Suýt bị hoại tử da mặt vì tiêm chất làm đầy không đảm bảo chất lượng
Nhận được lời mời của người cháu gái vừa mới khai trương spa làm đẹp, chị Nguyễn Thị H, 50 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã ủng hộ bằng dịch vụ tiêm chất làm đầy filler nhằm xoá các nếp nhăn, làm cho da mặt được căng, đẹp và làm đầy má bị hóp.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày tiêm chất làm đầy, 2 bên má (vùng tiêm chất làm đầy) trở thành một khối cứng.
Theo chị H, ban đầu chị nghĩ đó là hiện tượng phản ứng tự nhiên sau khi tiêm chất làm đầy nhưng càng ngày chị càng cảm nhận rõ sự không bình thường. Vì vậy, sau 4 ngày tiêm chất làm đầy, chị đã quyết định đến bệnh viện để thăm khám.
Chỉ sau 2 ngày tiêm chất làm đầy, 2 bên má của chị H trở thành một khối cứng
Bác sĩ BS Đỗ Tuấn Anh, Khoa Y học Thực nghiệm, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Người trực tiếp điều trị cho chị H cho biết, bệnh nhân đến phòng khám trong tình trạng dị cảm má: cảm giác tê bì vùng má, đau tức, khi sờ vào cảm giác tức nóng, và 2 vùng mà tiêm có khối cứng.
Cũng theo BS Tuấn Anh, đây là hiện tượng vùng da đã bị viêm tấy, nhiễm trùng. Nguyên nhân là do chất lượng dung dịch tiêm không đảm bảo và điều kiện vệ sinh, chống nhiễm trùng tại chỗ, các dụng cụ spa chưa đảm bảo an toàn, vô trùng.
"Trường hợp của bệnh nhân H được xác định bị nhiễm trùng khá nặng. Cũng may, bệnh nhân đến kịp thời nên việc điều trị không quá phức tạp. Nếu đến muộn, bệnh nhân sẽ có thể bị hoại tử da và để lại sẹo xấu trên gương mặt cả đời", BS Tuấn Anh chia sẻ.
Dịch vụ tiêm chất làm đầy filler: Quảng cáo bóng bẩy - hệ quả khôn lường
Chưa bao giờ, thị trường làm đẹp bằng chất làm đầy filler như: nâng mũi, độn cằm, xoá nếp nhăn, đầy má bị hóp…lại sôi động như thời gian gần đây.
Chỉ cần gõ cụm từ "chất làm đầy" sẽ cho ra hàng nghìn kết quả với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn: "Chất làm đầy filler chính hãng giá rẻ, an toàn và hiệu quả. Làm đẹp với phương pháp đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh gọn, không cần đụng chạm dao kéo mà vẫn đẹp và mềm mại…..";
"Nâng mũi dành cho người ngại đụng chạm dao kéo, không chảy máu, không đau đớn, không biến chứng…"; "Chỉ mất 5-10 phút sẽ xoá được nếp nhăn của tuổi tác…."
BS Đỗ Tuấn Anh Khoa Y học Thực nghiệm, bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Theo BS Đỗ Tuấn Anh, về bản chất, so với phương pháp phẫu thuật thì phương pháp tiêm chất làm đầy sẽ nhanh gọn, hiệu quả ngay, không gây sưng nề, kinh phí rẻ hơn và không bị sẹo.
Chất làm đầy có cấu tạo từ Acid Hyaluronic (HA) – tương tự một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể người. Chúng được dùng để tiêm vào da với một lượng rất nhỏ bằng loại kim chuyên biệt.
Sau đó, chất gel sẽ ngay lập tức tạo thành một khối mô dày dưới những vùng cần nâng độn và làm đầy làm đẹp (vùng trán, hốc mũi, làm thẳng sống mũi, làm hở cánh mũi…) và tạo hình cằm, tạo đường cong mà không cần phải phẫu thuật, giúp các nếp nhăn biến mất, làn da trở nên căng mịn hơn.
Tuy nhiên, điều đáng nói, chất làm đầy filler không rõ nguồn gốc lại đang tràn lan trên thị trường. Việc sử dụng chất làm đầy không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra nhiều tác hại đối với da như: dị ứng, viêm da, khiến khuôn mặt bị biến dạng. Thậm chí, có thể gây tai biến.
Hơn nữa, chất làm đầy không rõ nguồn gốc khi vào cơ thể sẽ có thể lan tràn đến nhiều nơi gây nên những khối u xơ do phản ứng cơ thể bao lại. Khi tiêm vùng ngực, mặt… chúng gây biến dạng gương mặt; ngực nổi từng đám u, cục, méo mó. Và đây cũng là lý do ngày càng có nhiều vụ biến chứng nghiêm trọng khi tiêm chất làm đầy.
Mặt khác, có những yếu tố nguy cơ: gây viêm tấy, áp xe và đặc biệt gây nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng con người .
BS Tuấn Anh cũng cho biết thêm, lĩnh vực thẩm mỹ không có "tiêu chuẩn vàng" cho mọi thứ, nhưng yếu tố tay nghề của bác sỹ rất quan trọng. Chất làm đầy filler chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng với liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác.
Ngoài ra, ở mỗi cơ địa khác nhau lại đòi hỏi việc xác định vị trí tiêm khá phức tạp và tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ phải rất cao. Thế nhưng, dường như những yếu tố này còn đang rất thiếu và yếu, hoặc bị cố tình bỏ qua, ở nhiều cơ sở spa.
Theo Đại tá.TS.BS Nguyễn Huy Thọ - Nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108, chất làm đầy filler có 3 loại: Estylane, Juvederm và Radiess là những chất được chế tạo để thay thế silicon lỏng (silicon lỏng đã bị cấm từ năm 1990). Filler là một hợp chất có độ an toàn cao, tương thích với cơ thể, không gây di ứng và không gây đau.
Tuy nhiên đã có nhiều biến chứng xảy ra tại các spa: Tiêm vào tĩnh mạch gây tắc mạch dẫn đến mù mắt (chị L tại TP.HCM năm 2014), hoại tử da (đã có ít nhất 2 trường hợp hoại tử toàn bộ đầu mũi đã được ghi nhận ở Việt Nam). Tiêm quá liều: Filler được khuyến cáo nếu tiêm ở sống mũi không quá 1cc, đầu mũi không quá 0,3cc không nên tiêm quá liều trên.
Ngoài ra có một số chất làm đầy không rõ nguồn gốc chúng tôi nghi là silicon lỏng đã gây biến dạng cằm, gò má, môi đã được ghi nhận trên báo chí trong và ngoài nước.
Những đối tượng tuyệt đối không được làm đẹp bằng phương pháp tiêm chất làm đầy filler
Từ những yếu tố nguy cơ trên, BS Tuấn Anh khuyến cáo, những người có bệnh lý toàn thân như: bệnh tim mạch, bệnh hen, ung thư… hoặc một số bệnh lý đặc biệt như bệnh máu khó đông… thì không nên thực hiện phương pháp tiêm chất làm đầy.
Bên cạnh đó, những vùng định làm đẹp thì không được viêm nhiễm, không được xây xát; giữ gìn vệ sinh trước, trong và sau khi tiêm chất làm đầy bởi có thể gây viêm nhiễm.
"Sau khi tiêm chất làm đầy filler, thời gian đầu cần phải hạn chế chất kích thích. Ngoài ra, cần ăn tăng cường: rau, hoa quả, vitamin để hạn chế nhiễm khuẩn, tăng cường dưỡng chất cho cơ thể. Khi đi ra ngoài, nên có dụng cụ che chắn, bảo vệ vùng làm đẹp để hạn chế tối đa bụi bẩn vào vùng làm đẹp.
Trong tuần đầu tiên sau khi tiêm chất làm đầy, chúng ta nên hạn chế va chạm nhằm tránh nguy cơ thay đổi khuôn và xô chất làm đầy", BS Tuấn Anh chia sẻ.
Theo đó, trước khi muốn làm đẹp thì các chị em cần phải tìm hiểu kỹ về cơ sở mình định làm cũng như chất lượng sản phẩm mình sẽ sử dụng. Điều quan trọng không kém là lựa chọn chuyên gia có tay nghề cao để được tư vấnchính xác và làm đẹp hiệu quả, an toàn.
Video: Mặt trái của phẫu thuật thẩm mỹ