sự Mohamed Naguib gần biên giới phía tây với Libya và cho tới nay nó đã trở thành một căn cứ hiện đại với một mạng lưới hậu cần nằm trong hệ thống phòng thủ của Ai Cập.

Nói cách khác, căn cứ Mohamed Naguib được xây dựng tại đây với dự đoán về khả năng diễn ra một cuộc huy động khẩn cấp để can thiệp quân sự vào Libya của Quân đội Ai Cập trong tương lai.

Các cuộc không kích và những chiếc MiG-29 trên bầu trời Sirte, thành phố cảng cách Tripoli khoảng 500 km, là một "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua.

Cairo sẽ không cho phép lực lượng GNA được Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực phía đông Libya vì một hành động như vậy sẽ đi ngược lại lệnh ngừng bắn do Ai Cập đề xuất và được LNA đơn phương thực hiện vào 8/6.

Sáng 11/6, Quân đội Ai Cập tiếp tục bổ sung một lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1 Abrams tới khu vực biên giới với miền đông Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dễ dàng "sập bẫy" hay cùng Nga chia "miếng bánh"?

Rõ ràng Cairo không mong đợi sáng kiến ​​của mình sẽ dễ dàng được đối phương "hoan nghênh" và chuẩn bị cho kịch bản quân sự khi GNA bác bỏ nó. Cairo cũng cho rằng chủ nghĩa cơ hội ở Ankara sẽ khiến các hoạt động quân sự tiếp tục là lựa chọn duy nhất ở thời điểm hiện tại.

Ngược lại với đoàn xe cơ giới của GNA vẫn đang tiến về Sirte, Tướng Khalifa Haftar tư lệnh của LNA đã tuyên bố tuân thủ lệnh ngừng bắn, cho thấy rằng việc Thổ có bị sa lầy ở Libya mà không có bất kỳ "miếng bánh" nào hay không phụ thuộc vào quyết định của Ankara.

Sau những thất bại ở Sirte, Ankara có vẻ đã nhận thức được rằng các cường quốc trên thế giới sẽ không ủng hộ việc vi phạm các quy tắc địa chính trị thế giới, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu về sự phối hợp Nga - Thổ để xây dựng một bản đồ ảnh hưởng ở Libya.

Các bộ trưởng ngoại giao của hai nước đã nhất trí về sự cần thiết phải "tạo điều kiện phù hợp" cho tiến trình hòa bình ở Libya, và sau đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, trong đó trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã gây ra ấn tượng rằng hai nước đang theo đuổi cùng một phương án "sắp xếp" Libya theo cách mà họ đang làm ở miền bắc Syria.

Tổng thống Sisi trình bày lập trường chiến lược nhất quán của Ai Cập đối với cuộc khủng hoảng Libya như thể hiện trong Tuyên bố Cairo. Về phần mình, ông Putin đã ca ngợi sáng kiến ​​của Ai Cập.

Có lẽ từ trước khi có những diễn biến hiện tại ở Libya, nhiều nhà phân tích đã nhất trí rằng người Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là những người quyết định về bất kỳ các cuộc đàm phán nào liên quan tới Libya.

Đồ họa miêu tả chuỗi giao tranh ở miền tây Libya từ tháng 4/2019 tới nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại