Chị Linh - mẹ của nhóc Đạt từng tâm sự với tôi rằng có nhiều đêm nằm nghĩ về những tháng ngày vừa qua, cứ ngỡ như mình đang mơ. Bởi với người phụ nữ này, khi trải qua quá nhiều thăng trầm, đau đớn của lòng người, chị đã từ lâu không còn tin vào những điều thiện lành trong cuộc sống.
Ngày 3/3/2017, Đạt - một đứa trẻ vô danh cùng mẹ đi lang thang quanh khu vực nhà thờ Đức Bà để nhặt ve chai, bất chợt nhìn thấy những đôi giày của các bạn học sinh đi dã ngoại nằm ngổn ngang dưới đất, cậu bé đã nhặt từng đôi xếp vào ngay ngắn. Khoảnh khắc nhỏ đó của em đã vô tình được một người đi đường ghi lại.
Ngày 4/3/2017, anh Nghĩa Phạm chia sẻ trên trang cá nhân của mình bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng yêu của cậu bé ve chai với mong muốn kể lại một câu chuyện đẹp trong cuộc sống. Ngay lập tức bức ảnh trở thành một trong những chủ đề hot nhất mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người quan tâm đến câu chuyện của cậu bé.
Ngày 5/3/2017, giới truyền thông vào cuộc để tìm hiểu về hoàn cảnh của cậu bé ở nhà thờ Đức Bà. Rất nhiều nhà hảo tâm đã liên lạc với mong muốn giúp cậu nhóc được đến trường.
Ngày 6/3/2017, mọi thông tin liên lạc của hai mẹ con nhóc Đạt biến mất hoàn toàn. Để tránh những nguy cơ xấu làm đảo lộn cuộc sống của hai mẹ con, anh Nghĩa đã âm thầm chuyển nơi ở và số điện thoại của chị Linh - mẹ bé Đạt.
Ngày 8/3/2017, điều kỳ diệu đã đến với mẹ con nhóc Đạt, cậu bé được nhận vào học ở trường mẫu giáo hoàn toàn miễn phí, chị Linh được công ty Vinamilk nhận vào làm việc, chấm dứt chuỗi ngày lang bạt khắp nơi.
Ngày 5/9/2018, Đạt lém lỉnh trong chiếc áo trắng ngày tựu trường, cũng như bao đứa trẻ khác, cu cậu háo hức đón ngày khai giảng đầu đời của mình ở một ngôi trường khang trang. Kể từ nay, Đạt được nhà trường tài trợ toàn bộ chi phí cho 12 năm học, chính thức bước đi trên một con đường mới.
1 năm không phải là quãng thời gian dài với một đời người, nhưng là nỗ lực miệt mài của rất nhiều con người luôn đứng phía sau hành trình của cậu bé xếp giày - Nguyễn Danh Thành Đạt.
Mồ côi cha mẹ từ ngày còn bé, đổ vỡ trong hôn nhân với người chồng bê tha, một mình sinh con với vô vàn khó nhọc, đã có thời điểm chị Linh muốn chối bỏ trách nhiệm của một người mẹ. Đạt tròn 1 tháng tuổi, chị bế con trai đến trại trẻ mồ côi với ý định để con lại và rời đi. Nhưng rồi không đành.
“Khi đến nơi, nhìn những đứa nhỏ trong trại, tôi không đành lòng để con ở lại. Thế là quyết định đưa con về, bằng giá nào cũng phải nuôi nó khôn lớn, không để nó phải chịu cảnh mồ côi giống như bản thân mình đã từng phải trải qua" - chị Linh kể cho tôi nghe vào buổi trưa tháng 3 đầy nắng, lúc đó hai mẹ con dẫu ngày ngày phải lặn lội đi nhặt ve chai kiếm sống, nhưng lúc nào cũng ở cạnh nhau.
Một mái nhà khang trang, một công việc đàng hoàng, và con trai được đến trường như bao đứa trẻ khác là giấc mơ mà chị Linh chẳng bao giờ mơ đến. Thế nên giữa thành thị rộng lớn này, hạnh phúc của hai mẹ con chỉ gói gọn trong mấy bữa no.
Vốn đã quen với những cơ cực, thế nên tôi đoán chị Linh chẳng bao giờ ngờ rằng chỉ sau một đêm hai mẹ con lại được nhiều người săn đón như vậy. Hành động xếp lại những đôi giày của nhóc Đạt dù chẳng to tát gì nhưng bất chợt làm người ta mỉm cười vì sự hồn nhiên của trẻ thơ. Cũng chính hình ảnh vô tư của cậu bé khiến nhiều người lớn phải giật mình nhận ra rằng đôi khi có những điều chúng ta học được từ một đứa trẻ.
Vào thời điểm sau khi nhóc Đạt bất ngờ nổi tiếng, không thể thống kê có bao nhiêu mạnh thường quân liên hệ mong muốn được giúp đỡ cậu bé. Người tặng quà, người cho tiền, người hứa hỗ trợ chi phí học tập... Tôi gọi vui là mẹ con nhóc Đạt “trúng số”.
Nhưng bạn biết đấy, trúng số với nhiều người là may mắn, nhưng với không ít người đó là tai họa. Hẳn nhiều độc giả vẫn còn nhớ câu chuyện của Hào Anh, hành trình từ một đứa trẻ đáng thương đến vòng lao lý của Hào Anh đã từng khiến chúng ta hoang mang về việc giúp đỡ một con người.
Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh) học đến lớp 4 phải nghỉ để theo mẹ kiếm tiền và sau đó được gửi vào làm thuê ở trại tôm giống Minh Đức ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. 14 tuổi cậu bé rơi vào “địa ngục trần gian", Hào Anh nhiều lần bị ông bà chủ ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người... những hình thức hành hạ tàn nhẫn khiến cậu bé thân tàn ma dại.
Năm 2010, Hào Anh được giải cứu khi người dân phát hiện cậu bị đánh đến bất tỉnh. Xót xa trước hoàn cảnh của cậu bé, nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước đã quyên góp số tiền lên đến 800 triệu đồng với hy vọng có thể bù đắp phần nào nỗi đau trong quá khứ của Hào Anh.
4 năm trôi qua, cơn sốt mang tên Hào Anh dần chìm vào quên lãng cho đến một ngày nọ mọi người giật mình khi nghe tin cậu bé đáng thương ngày nào nay đã là một cậu thanh niên hư hỏng, cậu chửi bới mẹ ruột và cha dượng, đem quần áo của họ ném ra sân và đuổi ra khỏi nhà. Số tiền mà các mạnh thường quân dành tặng ngày trước bị cậu đem ra tiêu xài hoang phí chẳng bao lâu mà hết sạch. 19 tuổi, Hào Anh bị công an bắt giam để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Từ một đứa trẻ đáng thương, Hào Anh trở thành tâm điểm của sự chê trách. Nhưng bạn biết không, đến cả khi ta trưởng thành thì vẫn phạm sai lầm huống hồ một đứa trẻ vừa mới bước ra khỏi bóng đêm cuộc đời mà lại không có người dìu dắt đi đúng hướng.
Tiếng Việt mình thú vị lắm, cùng một từ “thương” nhưng “thương cảm” và “thương hại" là hoàn toàn khác nhau. Trong câu chuyện của Hào Anh, chúng ta không lên án ai, nhưng rõ ràng chính tình thương chưa cảm của nhiều người đã huỷ hoại tương lai của một đứa trẻ.
Bài học của Hào Anh khiến chúng tôi vô cùng lo lắng khi hình ảnh của cậu bé xếp giày nổi lên như một hiện tượng. Ai mà biết được, liệu Đạt có đi vào vết xe đổ của Hào Anh hay không…
Thật may mắn là cho đến hiện tại nhóc Đạt vẫn đi đúng với lộ trình mà những người yêu thương em mong mỏi. Để có được điều đó là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của anh Nghĩa Phạm - người đã chụp bức ảnh cậu bé xếp giày, và cũng là cha nuôi của Đạt.
Trong một lần chia sẻ anh Nghĩa nói: “Tôi thật tâm muốn nói, nếu làm từ thiện hãy làm một cách thiết thực và có sự tìm hiểu nhu cầu thực sự. Vì cũng có thể chính vì những đồng tiền bạn quyên góp không đúng cách mà làm cuộc sống của người được giúp trở nên xáo trộn".
Quả thật như vậy, việc giúp đỡ một ai đó không đơn giản chỉ dừng lại ở chuyện cho tiền, tặng quà hay vài câu thăm hỏi. Làm tử tế một cách tử tế, là một con đường dài hơi mà đôi khi phải kéo dài hàng năm trời đến chục năm.
Ở trường hợp của Đạt, ngay sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của hai mẹ con, việc đầu tiên anh Nghĩa làm đó là thay đổi chỗ ở và số điện thoại liên lạc để đảm bảo cuộc sống của bé Đạt không bị đảo lộn. Sau đó anh đưa Đạt đến bác sĩ để kiểm tra sức khoẻ của cậu bé. Đồng thời điều tra lý lịch cũng như khám sức khoẻ cho người mẹ để tiện cho bước đi xin việc làm.
“Lo ngại mẹ bé sẽ sử dụng tiền mọi người hỗ trợ bé không đúng mục đích, tôi cũng đã tự liệt kê những khoản chi tiêu tối thiểu của mẹ và bé để lên kế hoạch những khoản ưu tiên” - anh Nghĩa chia sẻ.
Cụ thể anh liệt kê các khoản như sau:
1. Chỗ học cho bé, hai cô hiệu trưởng nhận lời tài trợ cho bé ăn học miễn phí.
2. Chỗ ăn ở cho hai mẹ con (phải thuận tiện cho việc đưa đón bé và thuận tiện cho mẹ đi làm).
3. Công ăn việc làm ổn định cho mẹ để có nguồn thu nhập hàng tháng.
4. Chi phí nhà, điện, nước cũng được công ty lo.
Vì tháng đầu tiên mẹ bé chưa có lương nên anh Nghĩa cũng đã liệt kê chi phí vừa đủ để cho mẹ bé chi tiêu. Vật dụng gia đình, sữa, quần áo, đồ chơi... được các mạnh thường quân trên facebook gửi cho hai mẹ con theo những gì mà anh Nghĩa kêu gọi, và tuyệt đối không nhận tiền.
Bên cạnh đó anh Nghĩa vẫn thường xuyên 12h - 1h sáng âm thầm đến phòng trọ để kiểm tra việc sinh hoạt vì không muốn những gì mọi người giúp bé Đạt trở thành công cốc.
Trong một năm qua anh Nghĩa đã luôn âm thầm dõi theo từng bước đi của Đạt, bởi giờ đây không chỉ dừng lại ở việc cảm thương với một đứa trẻ kém may mắn, mà đó còn là trách nhiệm của một người cha, một người luôn hy vọng cậu nhóc sẽ trưởng thành như chính cái tên mà nó được mang - Nguyễn Danh Thành Đạt.
Khi thực hiện bài viết này tôi đã từng ngỏ lời chụp hình anh Nghĩa và bé Đạt, nhưng anh xin phép được từ chối. Bởi với anh kể từ khi bước trên con đường đồng hành cùng Đạt, anh luôn hạn chế xuất hiện bên cạnh cậu. Như một người cha vô hình luôn đứng phía xa, anh Nghĩa bảo: “Tôi không muốn Đạt khi lớn lên cứ cảm nhận có một người nào đó luôn đứng sau giúp đỡ, khiến cậu bé mất đi khả năng phát triển cuộc sống của mình. Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, một câu chuyện đã được chia sẻ trên mạng thì nó sẽ theo suốt một quãng đường dài, nếu mà sau này Đạt lớn lên, bắt đầu nhận thức được, bạn lên mạng tìm hiểu câu chuyện hồi xưa, rồi bạn thấy có một anh chị nào đó suốt ngày cứ ra để giúp đỡ mình. Có thể lúc đó bạn sẽ suy nghĩ là phải làm thế nào để trả ơn cho người đã giúp đỡ. Bản thân tôi không muốn điều đó, cuộc sống của họ cứ để cho họ tự quyết định, những gì tôi giúp hôm nay là để bé tiếp tục con đường học vấn, và mẹ bé có công việc ổn định để tự nuôi dạy con”.