Cơ sở nào khiến Giáo sư y học đặt nghi vấn về sự bất thường trong điểm thi Sơn La?

NGUYỄN HÀ |

GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) đã phân tích dữ liệu điểm và chỉ ra một số vấn đề mà ông cho rằng bất thường trong phổ điểm thi THPT Quốc gia của Sơn La.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, tính trung bình điểm thi môn Toán, lí, Hóa và Sinh học của Sơn La đều thấp hơn so với cả nước.

Chẳng hạn như môn Toán, điểm trung bình (độ lệch chuẩn) của Sơn La là 3,43 (1,33), so với cả nước là 4,88 (1,44). Đáng chú ý độ lệch chuẩn của Sơn La (1,33) thấp hơn so với cả nước (1,44).

“Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9,0 đến 9,8 cao bất thường . Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng” - ông Tuấn nói.

Đối với môn Lý cũng có sự bất thường, số học sinh có điểm 9.0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm vật lí cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.

Ông phân tích dựa trên cơ sở nào để ra được kết quả này?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đặt câu hỏi đơn giản rằng nếu phân bố điểm thi của một tỉnh (như Hà Giang hay Sơn La) giống với phân bố điểm toàn quốc, thì sẽ có bao nhiêu thí sinh có điểm 0; 0,2; 0,4; 0,6, …, 10. Tôi gọi đó là "số kì vọng".

Sau đó, tôi so sánh số kì vọng với số thí sinh thực tế cho từng thang điểm, và qua đó có thể thấy ở thang điểm nào, phân bố của tỉnh có vẻ bất thường. Một cách khác là dùng phương pháp phân tích thống kê có tên là "Hồi qui tuyến tính".

Theo phương pháp này, tôi tìm hiểu mối tương quan giữa điểm môn Toán và điểm các môn như Lý, Hoá, Sinh, Văn, Tiếng Anh, Sử, và Địa lí; dựa vào mối tương quan này, tôi ước tính giá trị tiên lượng điểm môn Toán cho mỗi thí sinh; sau đó tôi tính toán độ lệch chuẩn giữa điểm thí sinh đạt được và điểm tiên lượng; và dựa vào độ lệch này, tôi có thể xác định có bao nhiêu thí sinh có điểm bất bình thường sau khi đã xem xét "hồ sơ" điểm của thí sinh đó.

Theo ông, tại sao năm nay lại xuất hiện nhiều bất cập ở các tỉnh vậy?

- GS Nguyễn Văn Tuấn: Có quá nhiều vấn đề cần nêu lên trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, và nhiều chuyên gia trong ngành đã đề cập. Chẳng hạn như đề thi môn Toán khó một cách vô lí.

Tôi đặt giả thuyết là cách ra đề thi chưa đánh giá đúng khả năng của thí sinh, hay độ tin cậy của câu hỏi chưa được cao.

Nhưng đây là những vấn đề mang tính phương pháp đo lường giáo dục mà có lẽ chúng ta chưa chú trọng đúng mức nên dẫn đến tình trạng bất cập hiện nay.

Trước những lùm xùm về điểm số, ông có mong muốn gì?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ cần kiểm tra toàn bộ các tỉnh thành. Có thể chọn ngẫu nhiên mỗi tỉnh thành một số phần trăm (như 5% hay 10%) trường hợp và thẩm định cho kĩ xem có những bất cập nào và xảy ra từ khâu nào.

Mặt khác, cần phải phân tích như tôi đã làm cho tất cả các tỉnh thành trên cả nước, và dùng kết quả này để tập trung thẩm định lại những trường hợp mà kết quả phân tích cho là đáng nghi ngờ.

Việc làm này đơn giản, không tốn nhiều thì giờ. Nếu có đủ dữ liệu và chỉ cần 1 phụ tá, chúng tôi có thể làm trong vòng 2 ngày.

Rất cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại