Tại buổi giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM diễn ra vào chiều 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu rõ, các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để người cách ly tại nhà ra khỏi nhà.
Từ nay đến ngày 6/4 tới, TP dự kiến hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc cho 7.000 người đang cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP để tiến hành khử khuẩn và sẵn sàng cho đợt cách ly tiếp theo.
Đối với các vi phạm quy định về áp dụng biện pháp phòng chống dịch, như không chấp hành cách ly, khai báo y tế,… thì căn cứ vào Điều 11 Nghị định 176 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tiến hành xử phạt nghiêm theo luật định.UBND TP giao Sở Y tế xây dựng các kịch bản cho các tình huống cách ly trong trường hợp số lượng người nhiễm tăng lên và số lượng người cần cách ly cũng tăng theo.
Đối với việc rà soát tất cả người ở nước ngoài về nước từ ngày 8/3 chưa được cách ly tập trung, chưa lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương triển khai rà soát trên diện rộng, tổng hợp danh sách để báo cáo TP trong ngày 26/3.
Cùng với đó, cần tiếp tục khuyến khích người dân chỉ đi ra ngoài khi cần thiết; các doanh nghiệp làm việc online; khuyến khích các hình thức kinh doanh trực tuyến, giao hàng tận nơi, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp. Các cơ quan tổ chức họp trực tuyến, hạn chế số lượng, đảm bảo khoảng cách ngồi trong cuộc họp.
Đối với trường hợp người lao động mất việc, không có bảo hiểm; các giáo viên mầm non, tiểu học phải nghỉ không lương… vì dịch bệnh Covid-19, UBND TP sẽ có văn bản trình HĐND TP vào cuộc họp ngày 28/3 tới để thông qua các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Theo Sở Tư pháp TPHCM, các trường hợp không tuân thủ việc cách ly bắt buộc thực hiện phòng chống dịch Covid-19, TP sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo Điều 11 của Nghị định số 176 của Chính phủ ngày 14/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với các mức dưới đây:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
b) Không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch
b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;
b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;
c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A;
b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;
b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;
c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;
d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước;
c) Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều này.