Theo một thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ và Indonesia hồi tháng 12/2012, quốc gia Đông Nam Á sẽ nhận được 24 máy bay chiến đấu F-16 Block 25 đã qua sử dụng để sau đó nâng cấp lên chuẩn Block 52. Ngoài ra, họ còn được bàn giao 6 máy bay cùng loại để lấy phụ tùng.
Số tiêm kích F-16 trên đều đang được bảo quản tại căn cứ Davis-Monthan, Mỹ sẽ chuyển giao dưới dạng "cho không", nhưng các khoản chi phí nhằm phục vụ đại tu và nâng cấp thì Chính phủ Indosesia phải chi trả. Ước tính Indonesia sẽ bỏ ra khoảng 750 triệu USD để sở hữu số chiến đấu cơ trên.
Như vậy sau khi trải qua quá trình hiện đại hóa, tính bình quân một chiếc F-16 Block 52 của Indonesia tiêu tốn hơn 31 triệu USD tiền ngân sách, rẻ hơn đáng kể con số 78 triệu USD của máy bay sản xuất mới.
Tiêm kích F-16 Fighting Falcon Block 52
Thương vụ trên đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các khách hàng tiềm năng của dòng chiến đấu cơ này, đặc biệt là những đối tác đang có ý định cấp tốc nâng cấp sức mạnh không quân trong khi chờ đợi được trang bị một chủng loại tiêm kích hạng nhẹ tiên tiến hơn.
Tuy vậy khoản tiền 31 triệu USD cho một máy bay vẫn tỏ ra hơi cao, nhất là đối với một chiếc tiêm kích đã qua sử dụng. Vậy có phương án nào để tiết giảm con số trên hay không? Giải pháp dung hòa có thể tính tới đó là chỉ phục hồi chức năng bay, không cần nâng cấp lên các chuẩn cao hơn.
Hiện tại Không quân Mỹ vẫn đang lưu giữ rất nhiều tiêm kích F-16C/D thuộc Block 25 và 30, chúng bắt đầu phục vụ từ thời điểm giữa thập niên 1980.
Phiên bản này đã được trang bị radar mảng pha thụ động AN/APG-68, giao diện điều khiển số hóa, có khả năng tấn công chính xác mục tiêu vào ban đêm. Block 30 còn tích hợp hệ thống hoa tiêu quán tính (EGI) từ vệ tinh định vị toàn cầu (GPS), cho phép sử dụng bom JDAM và các vũ khí có độ chính xác cao khác.
Tiêm kích F-16 mang tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Sidewinder và tên lửa chống radar AGM-88 HARM trong nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương (SEAD)
Hiện nay Lockheed Marin đang chào hàng các gói nâng cấp cho F-16 từ những phiên bản cũ với đơn giá 10 - 40 triệu USD, trong đó cao cấp nhất là hiện đại hóa lên chuẩn F-16V Viper, còn đối với chuẩn Block 52 thì chi phí ước tính khoảng 20 - 25 triệu USD.
Căn cứ vào hợp đồng giữa Mỹ và Indonesia, nếu khách hàng lựa chọn phương án chỉ phục hồi tính năng bay cho F-16 Block 25 thay vì nâng cấp lên chuẩn Block 52 thì sẽ tiết kiệm được khoản ngân sách đáng kể. Ước tính chi phí bỏ ra cho mỗi máy bay trên dưới 10 triệu USD, tức là chỉ cao hơn Su-22 đã hiện đại hóa một chút.
F-16 mặc dù là hàng secondhand nhưng tuổi khung vẫn đáp ứng thêm tối thiểu 2.000 giờ bay (thậm chí kéo dài lên tới 6.000 giờ), tính năng của biến thể Block 25/30 tuy rằng không thực sự cao nhưng vẫn "ăn đứt" Su-22 về mọi mặt, vì vậy đây là đề xuất có thể được nhiều khách hàng tiềm năng lựa chọn tiến hành trong tương lai.