Có thể tử vong chỉ vì một vết cắt do kháng thuốc kháng sinh

Hải Yến - Thanh Loan |

Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050 cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật, con số cao hơn nhiều so với tử vong do ung thư hiện nay.

Hiện nay, kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đã trở nên ngày càng nghiêm trọng, nó không chỉ xảy ra trên người mà còn trong các ngành nông nghiệp, sản xuất thực phẩm.

Kháng thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người Việt Nam, môi trường cũng như tính bền vững của hệ thống sản xuất thực phẩm.

Nhân Tuần lễ Nang cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh lần thứ 2 tại Việt Nam, bác sĩ Lokky Wai, Đại diện WHO tại Việt Nam vẽ ra viễn cảnh trong vài chục năm nữa, khi các phương pháp điều trị như hóa trị bệnh ung thư và phẫu thuật đơn giản sẽ không thể thực hiện được do phụ thuộc vào thuốc kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng.

Trong tương lại khi mà triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có tể gây tử vong.

Có thể tử vong chỉ vì một vết cắt do kháng thuốc kháng sinh - Ảnh 2.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan nông nghiệp và lương thực LHQ (FAO) và Bộ Y tế chia sẻ nhân Tuần lễ nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc kháng sinh.

Sử dụng thuốc kháng sinh

Ths Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng với kháng sinh, có nhiều vi khuẩn hiện nay đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Có những chủng vi khuẩn đã xuất hiện biến đổi gen và kháng với tất cả các loại kháng sinh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%.

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở nông thôn lên tới 91%, trong khi ở thành thị chỉ có 88%.

Ông Thái cũng thông tin thêm, không phải bệnh viện tuyến trung ương sử dụng thuốc kháng sinh nhiều hơn các bệnh viện địa phương.

Mà ngược lại, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, huyện là 45%.

Lý giải cho hiện tượng này, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá nhiều bên cạnh nhận thức của người dân chưa đầy đủ, trong đó có cả những y bác sĩ dẫn tới việc lạm dụng trong sử dụng, kê đơn không đúng trong điều trị bệnh, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sản xuất thực phẩm thiếu kiểm soát.

Có thể tử vong chỉ vì một vết cắt do kháng thuốc kháng sinh - Ảnh 3.

Riêng về ngành y tế- cơ quan quản lý trực tiếp việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh, ngoài nguyên nhân do trình độ chuyên môn của người thầy thuốc, còn có nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở cơ sở y tế tuyến huyện, xã còn yếu, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa.

Ở đây các cơ sở không có đủ các trang bị cần thiết như máy định danh vi khuẩn, không có điều kiện làm kháng sinh đồ, từ đó bác sĩ cân nhắc mức độ kháng thuốc để kê đơn điều trị đúng.

Bà Socorro Escalate, Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống Y tế Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tình trạng sử dụng kháng sinh của Việt Nam đứng ở mức cao, người dân có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn, bác sĩ kê hơn 2 thuốc kháng sinh trong 1 đơn thuốc.

Theo nghiên cứu của WHO, từ năm 2009 đến nay số lượng bán thuốc kháng sinh ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần so với thời điểm hiện tại.

Cần sự phối hợp đa ngành và cộng đồng trong vấn đề kháng thuốc

Việc sử dụng kháng sinh tràn lan cả trong khám chữa bệnh cũng như nuôi trồng thủy sản, vật nuôi khiến cộng đồng dễ lâm vào tình trạng kháng kháng sinh một cách bị động qua các chuỗi thức ăn.

Hậu quả của tình trạng kháng kháng sinh là dẫn tới thời gian điều trị bệnh kéo dài, thậm chí nhiều căn bệnh sẽ không có thuốc chữa, chi phí điều trị cao, từ đó dẫn tới nguy cơ tái nghèo trong một bộ phận người dân.

Mặc dù việc giám sát sử dụng kháng sinh trong trên 1000 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, huyện đã và đang được làm rất chặt chẽ, nhưng với hơn 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân, rất khó có thể kiểm soát việc sử dụng kháng sinh ở những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Có thể tử vong chỉ vì một vết cắt do kháng thuốc kháng sinh - Ảnh 4.

Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên do mức xử phạt rất nhẹ, nên không đủ sức răn đe.

Đối với các cơ sở y tế và bác sĩ trực tiếp kê đơn, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị.

Đến thời điểm này, Bộ y tế đã ban hành gần 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị các loại bệnh, thầy thuốc sẽ căn cứ vào đó để kê đơn. Trong tương lai, nếu bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ bị cắt lương, thưởng.

Một trong những biện pháp mà Bộ Y tế đang theo đuổi là đưa chương trình Phòng chống kháng thuốc vào trường học, giáo dục cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở khám chữa bệnh cần đặt ra các chỉ tiêu, quy định và giám sát thực hiện việc sử dụng thuốc.

Thiết lập một hệ thống giám sát kháng thuốc, hiện chỉ có 16 đơn vị làm công việc này, trong thời gian tới phải xây dựng từ 30-32 đơn vị là hệ thống giám sát quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại