Tóm tắt nội dung bản án
Theo bản án sơ thẩm số 1297/2017/KDTM-ST ngày 22/09/2017 của Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này đã áp dụng Điều 217, Điều 218 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015; áp dụng điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp năm 2005; áp dụng khoản 2 Điều 149, Điều 153, Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014, tuyên xử:
- Đình chỉ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) về việc yêu cầu Tập đoàn Trung Nguyên cung cấp các user và mật khẩu truy cập vào phần mềm SAP để kiểm soát hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp;
- Yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ với tư cách là Chủ tịch HĐQT chấm dứt việc sửa đổi Điều lệ và thay đổi cơ cấu tổ chức điều hành của Tập đoàn Trung Nguyên trong thời gian Tòa án xem xét giải quyết liên quan đến vụ kiện.
Cũng tại bản án sơ thẩm nói trên, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên; Khôi phục lại chức danh Phó TGĐ Thường trực của bà Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành, quản lý Công ty, với tư cách là Thành viên HĐQT và Phó TGĐ Thường trực.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa thể trở lại ghế Phó TGĐ thường trực tại Trung Nguyên.
Căn cứ pháp lý của các bên
Tuy nhiên, trong Đơn kháng cáo gửi TAND TP.HCM, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng bản án trên là “thiếu căn cứ pháp luật và không khách quan”.
Do đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề nghị tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 311, Điều 217.1(g), Điều 192.1(đ) Bộ Luật Tố tụng Dân sự, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu “hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ với tư cách là Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên ký; khôi phục lại chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo; ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là một thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc thường trực.”
Trong khi đó, tại Đơn kháng cáo của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, Tập đoàn này cho rằng yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm đối với bà Thảo không phải là tranh chấp về kinh doanh thương mại theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự, mà thuộc thẩm quyền nội bộ công ty, cụ thể là thuộc HĐQT và Đại hội đồng cổ đông của công ty.
Do vậy, việc bà Thảo yêu cầu Tòa án có thẩm quyền “Hủy bỏ Quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo” là không đúng theo quy định của pháp luật theo khoản 6 Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trung Nguyên cũng cho rằng chức vụ của bà Thảo không phải là người quản lý quan trọng của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty và quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2015.
Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm ngày 21/09, để chuẩn bị căn cứ pháp lý cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, các luật sư của bà Thảo đã gửi đơn đến TAND Cấp cao tại TP.HCM (nơi chịu trách nhiệm xét xử phúc thẩm).
Nội dung của đơn nêu rằng: “Điều 29.1 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền của vợ và chồng là bình đẳng như nhau đối với tài sản chung.
Tập đoàn Trung Nguyên về bản chất là do ông Vũ và bà Thảo thành lập, điều hành và phát triển, vì thế theo quy định pháp luật trên, ông Vũ và bà Thảo có quyền ngang nhau trong Tập đoàn này (ông Vũ và bà Thảo sở hữu 93% tài sản vô hình và hữu hình của Tập đoàn Trung Nguyên).
Ngoài ra, để đảm bảo việc bà Thảo có quyền điều hành như ông Vũ, thì hai vợ chồng đã phân công, thỏa thuận với nhau để bà Thảo giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực, có quyền ngang với Tổng giám đốc.
Vì vậy, việc ông Vũ đơn phương chấm dứt chức Phó tổng giám đốc của bà Thảo, gạt bà Thảo ra khỏi việc điều hành trực tiếp Tập đoàn là vi phạm các quy định pháp luật nêu trên.
Bên cạnh đó, chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên hoàn toàn khác với các chức Phó Tổng giám đốc khác. Chức Phó tổng giám đốc chỉ được phân quyền hạn chế, bản chất là người làm công cho Tập đoàn Trung Nguyên.
Bà Thảo giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực có quyền ngang với Tổng giám đốc và cả hai vợ chồng là đồng sở hữu đối với Tập đoàn Trung Nguyên.
Vì vậy, chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực chắc chắn phải là chức vụ quản lý quan trọng, không thể bị bãi nhiệm một cách tự ý bởi ý chí của ông Vũ”.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ bãi nhiệm chức Phó TGĐ bà Thảo theo quy định nào?
Và trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 21/09, HĐXX đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm số 1297/2017/KDTM-ST ngày 22/09/2017.
Theo đó, “Hủy bỏ Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo; Khôi phục lại chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên; Yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành và quản lý Công ty, với tư cách là thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc thường trực.”
Trong diễn biến mới đây nhất, ngay trong ngày 21/09 – thời điểm sau khi phiên tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ đã ký Quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo”.
Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, Quyết định này được ký căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 (nhưng không nói rõ căn cứ Điều, khoản nào) và căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của chức danh Tổng Giám đốc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Như vậy, điểm khác biệt của Quyết định nói trên so với những lần trước là, ông Vũ ký với tư cách là Tổng Giám đốc.
Trong khi đó, bản án của tòa chỉ yêu cầu “hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Đặng Lê Nguyên Vũ ký với tư cách Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên”.