Nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Content) là chỉ số được dùng để đo lường lượng cồn trong máu. Ví dụ, kết quả BAC là 0,05% hay 0,50mg/ml nghĩa là trong 100ml máu có chứa 0,05g cồn.
Khi bạn uống đồ uống có chứa cồn, ví dụ như các loại rượu, bia, dạ dày và ruột non sẽ nhanh chóng hấp thụ cồn vào máu. Cồn là một chất độc đối với cơ thể, được chuyển hóa chủ yếu ở gan và cơ quan này sẽ lọc bỏ cồn ra khỏi máu.
Nếu lượng cồn bạn tiêu thụ nhiều hơn mức gan có thể xử lý, BAC trong máu sẽ tăng lên. Lúc này, bạn có thể có các triệu chứng của say rượu, hay còn gọi là nhiễm độc cồn.
Thông thường, ở người có cơ chế chuyển hóa bình thường, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn sau 1 giờ. 1 đơn vị cồn tương đương 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.
Lượng cồn trong máu thay đổi dựa trên các yếu tố:
- Lượng cồn được tiêu thụ
- Tốc độ uống nhanh hay chậm
- Lượng thực phẩm được ăn vào trước khi uống
- Tuổi tác và cân nặng
Cơ thể phản ứng thế nào với nồng độ cồn trong máu?
Cơ thể có các phản ứng khác nhau ở từng mức nồng độ cồn (Ảnh minh họa)
Cồn là chất gây ức chế hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng tới mọi cơ quan trong cơ thể.
Theo Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu, các mức BAC khác nhau có thể gây ra các phản ứng khác nhau, cụ thể:
0,00% - 0,05%: Gây buồn ngủ và suy giảm nhẹ về ngôn từ, thăng bằng cơ thể và khả năng chú ý.
0,06% - 0,15%: Giảm khả năng thăng bằng, vận động, chú ý, trí nhớ, ngôn từ ở mức độ trung bình và tăng nguy cơ chấn thương nếu lái xe.
0,16% - 0,30%: Gây suy giảm nghiêm trọng hầu hết các chức năng vận động, phản ứng về thời gian, kỹ năng phán đoán. Một số người có thể bị nôn, bất tỉnh.
0,31% - 0,45%: Mức BAC này có thể gây đe dọa tính mạng, hôn mê, mất ý thức và tử vong do ngừng hô hấp. Các chức năng sống của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây ra những hậu quả nguy hiểm ở mức BAC này.
Một số người có khả năng dung nạp rượu cao cần một lượng rượu nhiều mới gây tác dụng tương tự. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nồng độ cồn trong máu của họ thấp hơn.
Tác hại của rượu với cơ thể
Đồ uống có cồn có thể gây ra những rủi ro sức khỏe cả ngắn hạn và dài hạn (Ảnh minh họa)
Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ, người trưởng thành trong độ tuổi được phép sử dụng rượu bia có thể chọn không uống hoặc uống ở mức độ vừa phải với tối đa 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam giới và với nữ giới là tối đa 1 đơn vị cồn/ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết đồ uống có cồn có thể gây ra những rủi ro sức khỏe cả ngắn hạn và dài hạn.
Những rủi ro sức khỏe ngắn hạn của đồ uống có cồn gồm: chấn thương, tai nạn như tai nạn giao thông, đuối nước; bạo lực; ngộ độc rượu; sảy thai...
Những rủi ro sức khỏe lâu dài của đồ uống có cồn bao gồm:
- Huyết áp cao, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh gan và các vấn đề về tiêu hóa
- Một loạt các loại bệnh ung thư như ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng, trực tràng
- Suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ ốm đau, bệnh tật
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng
- Nghiện rượu
Chính vì thế, để hạn chế những tác hại không đáng có của rượu bia, mỗi chúng ta nên hạn chế tiêu thụ hoặc tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Đồng thời, khi sử dụng các loại đồ uống có cồn, cần lắng nghe phản ứng của cơ thể để có cách xử trí phù hợp.
Theo các chuyên gia, mọi người không nên để bụng đói khi uống rượu bia; nên uống nhiều nước trước, trong và sau khi uống rượu bia; không nên pha trộn nhiều loại rượu bia để uống; tuyệt đối không uống rượu bia cùng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh hoặc thuốc hướng thần; không uống rượu bia khi đang lái xe.