Tính đến cuối tháng 7, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã có sự điều chỉnh đáng kể, theo chiều hướng gia tăng. Nhiều ngân hàng hiện niêm yết mức lãi suất tiết kiệm lên tới 6% ở các kỳ hạn từ 12 tháng, 18 tháng và 36 tháng.
Ở kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đối với khoản tiền gửi thông thường lên tới 5,7%/năm. Trong khi đó, nếu khách hàng chọn kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường đến thời điểm này là 5,6%/năm. Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất cao nhất là 4,3%/năm. So thời điểm tháng 4/2024, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng đáng kể, trung bình 1-1,5%/năm.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, một số ngân hàng cũng trở lại phát hành chứng chỉ tiền gửi để thu hút nguồn huy động dài hạn.
Mới đây nhất, ngân hàng VietinBank phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu là 1 tỷ đồng. Mỗi khách hàng được mua tối đa 30 tỷ đồng. Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi này sẽ tương đương với biểu lãi suất hiện hành mà VietinBank công bố. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm VietinBank áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm. Khi có nhu cầu vốn trước hạn, khách hàng có thể chuyển nhượng lại cho khách hàng khác với giá thỏa thuận.
Vào hồi tháng 5, ngân hàng PVcomBank cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi PVcomBank đợt 2 năm 2024. Tuy nhiên, mức lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi mà PvcomBank công bố lên tới 8%/năm. Mức mệnh giá chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng. Chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố tùy theo thỏa thuận.
Cũng trong tháng 5, ngân hàng BVBank phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng. Chứng chỉ tiền gửi này có hai hình thức nhận lãi cuối kỳ và hàng tháng. Với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ nhận lãi suất theo năm ở mức các mức: 4,6%, 5,2% hoặc 5,4% tương ứng kỳ hạn 6, 12, 15 tháng. Sau khi kết thúc kỳ hạn chứng chỉ tiền gửi, nếu khách hàng không đến thanh toán vào ngày đáo hạn, ngân hàng sẽ tự động chuyển toàn bộ gốc lãi sang giữ hộ, chờ khách đến làm thủ tục nhận gốc, lãi.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, ngân hàng phát hành để huy động vốn. Chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài, lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không được phép tất toán trước khi hết hạn. Nếu có nhu cầu rút tiền gấp, người sở hữu có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác tùy thuộc vào điều kiện mà loại hình chứng chỉ tiền gửi đã mua.
Trong khi đó, đối với tiền gửi tiết kiệm, người gửi tiền có thể rút tiền mà không phải chịu phạt hoặc mất lợi suất nếu thực hiện sau khi đủ thời hạn quy định hoặc chọn kỳ hạn hợp lý. Thậm chí gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tức là để tiền trong tài khoản vẫn có thể hưởng lãi tới 3,7%/năm (trong khi mặt bằng thị trường chỉ dưới 1%) nếu đăng ký tính năng sinh lời tự động ở Techcombank.
Về mức lãi suất, hiện tại, các ngân hàng đang điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng gia tăng. Nhà đầu tư có thể cân nhắc về mức lãi suất của ngân hàng lựa chọn gửi tiền và chứng chỉ tiền gửi để xuống tiền hợp lý.